CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:50

Thái Nguyên: Đổi mới, công tác cai nghiện đạt nhiều kết quả

Thực hiện nhiều giải pháp đổi mới cai nghiện

Theo số liệu thống kê, hiện  toàn tỉnh Thái Nguyên có 5.329 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó có 3.859 người ở cộng đồng, 1.148 người vắng mặt ở địa phương, số cai nghiện tại các Cơ sở điều trị nghiện ma túy của tỉnh và huyện là 220 người. Thực tế hiện nay, số người cai nghiện bắt buộc ở các Cơ sở cai nghiện ma túy rất ít. Từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh tổ chức cai nghiện ma túy được trên 3000 lượt người, trong đó cai bắt buộc tại các Cơ sở cai nghiện ma túy trên 300 người.

Tỉnh Thái Nguyên có 7 cơ sở cai nghiện, 219 cán bộ làm việc trong các cơ sở cai nghiện (2 cơ sở trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, 5 cơ sở thuộc UBND cấp huyện) với quy mô tiếp nhận được từ 1.300 đến 1.500 người/lần chấp hành quyết định vào chữa trị, quản lý tập trung tại các cơ sở cai nghiện.

Nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác cai nghiện phục hồi, từ tháng 4 năm 2013, Sở LĐ-TB&XH chủ trì triển khai thực hiện Đề án dùng thuốc Cedemex trong hỗ trợ cắt cơn, cai nghiện ma tuý ở tại gia đình, cộng đồng trong đó có áp dụng tại một số cơ sở cai nghiện. Việc triển khai dùng thuốc Cedemex trong cắt cơn cai nghiện ma tuý cho người nghiện tại các cơ sở cai nghiện đạt hiệu quả rõ rệt trong điều trị do: Cơ sở, vật chất bảo đảm; thời gian cai nghiện đáp ứng được yêu cầu của quy trình cai nghiện như tiếp nhận, điều trị cắt cơn, giáo dục, phục hồi hành vi, nhân cách, lao động trị liệu, tổ chức học nghề, chuẩn bị tái hoà nhập cộng đồng… Theo kết quả đánh giá chung 4 năm thực hiện Đề án, tỷ lệ người không tái nghiện sau cai nghiện thuốc bằng thuốc Cedemex sử dụng đúng phác đồ điều trị tại gia đình, cộng đồng và tại cơ sở cai nghiện trên địa bàn tỉnh (uống đủ 11 hộp thuốc điều trị trong 6 tháng) đạt 38,42%.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng thực hiện lồng ghép điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại cơ sở cai nghiện trên địa bàn tỉnh (tính từ tháng 11/năm 2016 đến tháng 02/2017 tỉnh Thái nguyên đã điều trị, cấp phát thuốc cho 188 người).

Tư vấn cho người nghiện ma túy tại Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên

Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện tại cộng đồng

Theo số liệu thống kê, từ năm 2008 đến hết tháng 6/2018, toàn tỉnh Thái Nguyên có trên 9.800 lượt người cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, chiếm 55,7% số lượt người cai nghiện ma túy qua các hình thức. Tuy vậy, số lượng người cai nghiện thành công (sau 3 năm không sử dụng ma túy) chiếm số lượng rất hạn chế.

 Bác sĩ Lê Đức Hùng - Giám đốc Cơ sở tư vấn và điều trị cai nghiện ma túy tỉnh Thái Nguyên cho biết, công tác cai nghiện chủ yếu áp dụng hình thức cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên biện pháp này cũng gặp nhiều khó khăn do Tổ công tác cai nghiện ở cấp xã đều là cán bộ kiêm nhiệm, hoạt động cai nghiện chủ yếu là tuyên truyền, vận động. Người nghiện ma túy hầu hết là cai không có hỗ trợ về y tế nên không hiệu quả. Hơn nữa, người nghiện ma túy và gia đình người nghiện chưa thực sự thay đổi nhận thức, nhiều gia đình còn bao che, không hợp tác với các cơ quan chức năng, không quan tâm đến cai nghiện cho con em, người thân của mình.

Bên cạnh đó, công tác quản lý các đối tượng nghiện sau khi cai nghiện ma túy ở nơi cư trú cũng không dễ dàng. Ông Chu Hoàng Tùng - Phó Chi cục trưởng Chi Cục phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh Thái Nguyên cho biết, người nghiện sau cai thường xuyên vắng nhà, đi làm ăn xa, phần lớn các đối tượng sau cai không tham gia các hoạt động xã hội, lười lao động, không có nguyện vọng được học nghề, tự tìm kiếm việc làm và môi trường chưa trong sạch hoặc gia đình không quan tâm, giúp đỡ nên dẫn đến tỷ lệ tái nghiện cao.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục lồng ghép điều trị, cai nghiện với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trong lĩnh vực giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng môi trường sống lành mạnh không có tệ nạn xã hội ở địa phương; Thực hiện các dự án về việc làm, xoá đói giảm nghèo, các chương trình kinh tế xã hội nhằm kết nối để người nghiện tham gia chương trình điều trị được hỗ trợ về sinh kế, tham gia các hoạt động xã hội tại cộng đồng. Bên cạnh đó, hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật về điều trị cho các điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng; tuyên truyền, vận động người sử dụng ma tuý tham gia chương trình điều trị thích hợp cũng như hỗ trợ tổ chức điều trị cai nghiện tại cộng đồng”, ông Chu Hoàng Tùng nói.

Ông Nguyễn Thành Long, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thái Nguyên khẳng định: Cai nghiện tại gia đình, cộng đồng vẫn là một giải pháp cần thiết để điều trị cho hơn 5.200 người nghiện có hồ sơ quản lý trên địa bàn tỉnh. Tuy vậy, điều cần thiết nhất là phải nâng cao hiệu quả của công tác này. Theo đó, cần tăng cường nâng cao nhận thức cho người nghiện, gia đình và cộng đồng về việc nghiện ma túy là một căn bệnh, có thể cai được để họ tự giác hợp tác, lựa chọn hình thức cai nghiện phù hợp. Thêm nữa, cần có chính sách cho việc cai nghiện tại gia đình, cộng đồng bằng việc hỗ trợ về thuốc, tư vấn y tế, tâm lý cho người nghiện. Trên hết, cần có chính sách hỗ trợ sau cai nghiện thiết thực và phù hợp với các đối tượng nghiện ma túy để họ có thể có việc làm, tự ổn định cuộc sống. Đồng thời, phải xây dựng được môi trường lành mạnh, không có ma túy để hạn chế những nguy cơ gia tăng số người nghiện mới.

BẢO CHÂU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh