CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:08

Dịch tả lợn châu Phi: Những ai có thể là đối tượng truyền bệnh?

 

TP.HCM tiêu thụ bình quân 750 – 800 tấn thịt lợn mỗi ngày.

 

Ông Nguyễn Phước Trung – Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM lưu ý tại cuộc họp triển khai các biện pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi (ASF) do Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh TP.HCM tổ chức ngày 25.2.

Theo ông Huỳnh Tấn Phát – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y TP.HCM, TP.HCM là đầu mối tiêu thụ thịt lợn tại các tỉnh phía Nam, bình quân mỗi ngày thành phố tiêu thụ khoảng 10.000 – 11.000 con, tương đương 750 – 800 tấn thịt lợn.

Những năm trước, thành phố đã phát hiện một số trường hợp vận chuyển phụ phẩm lợn đông lạnh nhập khẩu trái phép từ Trung Quốc. Ngoài ra, thành phố cũng là địa phương có nhiều du khách du lịch đến từ các nước có dịch.

Theo thống kê, thành phố có 4.374 hộ chăn nuôi lợn, với tổng đàn 301.061 con. Trong đó có 278 hộ nuôi lợn vận dụng thu gom thức ăn thừa tại các nhà hàng quán ăn cho lợn, với tổng đàn 22.740 con tập trung ở các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi và quận 12.

“Chính vì những nguy cơ trên nên khả năng xâm nhiễm mầm bệnh ASF vào thành phố trong thời gian tới là khá cao”, ông Huỳnh Tấn Phát nhận định.

Với đặc thù như thế, TP.HCM đã ban hành kế hoạch hành động với 3 tình huống. Tình huống thứ nhất là ASF chưa có ở TP.HCM những đã xuất hiện tại các tỉnh không cung cấp nguồn lợn, sản phẩm thịt lợn cho thị trường thành phố.

Phải đặt ra trường hợp này vì ông Phát cho rằng cách đây chừng 5 năm, lợn vận chuyển từ Nam ra Bắc tiêu thụ là chính. Nhưng hiện đang ngược lại vì chênh lệch giá lợn hơi, theo đó mỗi ngày có khoảng 2.000 con lợn từ các tỉnh miền Bắc đang chuyển ngược vào Nam tiêu thụ. Nếu không kiêm soát kỹ sẽ dễ bị lây lan bệnh.

 

TP.HCM cần tăng cường giám sát tình hình vận chuyển, kinh doanh trên các tuyến đường chính ra vào thành phố.

 

Tình huống thứ 2 là đối phó nguồn bệnh đến từ các tỉnh Đông và Tây Nam Bộ vì hiện TP.HCM chỉ cung cấp tại chỗ với sản lượng chừng 17% nhu cầu cho thị trường.

Tình huống xấu nhất là ASF xuất hiện ngay tại TP.HCM. Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh cho người chăn nuôi; tăng cường tần xuất hoạt động kiểm tra, giám sát tình hình vận chuyển, kinh doanh trên các tuyến đường chính ra vào thành phố; áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học...

Chia sẻ tại cuộc họp, ông Nguyễn Phước Trung nhấn mạnh, ASF đã xuất hiện tại các tỉnh không nằm sát biên giới Trung Quốc như Thái Bình, Hưng Yên,... Điều này cho thấy ASF có thể lây lan qua nhiều đường khác nhau, rất nguy hiểm.

Vì thế, khâu chăn nuôi an toàn sinh học được ông Trung nhấn mạnh. Tại các trại giống, trại chăn nuôi thuộc nhà nước quản lý, vấn đề vệ sinh dịch tễ không đáng lo bằng ở các nông hộ nhỏ lẻ.

 

Xiết chặc quản lý các điểm giết mổ trái phép và tăng cường kiểm tra tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống.

 

Không khó để bắt gặp trường hợp khu vực chăn nuôi được đặt cạnh nơi nấu nướng, sinh hoạt gia đình. “Một người vừa có thể nấu bếp, vừa cho lợn ăn hoặc vệ sinh chuồng trại ngay tại nhà. Cần phải có biện pháp vệ sinh và cách ly hợp lý với chính người chăn nuôi nông hộ”, ông Trung nói.

Tương tự, chính cán bộ thú y đi kiểm tra từ điểm này qua điểm khác cũng có nguy cơ mang, truyền mầm bệnh. Ông Trung đề nghị cần có sự phân công hợp lý cán bộ hoặc vệ sinh kỹ trước khi di chuyển qua điểm tiếp theo. Ngay trong các trại lợn giống cũng cần hạn chế hoặc không tiếp khách lạ tham quan trực tiếp trong trại.

 

Tập trung kiểm soát nguồn nhập thịt lợn

 

Ông Nguyễn Phước Trung chỉ đạo chủ động, tích cực phòng chống ASF.

 

Phát biểu chỉ đạo công tác phòng chống ASF, ông Trung yêu cầu các đơn vị, đoàn, hội liên quan cần khẩn trương lập kế hoạch và triển khai ngay các biện pháp, phân công nhiệm vụ càng cụ thể càng tốt.

Hiện đã có ghi nhận một số trường hợp lợn từ từ các tỉnh miền Bắc đã vào Nam, hoặc giết mổ ở tỉnh khác xong lại tiếp tục nhập thịt về thành phố. Cần phải tiếp tục siết chặt quản lý các điểm giết mổ trái phép; tăng cường kiểm tra tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống.

Vấn đề tâm lý tiêu dùng cũng rất đáng lo. Dù biết ASF không lây cho người nhưng người tiêu dùng khó tránh khỏi tâm lý e ngại, từ đó hạn chế sử dụng thịt lợn. Các biện pháp tuyên truyền cần trấn an cả khâu tâm lý, tránh ảnh hưởng thị trường tiêu thụ và lưu thông hàng hóa.

Chủ động đặt mình vào tình huống sẵn sàng đối phó khi có dịch xuất hiện, các cán bộ thú y phải chủ động trong việc tiếp nhận và cung cấp thông tin theo hướng 2 chiều chứ không phải chỉ đợi từ các báo cáo. Chi cục chăn nuôi thú y chuẩn bị hồ sơ để công bố dịch ngay tức thì nếu xảy ra để có biện pháp xử lý kịp thời.

Sở NNPTNT sẽ tiếp tục nghiên cứu đề xuất mức hỗ trợ cao hơn cho các trường hợp chủ động khai báo dịch.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh