THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:58

Thái Bình: Lợn ốm, chết phải tiêu hủy không ngừng tăng lên vì dịch tả lợn châu Phi

 Kể từ ngày 12/2 đến nay, ngày nào Thái Bình cũng có thêm vài, ba xã mới xuất hiện ổ dịch, lúc cao điểm có ngày có tới 15 xã mới xuất hiện ổ dịch. Ngày nào Thái Bình cũng tiêu hủy hàng chục tấn lợn bị nhiễm dịch. Dịch càng lan rộng thì không chỉ những xã cũ bùng phát mạnh mà những xã mới xuất hiện dịch bệnh ngày 1 dày thêm. Ngày 4/4 ngoài 137 xã, thị trấn cũ của cả tỉnh dịch đang lây lan mạnh, thì có thêm 9 xã mới trên địa bàn 5 huyện, thành phố: Thái Thụy, Đông Hưng, Tiền Hải, Kiến Xương và Thành phố Thái Bình xuất hiện ổ dịch.

 Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh tả lợn châu Phi, nghi nhận của phóng viên báo Điện tử Dân sinh tại thành phố Thái Bình nơi đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Chia sẻ với PV, ông Trần Vũ Lãm, Trưởng phòng Kinh tế cho biết: “Bị dịch bao vây tứ phía, các cấp chính quyền và người dân thành phố, mặc dù đã rất nỗ lực phòng chống, nhưng cũng chỉ cầm cự được 42 ngày kể từ khi dịch xuất hiện ở Thái Bình (12/2).

Thái Bình huy động tổng lực để  phòng chống dịch tả lợn châu Phi 

Như Dân sinh thông tin, ngày 25/3 dịch xuất hiện ở 3 thôn của xã Vũ Lạc, nơi mà những người làm công tác phòng chống dịch cũng như người chăn nuôi của thành phố cũng không ai ngờ tới, những ngày sau đó dịch lây lan chóng mặt ra nhiều xã. Đến ngày 7/4 đã có 500 hộ gia đình ở 39 thôn của 8/19 xã, phường của thành phố bị dịch tấn công, chúng tôi đã phải tiêu hủy 1.911 con lợn các loại với tổng trọng lượng 98.644 kg lợn. Riêng tại xã Vũ Lạc tiêu hủy 1.280 con lợn với tổng trọng lượng 53.135 kg lợn ở 330 hộ gia đình.

Cùng cán bộ phòng chống dịch của thành phố Thái Bình, chúng tôi đến “thủ phủ” vùng dịch xã Vũ Lạc. Những ngày này, xã Vũ Lạc đang huy động nhân lực, vật lực tập trung cao độ cho công tác dập dịch.

  Ông Nguyễn Thanh Minh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Toàn xã hiện có hơn 600 hộ chăn nuôi với gần 3.500 con lợn. Mặc dù đã thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn. Tuy nhiên do bệnh dịch diễn biến phức tạp vẫn phát sinh và lây lan trên toàn xã, lúc đầu chỉ có 3/7 thôn phát hiện tình trạng lợn ốm, chết do nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi, nhưng đến nay bệnh dịch đã lan toàn xã (7/7 thôn). Số lợn ốm, chết phải tiêu hủy không ngừng tăng lên.

 Tiêu độc khử trùng lợn dịch ở xã Vũ Lạc, TP Thái Bình

 Sau khi phát hiện ổ dịch, xã nhanh chóng rà soát, thống kê và tổ chức ký cam kết đối với hơn 500 hộ chăn nuôi, 7 hộ giết mổ, 10 hộ buôn bán thịt, 1 hộ thu mua lợn con, yêu cầu thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, tuyệt đối không giấu dịch, không mua bán, không giết mổ lợn ốm, chết, không vứt lợn chết ra môi trường và không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý làm cám cho lợn. Địa phương cũng bố trí các chốt kiểm dịch động vật để kiểm tra, giám sát các hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn ra vào địa bàn.

  Để nâng cao nhận thức cho người dân, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, không được chủ quan, lơ là khiến mầm bệnh lây lan. Trong đó đặc biệt chú trọng công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi, đường làng, ngõ xóm....

   Hiện xã tập trung cao độ cho công tác xử lý đàn lợn ốm, chết, bảo đảm tiêu hủy nhanh gọn, vệ sinh, đồng thời tranh thủ thời tiết nắng ráo ra quân đồng loạt phun hóa chất, rắc vôi bột tiêu độc, khử trùng nhằm tiêu diệt mầm bệnh, hạn chế lây lan. Đến nay, toàn xã đã tiếp nhận trên 300 lít hóa chất do tỉnh và thành phố hỗ trợ, mua trên 3.500kg vôi bột để xử lý ổ dịch và tiêu độc, khử trùng...

Người dân Thái Bình chủ động phun hóa chất, rắc vôi bột khử trùng dịch 

  Tại khu vực chôn lấp tiêu hủy lợn, số lợn chết vì dịch liên tục được người dân đưa ra, đội kiểm đếm, tiêu hủy lợn dịch của xã Vũ Lạc làm việc không ngừng tay. Chị Đỗ thị Bưởi thôn Tam Lạc 1, xã Vũ Lạc xót xa nhìn con lợn gần 1 tạ bị dịch bệnh chết lúc sáng cùng 14 con lợn con đang đói sữa kêu inh ỏi mang tới để tiêu hủy nói: “Nhà tôi làm máy xay sát thóc gạo nên nuôi lợn toàn bằng cám gạo và cám ngô, hiện gia đình nuôi 2 con lợn thịt và 1 con lợn nái, con lợn nái mới đẻ được 2 tuần, khi thấy dịch tả lợn xuất hiện ở Thái Bình, gia đình tôi đã chủ động và tích cực phòng chống theo sự hướng dẫn của cán bộ Thú y, vừa phun hóa chất, rắc vôi bột khử trùng, rồi che chắn chuồng lợn... để tránh dịch tả xâm nhập. Ấy vậy mà dịch tràn đến lúc nào tôi cũng không hay, hôm trước thấy lợn có biểu hiện khác thường, ăn ít, đái khai và hôi. 6h sáng nay (5/4) ra cho lợn ăn, nhưng đã thấy lợn lăn ra chết lúc nào không hay.

 Làm thủ tục tiêu hủy lợn dịch ở xã Vũ Lạc, TP Thái Bình 

  Nhìn con lợn mẹ nằm chết, đàn lợn con vẫn lúc nhúc tranh vú mẹ mà lòng tôi vừa tiếc của, vừa xót xa. Nếu như không bị dịch 14 con lợn con này chỉ vài tháng nữa, lúc hết dịch gia đình tôi cũng giúp cho nhiều hộ gia đình trong xã tái đàn lợn để nuôi, giờ thì hết hy vọng rồi, chỉ còn hy vọng mong manh, mong sao cho 2 con lợn thịt choai còn lại kia đang nuôi ở chuồng bên không bị chung số phận như mẹ con đàn lợn nái này.”

  Cùng cảnh ngộ “nhà có dịch” gia đình ông Cao Đăng Thành ở thôn Vân Động còn xót xa hơn, khi đi vay, mượn đầu tư xây dựng chuồng trại, mua con giống, mới chăn nuôi lợn sang năm thứ hai thì bị dịch. Nhìn đàn lợn gần đến kỳ xuất chuồng bị dịch, chết nằm la liệt mà mấy hôm nay gia đình ông mất ăn, mất ngủ. Trò chuyện với chúng tôi, đưa mắt nhìn về hướng chuồng lợn, giọng ông Thành chùng xuống nói: “Giờ nuôi lợn theo hướng công nghiệp, nên không vất vả như xưa. Vài ngày trước vào giờ này, lợn đang réo đòi ăn, mấy hôm nay nhìn những cái chuồng lợn trống rỗng phủ đầy vôi bột trắng xóa, mà lòng tôi xót xa. Toàn bộ 70 con lợn nái và lợn thịt đã đưa đi tiêu hủy hôm qua. Nguồn thu để trả nợ trông chờ vào đàn lợn này, giờ thì hết hy vọng rồi. Chúng tôi mong muốn nhà nước hỗ trợ kịp thời để gia đình vơi bớt khó khăn”.

Không chỉ những gia đình như ông Thành, chị Bưởi mà hàng chục nghìn hộ chăn nuôi khác ở Thái Bình đang nén những tiếng thở dài khi nhìn những con lợn béo tròn bị mắc dịch của gia đình mình bị ném xuống hố để tiêu hủy, mà những người làm công tác phòng chống dịch và tôi cũng thấy xót xa.

 Người dân xã Vũ Lạc TP Thái Bình xót xa mang những con lợn nái vẫn còn sống, nhưng bị nhiễm dịch đi tiêu hủy

 Thật xót xa và đau lòng quá, khi mà gần 2 tháng nay, từ ngày 12/2 ổ dịch đầu tiên xuất hiện ở xã Đông Đô, huyện Hưng Hà, cho đến ngày 6/4 Thái Bình đã tiêu hủy 95.432 con lợn các loại với tổng trọng lượng 4.976.903 kg lợn tại 15.301 hộ chăn nuôi thuộc 214 xã, thị trấn của 8/8 huyện, thành phố. Tổng số lợn phải tiêu hủy tương đương 15,98% tổng đàn lợn tại xã có dịch; Trong đó, các xã của huyện Đông Hưng là 43,22%, huyện Hưng Hà: 16,46%, huyện Quỳnh Phụ: 17,17%, các huyện khác và thành phố dưới 10%. Tính theo số hộ có lợn phải tiêu hủy tương đương 32,79% số hộ chăn nuôi của toàn tỉnh Thái Bình. Trong đó, huyện Đông Hưng: 69,05%, huyện Hưng Hà: 47,91%, huyện Quỳnh Phụ: 44,2%,Thành phố: 36,85%; các huyện khác dưới 20%.

Nếu số lợn này không mắc bệnh, thì bà con chăn nuôi ở tỉnh Thái Bình đã xuất ra thị trường hàng triệu tấn lợn hơi, với giá bán khoảng 45 - 48.000 đồng/kg. Bà con cầm chắc hằng trăm tỷ đồng.

Chia sẻ với PV về công tác phòng, chống dịch và công việc tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn Châu phi, ông Phạm Thành Nhương, Chi cục trưởng – Chi cục Chăn nuôi và Thú Y tỉnh Thái Bình cho biết: “Cả hệ thống chính trị của tỉnh Thái Bình đã vào cuộc để phòng, chống dịch, nỗ lực, Thái Bình đã  sử dụng 29.392 lít hóa chất và 1.591.668 kg vôi bột để tiêu độc khử trùng, nhưng dịch vẫn không suy giảm.

 Làm trong lĩnh vực Thú y, khi phải chứng kiến người chăn nuôi  “chôn” lợn, tôi cũng đau lòng lắm. Nhưng việc tiêu hủy vẫn phải tiêu hủy và được thực hiện rất đúng quy trình với sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chuyên môn và chính quyền các cấp".

Người chăn nuôi trong vùng dịch xã Vũ Lạc, TP Thái Bình "nặng lòng" phải kéo những con lợn nặng hàng tạ đi tiêu hủy

M. Quang

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh