Thách thức đa chiều đối với mạng lưới an sinh xã hội trong thời đại 4.0
- Tây Y
- 23:44 - 19/09/2018
Hội nghị chứng kiến sự có mặt của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo của các cơ quan an sinh xã hội của 10 nước ASEAN, đại diện các tổ chức quốc tế là đối tác của ASSA như Ngân hàng Thế giới, Hiệp hội An sinh xã hội quốc tế…
Sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) tạo thuận lợi cho sự dịch chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, vốn đầu tư và lao động, thông qua một thị trường chung về lao động mà AEC đang hướng tới. Tuy nhiên, thách thức đặt ra đối với hệ thống an sinh xã hội cũng không phải là ít, trong đó có yêu cầu đảm bảo chế độ, quyền lợi về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế cho người lao động của quốc gia này làm việc tại quốc gia khác.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, hệ thống thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam được bạn bè ASEAN đánh giá cao. Đây là minh chứng cho một ngành nỗ lực vươn lên, tận dụng cơ hội. Theo Phó Thủ tướng, trong cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, lao động (LĐ) ngắn hạn sẽ nhiều hơn LĐ dài hạn. Vì thế, tất cả các cơ chế về bảo hiểm đều phải nghiên cứu và thay đổi thích hợp. Lao động trong thời kỳ mới không đơn thuần là LĐ đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, mà trong CMCN 4.0, tỉ trọng LĐ do người LĐ tự tạo ra cho mình sẽ ngày càng nhiều hơn. Lao động ngắn hạn tạo ra theo thời vụ, thậm chí theo giờ đồng hồ cũng nhiều hơn.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức như tỷ lệ lực lượng lao động tham gia BHXH thấp (29%), tỷ lệ lao động nông nghiệp cao (38,6%), là một trong 5 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới… nhưng Việt Nam luôn đồng hành với hệ thống an sinh xã hội thế giới và khu vực hướng đến một hệ thống an sinh xã hội đa tầng, bền vững, hiệu quả đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người dân.
Phó Thủ tướng dẫn chứng, Việt Nam hiện có hơn 200.000 LĐ tự do. Điều này cũng đòi hỏi chế độ, chính sách, nghĩa vụ của doanh nghiệp, người LĐ và sự điều phối của các cơ quan bảo hiểm cũng sẽ thay đổi. “Người LĐ ngồi ở Việt Nam có thể làm việc cho các công ty bên kia bán cầu. Người LĐ không nhất thiết phải đi từ nơi này đến nơi kia” - Phó Thủ tướng nói. Sẽ có những ngành nghề mới xuất hiện nhưng ngay cả bây giờ cũng khó vạch ra được hết những nghề gì sau 10-20 năm nữa. Những ngành nghề đó cần những kỹ năng rất mới. Phó Thủ tướng mong muốn, doanh nghiệp cùng với Nhà nước và người LĐ cũng như các tổ chức phải đổi mới đào tạo, phải làm sao đó, dù là LĐ giản đơn hay LĐ phức hợp đều phải sẵn sàng nâng cao kỹ năng của mình. “Để làm được điều này, nhiệm vụ của các cơ quan về an sinh xã hội là vô cùng cần thiết” - Phó Thủ tướng đề nghị.
Việt Nam đã chủ động triển khai mạnh mẽ ứng dụng CNTT trong lĩnh vực an sinh xã hội. BHXH Việt Nam hiện đang dẫn đầu khối các cơ quan của Chính phủ về ứng dụng CNTT, cải cách hành chính với nhiều kết quả tích cực như xây dựng Cơ sở dữ liệu tập trung toàn ngành về BHXH; vận hành Trung tâm điều hành hệ thống CNTT và Trung tâm dịch vụ khách hàng; đặc biệt đưa vào sử dụng Hệ thống thông tin giám định điện tử BHYT, kết nối, liên thông cơ sở dữ liệu giữa cơ quan BHXH với khoảng 14.000 cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc.
Các phiên thảo luận chuyên đề của hội nghị bàn về tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến lao động-việc làm, hàm ý đối với sự phát triển các hệ thống an sinh xã hội đa tầng, toàn diện, bền vững, hiệu quả; vấn đề đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển an sinh xã hội; cơ hội và thách thức từ tự do dịch chuyển lao động mang lại cho mỗi quốc gia trong khu vực; kinh nghiệm triển khai các thỏa thuận song phương về BHXH nhằm đảm bảo chế độ, quyền lợi cho người lao động của nước này đi làm việc tại nước khác.
Tại hội thảo, các ý kiến, các giải pháp được đưa ra nhằm giúp Chính phủ các quốc gia, các nhà hoạch định chính sách và toàn bộ hệ thống an sinh xã hội của các quốc gia trong khu vực tiếp tục hoàn thiện chính sách, đảm bảo cho người LĐ, nhất là LĐ di dân và các thành viên gia đình họ được hưởng đầy đủ các quyền lợi, chế độ, để dễ dàng thích ứng với yêu cầu chuyển đổi của nền kinh tế, LĐ và việc làm dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0.
Sau khi kết thúc các phiên thảo luận, Hội nghị ASSA 35 sẽ thông qua Tuyên bố chung khẳng định mong muốn và ý chí tập thể nhằm xây dựng cộng đồng an sinh xã hội đoàn kết, đồng thuận và phát triển vì lợi ích của người dân, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.
Hệ thống an sinh xã hội ASEAN cần cách thức tiếp cận sáng tạo và tầm nhìn dài hạn khi đang bước vào một giai đoạn phát triển mới với những cơ hội và thách thức từ cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình tự do dịch chuyển lao động trong khu vực; đòi hỏi sự liên kết hiệu quả, sự thống nhất trong đa dạng, phát huy thế mạnh của các tổ chức thành viên ASSA nhằm tạo nên sức mạnh cộng hưởng của cả Hiệp hội vì sự nghiệp an sinh xã hội bền vững cho mọi người dân trong Cộng đồng ASEAN.
Các thành viên ASSA cùng định hướng hợp tác với nhau và với các tổ chức an sinh xã hội quốc tế cùng hướng tới một hệ thống an sinh xã hội hiện đại, toàn dân, bền vững, tin cậy, minh bạch, toàn diện, đảm bảo tiếp cận cho mọi người dân thông qua quản trị tốt, hợp tác tốt sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; thúc đẩy kết nối, đổi mới sáng tạo, thu hẹp dần khoảng cách phát triển giữa các tổ chức an sinh xã hội trong khu vực và trên thế giới; nỗ lực hướng tới tạo dựng một Cộng đồng ASEAN “Thịnh vượng, tiến bộ, văn minh và phát triển” theo tinh thần Tuyên bố Tầm nhìn ASEAN 2025.