CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:19

Tham gia BHXH tự nguyện: Giảm khó khăn, rủi ro cho người lao động khi về già

 

BHXH Việt Nam cho biết, BHXH tự nguyện thể hiện sự tích cực, chủ động của người lao động (NLĐ) về vấn đề an sinh cho bản thân, góp phần chia sẻ cộng đồng và phát triển xã hội. NLĐ tự nguyện tham gia, được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của bản thân để hưởng các chế độ theo quy định. Người dân tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu theo quy định; được trợ cấp 1 lần và tử tuất; được cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT khi nghỉ hưu và hưởng quyền lợi khám, chữa bệnh như những người tham gia BHXH bắt buộc. Đặc biệt, loại hình bảo hiểm này có nhiều ưu việt trong việc giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già, giúp bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống cho mỗi người khi hết tuổi LĐ.

Theo BHXH Việt Nam, với mức tham gia chỉ hơn 150.000 đồng/tháng, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ có nhiều quyền lợi khi nghỉ hưu. NLĐ được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng khi có đủ điều kiện về tuổi đời và thời gian đã đóng BHXH theo quy định. Người từ 15 tuổi trở lên và không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc đều có thể tham gia BHXH tự nguyện. Mức đóng hàng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia tự chọn nhưng không thấp hơn chuẩn hộ nghèo nông thôn (tối thiểu thu nhập 700.000 đồng/tháng). Như vậy, mức đóng thấp nhất là 154.000 đồng/tháng. Mức đóng có thể thay đổi theo lựa chọn của người tham gia. Người tham gia BHXH tự nguyện có thể đóng theo phương thức: 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng 1 lần, hoặc đóng 1 lần cho nhiều năm về sau (không quá 5 năm 1 lần). Trường hợp người đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm thì có thể đóng BHXH tự nguyện 1 lần cho những năm còn thiếu nhưng không quá 10 năm (120 tháng) và được hưởng hưu trí sau tháng đóng đủ.

 

Ảnh minh họa

 

Luật BHXH quy định, từ 1/1/2018, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Theo đó, các đối tượng thuộc diện hộ nghèo sẽ được hỗ trợ 30%, hộ cận nghèo là 25% và các đối tượng khác là 10%. Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm.

Như vậy, nếu 1 NLĐ đóng BHXH tự nguyện 20 năm, ở mức đóng thấp nhất 154.000 đồng thì thực đóng là 138.600 đồng/tháng (15.400 đồng được Nhà nước hỗ trợ). Nếu đóng đủ 20 năm thì tổng số tiền thực đóng hơn 33 triệu đồng. Tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng được tính: Thời gian đóng BHXH là 20 năm, theo đó: 15 năm đầu tính bằng 45%; từ năm thứ 16 đến năm thứ 20 là 5 năm, tính thêm: 5 x 2% = 10%. Tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng là: 45% + 10% = 55%. Vậy mức lương hưu hàng tháng ít nhất là: 55% x 700.000 đồng/tháng (tăng theo tỷ số tiêu dùng hàng năm) = 385.000 đồng/tháng; lương hưu được điều chỉnh tăng lương theo mức lương cơ sở hoặc theo quy định Chính phủ theo từng thời kỳ.

Người hưởng lương hưu được Quỹ BHXH cấp thẻ BHYT, được hưởng 95% chi phí khi đi khám chữa bệnh, trong khi nếu tham gia BHYT tự nguyện thì chỉ được hưởng 80%. Khi qua đời, thân nhân của họ được mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm chết và hưởng tuất 1 lần. Theo đó, mức trợ cấp tuất 1 lần đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu chết được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu. Nếu chết trong 2 tháng đầu hưởng lương hưu thì tính bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng; nếu chết vào những tháng sau đó, cứ hưởng thêm 1 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu, mức thấp nhất bằng 3 tháng lương hưu đang hưởng.

Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu cho biết, tính đến 29/11, toàn quốc đã có 83 triệu người tham gia BHXH, BHYT. Tuy nhiên, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tại một số tỉnh, thành phố vẫn chưa đạt hiệu quả cao, thậm chí tại một số địa phương, đối tượng tham gia giảm so với năm 2017. Công tác tuyên truyền, vận động phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, nhất là đối tượng tham gia BHXH tự nguyện ở một số nơi, số lúc còn thiếu chuyên nghiệp, bài bản. Vì vậy, ngày 29/11, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã ban hành Quyết định số 2445/QĐ-BHXH thành lập Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Quyết định nêu rõ, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ, thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế chính sách của Chính phủ về phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Phối hợp với UBND tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của địa phương; Kiểm tra, đôn đốc, đánh giá và hướng dẫn về công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN; Định hướng sơ kết, tổng kết và đề xuất khen thưởng đối với các tập thể và cá nhân trong thực hiện phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN...

HOÀI THU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh