THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:47

Thái Bình: Giai đoạn 2016-2020 hơn 17.000 hộ dân thoát nghèo

Sáng ngày 7/1, UBND tỉnh Thái Bình tổ chức hội nghị tổng kết công tác giảm nghèo, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; biểu dương tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giảm nghèo.

Dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình cùng các thành viên ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp.

Thái Bình: Giai đoạn 2016-2020 hơn 17.000 hộ dân thoát nghèo - Ảnh 1.

Các đại biểu dự hội nghị tổng kết công tác giảm nghèo, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2016-2020, công tác giảm nghèo đã đạt được những kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 5,27% (năm 2016) xuống còn 2,35% (năm 2020). Trong 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,92% (bình quân mỗi năm giảm 0,58%). Có được những kết quả này, tỉnh Thái Bình đã triển khai nhiều giải pháp để phát triển kinh tế xã hội, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân, giảm nghèo bền vững...

Một trong những giải pháp quan trọng nhất đó là đã đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ tăng thu nhập cho hộ nghèo bằng cách cho vay tín dụng ưu đãi. 5 năm qua, toàn tỉnh có hơn 15.800 lượt hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ chính sách ưu đãi với tổng kinh phí hơn 630 tỷ đồng; Có gần 72.600 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn với tổng kinh phí hơn 2.700 tỷ đồng. Vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội đã giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có điều kiện tự vươn lên, tạo việc làm nâng cao đời sống, thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Thái Bình: Giai đoạn 2016-2020 hơn 17.000 hộ dân thoát nghèo - Ảnh 2.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo bền vững của tỉnh Thái Bình giai đoạn 2016 - 2020 và biểu dương ý chí, tinh thần quyết tâm vươn lên thoát nghèo của các hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Bên cạnh đó các nhóm: Chính sách hỗ trợ hộ nghèo thiếu hụt đa chiều được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, như: Chính sách hỗ trợ về y tế, đã cấp 350.891 thẻ BHYT cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng kinh phí hơn 261,3 tỷ đồng, hỗ trợ 5.093 lượt người thuộc hộ gia đình có mức sống trung bình mua thẻ BHYT với tổng kinh phí trên 620,8 triệu đồng; Chính sách hỗ trợ về giáo dục, đã hỗ trợ miễn, giảm học phí cho 62.392 lượt học sinh thuộc hộ nghèo, với kinh phí hỗ trợ trên 11,3 tỷ đồng, giảm học phí cho 42.737 lượt hộ cận nghèo, với kinh phí trên 3,8 tỷ đồng; 82.835 lượt học sinh, sinh viên nghèo được hỗ trợ chi phí học tập với tổng kinh phí trên 35,4 tỷ đồng; 22.145 lượt trẻ em từ 3 đến 5 tuổi học mầm non được hỗ trợ tiền ăn trưa với kinh phí trên 11,7 tỷ đồng.

Thái Bình: Giai đoạn 2016-2020 hơn 17.000 hộ dân thoát nghèo - Ảnh 3.

Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH trao Bằng khen của Bộ LĐ-TB&XH cho các tập thế, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020.

Chính sách hỗ trợ về thông tin, truyền thông, đã hỗ trợ 42.858 đầu thu truyền hình số mặt đất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; Chính sách hỗ trợ về nước sạch và vệ sinh môi trường, đã huy động tối đa nội lực, lồng ghép, xã hội hóa các nguồn vốn để xây dựng các nhà máy cấp nước sạch sinh hoạt cho 100% số xã, hơn 515 ngàn hộ dân đã có nước sạch sử dụng.

Chính sách hỗ trợ về nhà ở: từ nguồn vốn vay 11,4 tỷ đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội và hơn 2 tỷ đồng huy động nguồn xã hội hóa đã giúp 469 hộ nghèo xây mới, sửa chữa nhà ở. 133.420 người được đào tạo nghề và giải quyết việc làm.

Nhóm chính sách xã hội hỗ trợ người nghèo, đã có trên 120.067 lượt hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện với tổng kinh phí gần 71,3 tỷ đồng; Chính sách trợ giúp pháp lý: đã tổ chức truyền thông , giới thiệu các văn bản chính sách pháp luật cho hơn 236 lượt người dân và đối tượng chính sách, tư vấn pháp luật 163 vụ việc cho người thuộc hộ nghèo, trợ giúp viên pháp lý tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 73 trường hợp trong các vụ án hình sự, dân sự, hành chính (trong đó 19 người nghèo, 54 người cận nghèo, người có khó khăn về tài chính); cấp phát 60.000 tờ gấp pháp luật các loại cho các đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý.

Thái Bình: Giai đoạn 2016-2020 hơn 17.000 hộ dân thoát nghèo - Ảnh 4.

Hàng nghìn lao động trẻ ở Thái Bình đã được đào tạo nghề may, góp phần giảm nghèo bền vững.

Các hoạt động nhân đạo, từ thiện: Từ nguồn vận động ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" 3 cấp với số tiền trên 41,5 tỷ đồng; đã triển khai hỗ trợ xây mới và sửa chữa 947 "Nhà đại đoàn kết" trị giá trên 9,8 tỷ đồng; hỗ trợ khám, chữa bệnh cho 1.053 bệnh nhân nghèo, trị giá gần 700 triệu đồng; hỗ trợ hộ nghèo mua cây, con giống phát triển sản xuất, đấu nối nước sạch, trao tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi, thăm, tặng hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp lễ, tết, .... Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên và các ngành có liên quan mở gần 1.800 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; hỗ trợ trên 570 nhóm hộ nghèo, vay vốn ưu đãi trị giá trên 5,2 tỷ đồng; tạo việc làm mới cho trên 5.500 người và dạy nghề cho gần 11.000 hội viên, đoàn viên nghèo; tích cực tuyên truyền vận động hội viên thực hành tiết kiệm bằng nhiều hình thức như nuôi lợn nhựa, hòm tiết kiệm, tham gia tiết kiệm hàng tháng ... để tạo nguồn vốn tại chỗ cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế gia đình, đặc biệt là hội viên nghèo, cận nghèo có hoàn cảnh khó khăn được vay với lãi suất thấp hoặc cho vay không lấy lãi...

Thái Bình: Giai đoạn 2016-2020 hơn 17.000 hộ dân thoát nghèo - Ảnh 5.

Bà Trần Thị Bích Hằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020.

Chính sách trợ giúp xã hội: Thực hiện chính sách trợ cấp xã hội thường xuyên theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP cho 112.320 đối tượng bảo trợ xã hội, với kinh phí trên 500 tỷ đồng/tháng (trong đó có trên 7.000 đối tượng thuộc hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn); Các chính sách khác như ưu đãi người có công, trợ giúp xã hội; chương trình xây dựng nông thôn mới… cũng đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo.

Cùng với đó, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a, Chương trình 135, đã hỗ trợ cho 1.344 hộ (trong đó, 878 hộ nghèo; 440 hộ cận nghèo và 26 hộ mới thoát nghèo) về vật nuôi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, trong chăn nuôi, trồng trọt...

Thái Bình: Giai đoạn 2016-2020 hơn 17.000 hộ dân thoát nghèo - Ảnh 6.

Ông Phạm Quang Hòa - Phó giám đốc phụ trách Sở LĐ-TB&XH Thái Bình trao giấy khen của Sở LĐ-TB&XH cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020.

5 năm qua, dù Thái Bình đã đạt được những kết quả quan trọng góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo chung của cả nước. Tuy nhiên, công tác giảm nghèo ở Thái Bình hiện cũng gặp phải không ít những khó khăn, do hộ nghèo thuộc nhóm đối tượng bảo trợ xã hội chiếm tỷ lệ cao (57,76%), trong khi đó lại chưa có chính sách hỗ trợ riêng, nên hầu như tỷ lệ hộ nghèo ở nhóm này không giảm, do vậy ảnh ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh.

Bên cạnh đó, vấn đề giải quyết việc làm và hỗ trợ dự án về sinh kế cho hộ nghèo còn gặp nhiều khó khăn, phần lớn các hộ nghèo thuộc nhóm đối tượng bảo trợ xã hội (già cả, cô đơn, bệnh tật, khuyết tật...) không có sức lao động để tham gia dự án do đó khó có khả năng thoát nghèo.

Chính sách vay ưu đãi hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo chưa phù hợp, do vậy hộ nghèo không thiết tha với chính sách. Công tác tuyên truyền về phương pháp tiếp cận đa chiều tại cơ sở còn hạn chế nên nhiều người dân chưa biết hoặc chưa nắm rõ phương pháp điều tra, rà soát, dẫn đến thắc mắc, yêu cầu và mong muốn được vào danh sách hộ nghèo...

Thái Bình: Giai đoạn 2016-2020 hơn 17.000 hộ dân thoát nghèo - Ảnh 7.

Trao bò giống cho hộ nghèo ở huyện Kiến Xương, Thái Bình

Để công tác giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 thực sự bền vững, Thứ trưởng Bộ LĐ –TB&XH Lê Văn Thanh đề nghị tỉnh Thái Bình cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chương trình giảm nghèo, nhất là việc tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng, các kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất cho người nghèo; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương trong việc triển khai các chương trình giảm nghèo, quan tâm đến người nghèo, nhất là người nghèo thuộc đối tượng yếu thế trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm cho người lao động; thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách cho người nghèo, người cận nghèo theo quy định.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức rà soát tại cơ sở đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 đang đến gần, Thứ trưởng Bộ LĐ - TB&XH nghị các cấp, các ngành và các địa phương ở tỉnh Thái Bình quan tâm, chăm lo, hỗ trợ kịp thời cho người nghèo, người cận nghèo và đối tượng yếu thế, đảm bảo tất cả người nghèo đều có tết.

M.Quang

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh