Nắm rõ thông tin về dịch tả, người tiêu dùng không tẩy chay thịt lợn
- Y học 360
- 13:42 - 28/02/2019
Ngày 27/2, tại các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Vinh, mặt hàng thịt lợn vẫn bày bán ổn định như những ngày trước khi xuất hiện dịch. Bà Nguyễn Thị Hiền, kinh doanh thịt lợn và các loại giò chả, ruốc bông ở chợ Hưng Dũng (TP. Vinh) cho biết: “Mấy ngày đầu khi mới có thông tin về dịch, nhiều người nội trợ e dè với việc mua thịt lợn về chế biến thức ăn. Do đó, mặt hàng này có ế hơn những ngày trước đó. Còn mấy ngày gần đây, sức mua đã ổn định trở lại khi người tiêu dùng nắm rõ thông tin về dịch, biết rõ dịch tả lợn không lây lan sang người”.
Tuy nhiên, bên cạnh một số người hiểu rõ, nắm rõ thông tin về dịch tả lợn thì cũng có không ít người nội trợ vẫn đề cao cảnh giác, tránh mua thịt lợn.
Chị Phan Kim Liên ở khối Sa Nam, thị trấn Nam Đàn cho biết: “Ở chợ, giá thịt không giảm, nhiều người vẫn mua thịt lợn về chế biến các món phục vụ bữa ăn hàng ngày. Dù đã đọc thông tin về dịch tả trên báo chí, nghe tuyên truyền qua hệ thống phát thanh khối xóm, song, với quan điểm cá nhân tôi vẫn có chút e ngại. Thời gian này, tôi lựa chọn mua tôm, cá, thịt bò, thịt gà thay cho thịt lợn trong các bữa ăn hàng ngày của gia đình”.
Trong khi đó, một số bà nội trợ thay vì mua thịt lợn ở chợ truyền thống lại lựa chọn những cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị để mua. Chị Trần Thị Quyên, nhân viên ngân hàng ở thành phố Vinh cho biết: “Dịch tả lợn đã xuất hiện ở Thanh Hóa, tiếp giáp với tỉnh ta nên tôi có chút băn khoăn. Tôi không dám mua thịt lợn ở chợ vì lo ngại thịt trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ nên tôi chọn mua thịt được kiểm dịch ở hệ thống các cửa hàng thực phẩm sạch hoặc siêu thị”.
Theo ghi nhận tại các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh, giá bán mặt hàng thịt lợn vẫn ổn định, sức mua có giảm nhẹ. Người tiêu dùng có băn khoăn, lo lắng về dịch tả lợn song nhờ được tuyên truyền, nắm bắt rõ thông tin nên không có tâm lý hoang mang, tẩy chay thịt lợn.
Ông Nguyễn Văn Định - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Không giống như cúm lợn, tả lợn châu Phi không có mối đe dọa trực tiếp nào đối với sức khỏe con người. Dịch tả lợn không lây lan sang người vì đây chỉ là bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn. Do đó, người nội trợ không nên quá lo sợ mà tẩy chay thịt lợn.
Một số người nội trợ lại lựa chọn cá, tôm thay cho thịt lợn. Ảnh: Thanh Phúc
Đồng thời khuyên người tiêu dùng cần có sự lựa chọn thông minh khi mua thịt lợn: Mua thịt ở các địa chỉ tin cậy như siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, các quầy sạp đã được cơ quan thú ý kiểm dịch, không nên mua thịt giá rẻ, thịt bán dạo không rõ xuất xứ. Đồng thời phải biết cách chế biến hợp vệ sinh.
Tuy nhiên, ông Định cũng đưa ra khuyến cáo, tả lợn không gây bệnh trên người nhưng lây truyền sang ruồi, muỗi, chuột, mèo, gà, vịt. Lợn bị tả có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác như tai xanh, cúm, thương hàn... Những bệnh này mới gây nguy hiểm cho người bởi làm rối loạn hệ tiêu hóa, đặc biệt khi con người ăn tiết canh, ăn thịt lợn bệnh chưa nấu chín kỹ.