THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:04

Thái Bình: Căng mình phòng chống lây lan dịch tả lợn châu Phi

Dịch tả lợn châu Phi đang có nguy cơ lây rộng.

 Ông Phạm Thành Nhương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Thái Bình cho biết: Ngày 12/2, thông tin từ cơ sở cho biết trên địa bàn xã Đông Đô, (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) xảy ra tình trạng lợn ốm chết bất thường, cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình) đã xuống trực tiếp kiểm tra, xác minh thông tin, lấy mẫu xét nghiệm, chẩn đoán dịch bệnh. Kết quả, lợn ốm chết dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Ngày 20/2/2019 thêm 1 địa bàn tại xã Lô Giang, huyện Đông Hưng cũng bắt đầu xuất hiện Dịch tả lợn châu Phi ở hộ gia đình bà Duyên. Những ngày sau dịch liên tiếp xuất hiện ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thuộc hai thôn Phú Nông, Hoàng Nông.

Sáng ngày 28/ 2 trao đổi với PV Báo Điện tử Dân Sinh, ông Vũ Xuân Khu, Chủ tịch UBND xã Lô Giang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình (nơi đang là tâm điểm của ổ dịch) cho biết: “Dịch tả lợn châu Phi bắt đầu xuất hiện ở đàn lợn 22 con trong đó có một số con lợn nái ngoại ở hộ gia đình bà Duyên (thôn Phú Nông) ngày 20/2, trong các ngày từ 20 - 26 dịch liên tiếp xuất hiện ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thuộc 2 thôn Phú Nông và Hoàng Nông. Nhưng đến ngày 27/2 dịch đã lan rộng sang đàn lợn có 6 con nái, 17 con lợn con của hộ anh Nguyễn Ngọc Xuân Thành ở thôn An Bình (đây là thôn sát với thôn Hoàng Nông), qua lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm 23 con lợn trên cho kết quả dương tính đối với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, sáng nay xã sẽ tiến hành tổ chức tiêu hủy đàn lợn 23 con trên”   

Trạm kiểm dịch tại xã Lô Giang, huyện Đông Hưng. ảnh : Duy Hưng

Như vậy cho đến 8h sáng ngày 28/2 tại xã Lô Giang, huyện Đông Hưng tổng số lợn phải tiêu hủy là 214 con, của 22 hộ với tổng trọng lượng trên 12.000 kg. So với thời điểm 15h ngày 26/2, số con lợn bị tiêu hủy tăng thêm 44 con; số hộ có lợn mắc dịch tăng thêm 5 hộ, số trọng lượng lợn phải tiêu hủy tăng thêm gần 3000 kg.

Để khoanh vùng, dập dịch, những ngày qua trên địa bàn xã Lô Giang đã có 5 trạm kiểm soát việc vận chuyển lợn được lập lên, duy trì hoạt động 24/24h. Xã cũng đã sử dụng gần 500 lít hóa chất, hàng chục tấn vôi bột để phun, rắc tại các ổ dịch và trên hệ thống đường dong, ngõ xóm trong xã. Hệ thống loa truyền thanh của xã cũng tăng tần suất hoạt động,liên tục thông tin tình hình dịch dã, hướng dẫn người dân cách phòng, chống...

  Mọi hoạt động giết mổ, vận chuyển lợn đều bị cấm. Chợ của xã không bán dù chỉ một cân, vì 10 hộ chuyên nghề kinh doanh, giết mổ lợn đã ký cam kết tạm ngưng giết mổ và bị giám sát chặt”, ông Khu thông tin cho biết. 

Cán bộ Thú Y tỉnh Thái Bình thu gom lợn bị chết dịch tại xã Lô Giang ( Đông Hưng)

 Cũng trong sáng ngày 28/2, trao đổi với PV báo Dân Sinh ông Nguyễn Đình Chiểu,  Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Phụ cho biết: “ qua công tác tuần tra, kiểm sát dịch ngày 26/2 tổ công tác phòng chống dịch của huyện phát hiện tại xã An Dục có 1 xe ô tô chở 26 con lợn (có 1 con ốm) mang đi tiêu thụ, khi phát hiện tổ công tác đã tạm giữ xe chở lợn trên để lấy mẫu đi xét nghiệm”.

 “Hiện nay trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ cũng đã phát hiện 6 hộ chăn nuôi ở hai xã An Dục và Đông Hải có lợn ốm, chết bất thường chưa rõ nguyên nhân. Trong đó tại xã An dục có 5 hộ ở 3 thôn Việt Thắng, An Lạc, Bình Minh với tổng đàn lợn 128 con (11 lợn nái, 96 lợn thịt, 22 lợn con, số ốm 16, số chết 11 con). Tại xã Đông Hải phát hiện có  6 con lợn chết bất thường và 1 số lợn ốm chưa rõ nguyên nhân tại gia trại của hộ anh nguyễn Văn Tráng ở thôn Đồng Cừ với đàn lợn 229 con (26 lợn nái, 103 lơn thịt và 100 lợn con) được nuôi ở 3 dãy riêng biệt.

 Hiện huyện đang chờ kết quả xét nghiệm của cơ quan chức năng, nếu lợn bị dương tính chúng tôi sẽ tiến hành tiêu hủy ngay”, ông Chiểu thông tin cho biết.

Như vậy cho đến thời điểm 8h30’ sáng nay (28/2) trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã xuất hiện Dịch tả lợn châu Phi ở 2 huyện Đông Hưng và Hưng Hà với số lợn đã tiêu hủy là 338 con (trong đó xã Đông Đô (Hưng Hà) tiêu hủy 124 con, xã Lô Giang, huyện Đông Hưng tổng số lợn phải tiêu hủy là 214 con). Tại huyện Quỳnh Phụ phát hiện có số lớn lợn ốm và chết bất thường, như vậy Dịch tả lợn châu Phi đang có nguy cơ lây rộng ở Thái Bình.

 Căng mình phòng chống lây lan dịch tả lợn châu Phi

Trước những diễn biến phức tạp, có chiều hướng bùng phát dịch tả lợn châu Phi trên diện rộng, UBND tỉnh Thái Bình đã phát đi các công điện khẩn, tổ chức nhiều cuộc họp khẩn để chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương đã tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng chống dịch ở các địa phương.

  Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, ông Đặng Trọng Thăng yêu cầu các địa phương thực hiện đồng bộ giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo phương án, kế hoạch đã xây dựng.

 Lãnh đạo tỉnh Thái Bình đi kiểm tra công tác phòng chống dịch tại huyện Thái Thụy

Địa phương nào không quyết liệt trong chỉ đạo, thực hiện nếu để phát sinh và lây lan dịch bệnh, Chủ tịch UBND huyện, thành phố; Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn đó chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên và trước UBND tỉnh.

 Đồng thời thành lập 4 chốt kiểm dịch động vật liên ngành tạm thời tại các đầu mối giao thông; yêu cầu các huyện, thành phố thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch.

Thành lập 3 tổ công tác thường trực tại vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm, thường xuyên giám sát, kiểm tra, chỉ đạo phòng chống dịch tại các địa phương.

Chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao hiểu biết của người dân về tình hình dịch bệnh, mối nguy hại của dịch bệnh đối với đàn gia súc, cũng như kinh tế của người chăn nuôi; cách nhận biết, phát hiện lợn mắc bệnh,…..

Tập trung thống kê, rà soát tổng đàn gia súc, số hộ chăn nuôi, kinh doanh, giết mổ gia súc trên địa bàn để quản lý, giám sát. Ký cam kết đối với các hộ giết mổ, kinh doanh không giết mổ, kinh doanh buôn bán gia súc, sản phẩm từ gia súc không rõ nguồn gốc, gia súc bị bệnh, chết. Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành: kinh tế, công an, quản lý thị trường, thú y tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp  vi phạm về phòng chống dịch theo quy định của pháp luật. Các huyện,  xã phường tiếp nhận hóa chất, chuẩn bị vôi bột để tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng đồng loạt tại nơi công cộng trên địa bàn; tuyên truyền hộ chăn nuôi chủ động tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi, thực hiện chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học,…

 Dùng vôi bột khử trùng tại hộ gia đình chăn nuôi ở xã Lô Giang ( Đông Hưng)

Triển khai tiêu độc, khử trùng trong toàn tỉnh: 1 lần/tuần liên tục trong vòng 1 tháng tại các xã trong vùng đệm; 1 lần/ngày trong vòng tuần đầu tiên, 3 lần/tuần trong 2 - 3 tuần tiếp theo tại vùng dịch và các xã thuộc vùng bị dịch uy hiếp.

Liên quan đến việc phòng chống dịch và hỗ trợ thiệt hại, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Thái Bình cho biết: Sau khi phát hiện trên đàn lợn đầu tiên ở 6 hộ chăn nuôi  tại xã Đông Đô, huyện Hưng Hà bị nhiễm virus Dịch tả lợn châu Phi. UBND tỉnh Thái Bình triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống và ngăn dịch lây lan trên diện rộng.

Từ khi xuất hiện dịch đến nay, tỉnh đã cấp trên 6000 lít hóa chất phục vụ phun tiêu độc, khử trùng cho 8/8 huyện, thành phố trong tỉnh, trong đó huyện Hưng Hà được cấp 2 nghìn lít, huyện Đông Hưng 1 nghìn lít; các huyện, thành phố còn lại được cấp 500 lít/huyện. Ngoài suất cấp của tỉnh, các huyện, các xã đều chuẩn bị thêm với số lượng lớn”

Về việc hỗ trợ các gia đình có lợn bị tiêu hủy, thì theo chính sách hiện hành, các hộ có lợn bị tiêu hủy trong tỉnh sẽ được hỗ trợ 38.000 đồng/1kg. 

M. Quang

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh