Chào đón doanh nghiệp FDI, nhưng phải có đội ngũ doanh nghiệp trong nước vững mạnh
- Tây Y
- 23:47 - 05/12/2016
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2016 năm nay tập trung bàn thảo về việc tăng cường liên kết giữa khu vực kinh tế tư nhân trong nước với đầu tư nước ngoài trong mọi lĩnh vực, ngành nghề.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự VBF 2016
DN thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và trình độ phù hợp
Diễn đàn còn có sự tham dự của nhiều quan chức Chính phủ, bộ, ngành của Việt Nam. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã tham dự và trả lời các vấn đề cộng đồng DN quan tâm.
Diễn đàn năm nay tập trung vào các vấn đề tăng cường năng lực cạnh tranh và khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu của các DN nhỏ và vừa. Đồng thời, thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ thông qua luật pháp, tài chính, kế toán và chính sách thuế. Các vấn đề liên quan đến nguồn nhân lực và nhu cầu đào tạo, tiền lương, làm thêm giờ hay việc cải thiện cơ sở hạ tầng, cơ chế hợp tác công tư PPP và BOT và thị trường vốn cũng sẽ rất được phía DN quan tâm.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, 2016 có thể coi là năm DN của Việt Nam, không chỉ đánh dấu một chặng đường vượt qua thách thức của cộng đồng DN mà còn là năm cộng đồng DN nhận được nhiều sự quan tâm nhất của cả hệ thống chính trị và xã hội. Đặc biệt là việc Chính phủ mới đã quyết tâm đẩy nhanh công cuộc cải cách, cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tại Diễn đàn
Thời gian qua, năng lực cạnh tranh nền kinh tế và môi trường kinh doanh của Việt Nam có cải thiện về thứ hạng. Thế nhưng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận rằng sự tiến bộ ấy “chưa tạo được bứt phá nếu xét trong khu vực ASEAN”
Trong khi đó, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI thì cho rằng, mặc dù trong thời gian qua Chính phủ và các bộ ngành đã dành nhiều thời gian, ưu tiên cho công tác xây dựng thể chế, lắng nghe, đối thoại với DN nhưng các chính sách, thủ tục vẫn đang xa vời với thực tế, còn có sự khác biệt giữa văn bản và thực thi.
“Các DN vẫn đang gặp hàng loạt khó khăn trong hoạt động của mình từ vay vốn khó khăn và lãi suất cao so với các nước, thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và trình độ phù hợp… cho đến các vướng mắc và khó khăn về thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực”, ông Lộc thừa nhận.
Trong bối cảnh đó, VBF cho rằng, yêu cầu đẩy mạnh cải cách thể chế, khơi dậy nội lực, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân trong nước và kết nối được khu vực này với các chuỗi giá trị toàn cầu, với các FDI chính là chìa khóa của sự phát triển bền vững.
Tập trung vào 4 nhóm vấn đề chính (lao động, công nghiệp ô tô xe máy, nông nghiệp và điện năng), đại diện cộng đồng DN Nhật Bản tại Việt Nam nhấn mạnh, nền kinh tế Việt Nam cần giữ vững cam kết về một hệ thống chính sách thương mại toàn diện, mang tính khu vực, tham gia tích cực vào các thị trường toàn cầu sẽ tại ra những lợi thế cạnh tranh rõ ràng.
Đồng quan điểm, ông Colin Blackwell - Trưởng nhóm Nguồn nhân lực VBF quan tâm đến vấn đề nguồn nhân lực, theo ông, nền Kinh tế Việt Nam đã phát triển một cách thành công trong 20 năm qua, tuy nhiên Việt Nam hiện nay đang đối mặt với những thách thức mới và cần phải tập trung vào việc làm sao để nâng cao nguồn nhân lực, để năng suất lao động cao hơn. "Do đó, chúng tôi hoan nghênh việc sửa đổi Luật Lao động vì đây là bước tiến rất tích cực đối với cả DN nước ngoài và DN trong nước", ông Blackwell khẳng định.
Tuy nhiên, ông Blackwell thừa nhận, phía VBF vẫn tỏ ra băn khoăn đến một số vấn đề khác về Bộ Luật LĐ đang là mối lo ngại cho các DN trong và ngoài nước, ví dụ như thuê lại LĐ, hợp đồng LĐ, tiền lương…
Cải cách mạnh mẽ để thông thoáng hơn
Về những băn khoăn này từ phía cộng đồng DN, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã làm rõ thêm một số vấn đề tại diễn đàn. Trước hết về tiền lương tối thiểu vùng, theo VBF tỷ lệ tăng lương tối thiểu 7,3% gần đây là rất hợp lý. Theo đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ sự vui mừng về đánh giá này.
Bộ trưởng cho biết để có được mức tăng hợp lý này: “Trong quá trình bàn về lương tối thiểu, chúng tôi đã tính toán trên cơ sở nhu cầu sống tối thiểu của người LĐ; căn cứ vào điều kiện kinh tế xã hội; tính toán trên mặt bằng mức lương và đời sống chung của người LĐ”. Đồng thời, Bộ trưởng khẳng định, qua khảo sát và đặc biệt qua trao đổi với hiệp hội các DN, cố gắng phấn đấu làm sao giải quyết hài hòa, vừa đảm bảo cho DN phát triển, đồng thời cũng đảm bảo mức lương tối thiểu của người LĐ.
Cùng với đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết cụ thể thêm một số nội dung về đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực, giờ làm thêm… cũng sẽ được sửa đổi. “Hiện nay, trong Bộ Luật LĐ quy định giờ làm thêm tối đa 200h , trường hợp đặc biệt không quá 300h; chúng tôi nghiên cứu và cũng đã tham vấn một số tổ chức, thấy rằng, thời gian tới, giờ làm thêm của VN cần thiết phải thay đổi, tuy nhiên không phải tất cả các lĩnh vực đều thay đổi mà tập trung ở 1 số lĩnh vực, một số công việc, một số thời điểm, nhất là các ngành như dệt may, giày da, thủy sản…”- Tuy nhiên, Tổng tư lệnh ngành LĐ-TB&XH cũng lưu ý, “Mức làm thêm sẽ tăng, nhưng việc tăng giờ làm thêm cũng phải tính toán đến sức khỏe, điều kiện sống, rồi nguồn thu nhập của người LĐ làm sao cho hài hòa”.
Sau khi lắng nghe phía DN và phản hồi của các Bộ trưởng, Thứ trưởng đại diện các Bộ, ngành tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục khẳng định: “Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo mọi điều kiện để tư nhân phát triển mạnh mẽ, phấn đấu đạt chỉ số môi trường kinh doanh đạt mức ASEAN 4 trước 2020”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục nhấn mạnh sẽ tạo điều kiện tối đa, hỗ trợ để DN phát triển. Theo đó, Chính phủ luôn coi kinh tế tư nhân là lực lượng quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến mục tiêu phát triển kinh tế.
Chính vì thế, Chính phủ mong muốn, các DN FDI kiên trì hoạt động đầu tư, đặt niềm tin vào những cải cách của Việt Nam, chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm quản trị, có trách nhiệm với xã hội, chung tay cùng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường.
Tuy nhiên, mặc dù đánh giá cao vai trò của DN FDI, nhưng Thủ tướng cũng yêu cầu phải có đội ngũ DN trong nước vững mạnh nên cần phải thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, để mọi thành phần kinh tế được hưởng lợi, phấn đấu vì mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020.
Theo đó, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam yêu cầu các bộ ngành phải “tiếp thu, nghiên cứu” những đề xuất kiến nghị phù hợp của diễn đàn hôm nay để sửa đổi bổ sung chính sách pháp luật liên quan.
Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT làm đầu mối, có kế hoạch triển khai các nhóm vấn đề đã thảo luận. Trước mắt, sửa chữa, chấn chỉnh những bất cập tồn tại kéo dài, phù hợp thông lệ quốc tế và tính thị trường. Các Bộ trưởng phải làm nhiều việc để có môi trường tốt cho DN tư nhân cũng như DN FDI phát triển.