Thảm sát 9 người: Đào hố chôn xác rải rác trong rừng
- Pháp luật
- 02:23 - 04/08/2015
Nguyên đại tá công an Lâm Trường Giang (ngụ huyện Long Phú, Sóc Trăng) cho biết, lúc xảy ra thảm sát 9 người ở Rạch Sậy cách đây 29 năm, nhiều nơi ở Cù Lao Dung còn hoang sơ, dừa nước mọc dày đặc dọc theo bãi bồi ven sông Hậu.
Lợi dụng địa bàn hiểm trở và vắng người qua lại, một số cư dân địa phương đã tổ chức đưa người trốn ra nước ngoài vì cù lao này giáp ranh với hai cửa biển Trần Đề (Sóc Trăng) và Định An (Trà Vinh).
Theo cựu sĩ quan, vụ thảm sát sẽ bị chôn vùi theo năm tháng nếu không có hai nông dân trồng bí đao đi đốn cây bần làm cừ đắp đập ngăn nước tràn vào rẫy. Sau vài giờ dầm mưa, đập được đắp xong thì họ men theo bãi bồi tìm bắt cá thòi lòi.
"Lội đến gần nơi chôn xác anh Điền, một trong hai người ngửi được mùi thối của xác chết. Tưởng thú rừng mắc bẫy chết nhưng họ kiếm xung quanh không thấy gì. Khi đi vào nơi phát ra mùi hôi thối thì hai nông dân thấy ruồi với dòi quá nhiều. Họ lấy cây đâm, vạch vào đám lá ai đó vứt ngổn ngang thì phát hiện tay người lú lên", ông Giang kể.
Ông Bảy Lượm kể chuyện lần theo dấu vết của Hải để bắt kẻ chủ mưu vụ thảm sát 9 người ở miền Tây, cách nay 29 năm.
Phát hiện điều bất thường, hai nông dân đến trụ sở hành chính xã Đại Ân 1 để báo công an. Khi những người có trách nhiệm không tin lời họ, hai nông dân bơi xuồng vượt sông Hậu qua Long Phú tìm gặp quyền trưởng công an huyện.
"Trưởng công an xã lúc đó là ông Trương Tuấn Kỵ. Ông này liên quan đến vụ án nên khi tôi đến xã thì Kỵ chỉ đường vào hiện trường theo hướng này, hướng khác. Xác người chết được phát hiện nhờ công của hai nông dân đi tìm mồi nhậu và chúng tôi án phá được từ chiếc vòng mã não trên tay một nạn nhân nữ", người trực tiếp "đánh án" nhớ lại.
Theo ông Hai Giang, lúc đó truyền thông cho rằng, nữ trang trên tay nạn nhân là vòng cẩm thạch nên người dân Cù Lao Dung truyền miệng nhau câu nói "Vụ án vòng cẩm thạch". Là người biết chính xác chiếc vòng mã não và lấy đó làm căn cứ để ông Giang phá án, nhưng vị sĩ quan không có điều kiện đính chính với giới truyền thông địa phương cho đến tận ngày nay.
Trò chuyện cùng phóng viên, ông Trần Thanh Tịnh (55 tuổi, ngụ xã Đại Ân 1) cho biết, lúc xảy ra vụ thảm sát 9 người, ông là ủy viên thư ký xã. Theo ghi chép của cựu cán bộ xã, người đeo vòng mã não có giấy tờ tùy thân tên Nguyễn Thị Bình.
"Chị Bình quê Cầu Quan của huyện Tiểu Cần (Trà Vinh). Những nạn nhân là người Trà Vinh và TP HCM, được một người tên Thọ đưa đến Cù Lao Dung rồi bàn giao cho nhóm của Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Văn Kẹp. Hai tên này nếu còn sống thì năm nay 62 đến 65 tuổi", ông Tịnh nói.
Sau khi Nguyễn Văn Nay bị bắt, ông này khai ra 4 người liên quan là Trương Văn Kỵ, Trần Văn Sang, Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Văn Kẹp. Lúc đó, Kỵ là ủy viên Đảng ủy xã Đại Ân 1 và Sang, Hải, Kẹp đều là họ hàng của ông này.
Hay tin các đồng phạm bị bắt, Hải trốn khỏi nơi cư trú. Sau nhiều ngày lần theo dấu vết, cảnh sát biết được nghi can chủ mưu giết người để cướp tài sản có người thân ở xã Long Thới của huyện Tiểu Cần.
Cựu thượng tá công an Nguyễn Minh Lượm (Bảy Lượm) khi đó là Đội trưởng Đội điều tra xét hỏi của Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hậu Giang (cũ). Ông được lãnh đạo đơn vị phân công xuống huyện Long Phú để kết hợp cùng lực lượng tại chỗ truy bắt Hải, vào cuối tháng 8/1986.
Khi cán bộ điều tra đến Cầu Quan thì hay tin, Hải đã rời địa phương trước đó một ngày. Theo họ hàng của nghi can, Hải có người thân ở tỉnh Sông Bé (cũ) và anh ta đã đi về hướng Đông Nam Bộ.
"Tôi về Cần Thơ báo cáo giám đốc ty công an những thông tin về Hải. Lãnh đạo công an tỉnh giao tôi chỉ huy lực lượng truy bắt tên này và ôtô của cơ quan chở mọi người đi Sông Bé ngay trong đêm. Đến gần núi Bà Rá, tôi liên hệ anh Vân là trưởng công an xã ở đó. Anh ấy đến nhà ông Phú là người thân của Hải thì phát hiện gia đình này có thêm người lạ", ông Lượm kể.
Hiện trường thảm sát ngày nào đã được người dân Cù Lao Dung khẩn hoang trồng mía.
Khẳng định "người lạ" chính là Hải, ông Lượm cùng đồng đội bàn kế hoạch tiếp cận nhà ông Phú. Nhờ sự hướng dẫn của trưởng công an xã sở tại, hai sĩ quan của Công an Hậu Giang trong vai thương nhân đến gặp ông Phú để hỏi mua hàng vì gia chủ trồng rất nhiều tiêu.
"Được ông Phú mời vào nhà, giới thiệu các loại tiêu và tiếp thị giá nên tôi tranh thủ quan sát rồi dò hỏi thân thế của gia đình. Ông này thật thà, nói có hai con là bộ đội vừa xuất ngũ và có đứa cháu từ miền Tây lên chơi. Biết đó là Hải, chúng tôi đặt ít tiền cọc cho ông Phú rồi ra về, hẹn hôm sau đến cân tiêu", cựu thượng tá nhớ lại.
Ngày thứ 3 đến Sông Bé, ông Lượm tiếp tục cùng đồng đội và viên sĩ quan đến nhà ông Phú. Lúc này, khóa số 8 và súng được mọi người chuẩn bị sẵn nhằm đề phòng kẻ tình nghi giết người manh động.
"Mình khống chế người thân của chủ nhà mà không thông báo trước thì biết đâu gia chủ cho là ăn cướp. Vì vậy, lần thứ hai quay lại nhà ông Phú, tôi thấy tên này đi từ ngoài vườn vào là lao đến quật ngã, đè xuống đất để đồng đội còng tay và hô to 'chúng tôi là công an', rồi xuất trình giấy tờ", vị cán bộ điều tra kể.
Chủ nhà bất ngờ trước thông tin người cháu họ ở miền Tây lên chơi lại là nghi can giết người. Sau khi ông Phú kiểm tra giấy tờ của những "thương nhân mua tiêu", gia chủ thở dài và cho biết họ không liên quan gì đến chuyện "động trời" mà đứa cháu đã gây ra ở quê nhà.
"Trên đường áp giải về Cần Thơ, Hải thành khẩn khai báo với mọi người về chuyện cùng đồng bọn giết nhóm vượt biên để cướp tài sản. Trong vụ án này không có nhân chứng, nên chúng tôi dựa vào lời khai trùng khớp của các nghi can để xác định có 9 nạn nhân bị giết. Ngoài 7 xác được tìm thấy trước đó, cách hiện trường 20 m, tôi phát hiện thêm hố chôn 2 người đàn ông", thượng tá vừa về hưu chia sẻ.
9 người quê TP HCM và Trà Vinh muốn vượt biên vào năm 1986, trong đó có bé gái 4 tuổi và một phụ nữ mang thai. |