THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 09:08

Thái Bình đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí dập dịch tả lợn châu Phi

 

Những ngày đầu tháng 3, dịch tả lợn Châu Phi không những liên tục phát sinh thêm tại các hộ gia đình chăn nuôi ở các thôn, xóm thuộc các xã đã công bố dịch bệnh, mà còn lây lan, bùng phát tại các xã mới của các huyện Quỳnh Phụ, Đông Hưng, Hưng Hà tỉnh Thái Bình.

Đến ngày 4/3 tỉnh Thái Bình đã có 3 huyện: Quỳnh Phụ, Đông Hưng, Hưng Hà đã công bố dịch bệnh tả lợn Châu Phi.

 

Phun thuốc khử trùng dịch ở xã Đông Đô ( Đông Hưng) Thái Bình 

 

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú Y tỉnh Thái Bình (Chi cục Thú Y) trong ngày mồng 4/3/2019, dịch bệnh tả lợn Châu Phi không những chỉ tiếp tục phát sinh tại các xã cũ của 3 huyện: Quỳnh Phụ, Đông Hưng, Hưng Hà  mà còn bùng phát thêm tại tại 53 hộ, 36 thôn (12 thôn mới), 18 xã (4 xã mới) với tổng đàn lợn 691 con; số lợn ốm là 170 con, chết 75 con; số tiêu hủy là 314 con; tổng trọng lượng đã tiêu hủy trong ngày là 18.531 kg. Kể từ khi xuất hiện dịch đến nay, lực lượng chức năng của tỉnh Thái Bình đã tiêu hủy 1.957 con lợn với tổng trọng lượng lợn đã tiêu hủy 124.995,9 kg của 216 hộ ở 26 xã/ 3 huyện trong ổ dịch và 64 con ở các chốt kiểm sát dịch bệnh.

 

 Phun thuốc khử trùng, ngăn ngừa lây dịch tại các chốt kiểm dịch bệnh cố định ở Thái Bình

 

Từ khi xuất hiện dich, Thái Bình đã khẩn trương khoanh vùng và lập các chốt kiểm dịch, đẩy mạnh việc vệ sinh khử trùng tiêu độc, đến nay đã cấp phát 3.673 lít hóa chất và 204.865 kg vôi bột cho các địa phương có dịch để tổ chức tiêu độc khử trùng. Tăng cường quản lý, giám sát công tác tiêu hủy, vận chuyển, giết mổ lợn cả trong vùng dịch và ngoài vùng dịch, duy trì hoạt động kiểm tra, kiểm soát phương tiện, người có liên quan vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn.

Riêng các xã đã công bố bệnh dịch tả lợn Châu Phi thực hiện nghiêm việc cấm hoạt động giết mổ, vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn ra ngoài vùng dịch. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh.

 

Tiêu hủy lợn mắc bệnh ở Thái Bình

 

Tuy nhiên, theo Chi Cục Thú Y tỉnh Thái Bình, dịch xảy ra ngay sau Tết Nguyên đán, lại lây lan nhanh, số lợn nhiễm bệnh ngày càng nhiều, đến nay vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân phát sinh dịch bệnh và đường truyền lây bệnh. Việc kiểm soát dịch bệnh gặp khó khăn do thời tiết những ngày qua bất lợi, rét và mưa, độ ẩm cao tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển lây lan. Tư tưởng của người dân vẫn còn chủ quan, lơ là, cơ chế lây nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi phức tạp; lực lượng, phương tiện tham gia phòng chống dịch thiếu.Số hộ chăn nuôi của tỉnh nhiều, mật độ chăn nuôi cao; chăn nuôi còn nhỏ lẻ, xen kẹp trong khu dân cư.

 

Các hộ dân chủ động rắc vôi bột để phòng dịch lây lan ở Hưng Hà, Thái Bình

 

Trước tình hình trên, ngày 4/3 tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Ông Nguyễn Hồng Diên – Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình đã kiến nghị Chính Phủ tiếp tục xuất, cấp hóa chất dự trữ để giúp các địa phương, đặc biệt là các địa phương có dịch để dập dịch và phòng, chống dịch hiệu quả và hỗ trợ kinh phí để xét nghiệm mẫu, phục vụ công tác kiểm soát giết mổ, kinh doanh thịt lợn, vì: Thái Bình là tỉnh có quy mô chăn nuôi lớn, hiện có gần 7.300 gia trại và 73.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với tổng đàn lợn hiện có gần 1 triệu con.

 Đồng thời bổ sung cơ chế hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại các địa phương, như kinh phí hỗ trợ ngày công đối với lực lượng tham gia phòng chống dịch, đặc biệt là các đối tượng không hưởng lương tại các xã tham gia tiêu hủy, tiêu độc khử trùng, chốt kiểm dịch. Chính Phủ cũng cần nghiên cứu cơ chế để giữ lại Trạm Thú y các huyện, bởi vai trò của hệ thống thú y trong phòng, chống dịch bệnh là rất lớn.


M. Quang

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh