THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:10

Báo Lao động&Xã hội: “Đi trước đón đầu”, phản ánh toàn diện lĩnh vực an sinh xã hội

Ông nhận xét rằng Báo Lao động&Xã hội đã tuyên truyền tốt về lĩnh vực an sinh xã hội, vậy ông có thể cho biết cụ thể hơn những vấn đề an sinh xã hội được phản ánh trên Báo mà ông đánh giá cao trong thời gian qua?

An sinh xã hội được Đảng, Nhà nước quan tâm từ rất lâu. Suốt trong quá trình 30 năm đổi mới, an sinh xã hội trở thành một điểm sáng. Đảm bảo an sinh xã hội chính là Đảng, Nhà nước đã đi đúng mục tiêu phát triển kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội.

Thực hiện theo tinh thần của Hiến pháp, Nghị quyết của TƯ cũng nhấn mạnh an sinh xã hội là mục tiêu xuyên suốt cơ bản trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước. Nghị quyết 12 đã nhấn mạnh điều quan trọng là phải đảm bảo các dịch vụ xã hội cơ bản tối thiểu cho người dân bao gồm: nhà ở, giáo dục, y tế, nước sạch, thông tin truyền thông. Trên cơ sở đó Đảng, Nhà nước đã tập trung giải quyết căn bản đời sống cho nhân dân, qua đó, đảm bảo được trật tự an toàn xã hội và tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.

Trên tinh thần các quan điểm của Đảng và quy định của Hiến pháp thì tất cả hệ thống báo chí của chúng ta trong những năm vừa qua đã tập trung tuyên truyền rất sâu rộng các vấn đề về an sinh xã hội. Trong đó, Báo Lao động&Xã hội là một trong những cơ quan báo chí thuộc Bộ LĐ-TB&XH phụ trách lĩnh vực lao động việc làm, an sinh xã hội. Cho nên Báo được đánh giá là đi trước đón đầu và phản ánh một cách trung thực, đầy đủ, toàn diện lĩnh vực an sinh xã hội. Cụ thể:

Trong mảng tuyên truyền về an sinh xã hội, Báo đã tập trung vào 4 trụ cột chính: Thứ nhất, trụ cột phòng ngừa rủi ro trong hệ thống an sinh xã hội, bao gồm: đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ vay vốn tạo việc làm và giảm nghèo bền vững, đây chính là trụ cột đầu tiên để phòng ngừa cho người lao động không rơi vào rủi ro trong cuộc sống;  Thứ hai, trụ cột về giảm thiểu rủi ro, tức là bao gồm hai chính sách cơ bản là BHXH và BHYT. Trụ cột thứ ba là khắc phục rủi ro, bao gồm trợ giúp xã hội đột xuất và trợ giúp xã hội thường xuyên. Thứ 4 là đảm bảo các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và thông tin cho người dân. Ngành LĐ-TB&XH thời gian qua đã tập trung vào những công việc đó. Và Báo Lao động & Xã hội đã phản ánh được đầy đủ các hoạt động, các nội dung chính của hệ thống an sinh xã hội với 4 trụ cột cơ bản trên.

 “Điểm sáng” của Báo mà tôi đánh giá cao là Báo đã tập trung phản ánh tình hình giải quyết các vấn đề lao động, việc làm, giảm nghèo và đời sống an sinh xã hội cho người dân. Thực ra chính sách giảm nghèo không phải là chính sách an sinh xã hội mà nó nằm trong hệ thống chính sách xã hội nói chung, nhưng nó lại tác động đến chính sách an sinh xã hội. Thứ hai là Báo đã tập trung tuyên tuyền để mở rộng diện bao phủ của BHXH, BHYT trong đó, phóng viên về tận cơ sở để viết bài nhằm tuyên truyền mở rộng đối tượng tham gia BHXH trong doanh nghiệp và BHYT. Ngoài ra, Báo cũng đã tuyên truyền rất tốt về công tác khắc phục hậu quả thiên tai để cứu đói, cứu trợ cho nhân dân vùng khó khăn cũng như trong các dịp lễ tết như 27/7, 2/9, Tết nguyên đán…

Có thể nói, trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của báo chí, Báo Lao động&Xã hội đã biết lựa chọn tâp trung vào những điểm chính, những “nút thắt” để làm tôt công tác tuyên truyền. Đó chính là những nét nổi bật của Báo Lao động &Xã hội.  

Để đáp ứng yêu cầu thông tin trong kỷ nguyên số và hội nhập, mấy năm gần đây, ngoài tờ báo giấy “truyền thống”, Báo cũng đã có một tờ báo điện tử là Dân sinh, ông có thường xuyên cập nhật thông tin trên Dân sinh không?

Không chỉ theo dõi mà rất nhiều bài viết của tôi cũng đã đăng trên báo Dân sinh. Việc ra đời tờ báo điện tử Dân sinh, có thể nói là rất kịp thời. Dung lượng lớn, đăng tải được nhiều và cập nhật liên tục, đáp ứng được yêu cầu bạn đọc, cấp bách nên tờ báo điện tử đã phản ánh được nhiều những vấn đề đời sống, những hình ảnh, những mô hình rất tốt… Dân sinh có một lượng độc giả lớn, qua đó sẽ mang lại hiệu quả thông tin rất lớn về các nội dung tuyên truyền có liên quan đến các chính sách an sinh xã hội.  

 

Bên hành lang Quốc hội, ông Bùi Sỹ Lợi cũng luôn sẵn sàng chia sẻ với phóng viên Báo Lao động&Xã hội về những vấn đề quốc kế dân sinh (Ảnh: Mạnh Dũng)

 

Từng công tác trong ngành LĐ-TB&XH, giờ lại là Phó Chủ nhiệm UB về các vấn đề xã hội của Quốc hội. Ông thực sự là một “chuyên gia” trong các lĩnh vực của ngành và hẳn cũng là một độc giả rất khó tính, theo ông, còn điểm nào mà tờ báo cần làm tốt hơn trong thời gian tới?

Theo tôi, về nội dung, số lượng bài viết về an sinh xã hội trên Báo thì rất nhiều nhưng điểm hạn chế là vẫn chưa tập trung phân tích sâu thêm những nguyên nhân cũng như đánh giá tác động của chính sách. Bên cạnh đó, vẫn có những nội dung, những bài viết, hình ảnh mà nếu đăng tải sớm hơn thì hiệu quả về mặt tuyên truyền sẽ tốt hơn nhưng đôi khi Báo vẫn còn chậm. Những cái đó thì cần khắc phục. Cách thức viết bài cũng cần phải nghiên cứu làm thế nào để thể hiện được tính hiệu triệu, để toàn xã hội tham gia vào công cuộc xóa đói giảm nghèo cũng như sự nghiệp bảo đảm an sinh xã hội cho toàn dân. Giữa cái đúng và cái sai, cái tiêu cực và tích cực cũng cần được phản ánh công bằng, thông tin phải kịp thời, chính xác và phải phản ánh một cách trung thực, khách quan cả hiện tượng tiêu cực, cả những điểm sáng, những điển hình tiên tiến để làm sao khích lệ được cái tốt và không khiến người đọc hiểu sai về thực trạng xã hội.

Vậy theo ông, đâu là những vấn đề then chốt trong công tác an sinh xã hội mà Báo cần tập trung tuyên truyền trong thời gian tới?

Báo chí của ngành LĐ-TB&XH thì đang đứng trước trọng trách rất lớn. Vừa qua, Đảng ta ra Nghị quyết 18 về đổi mới bộ máy hệ thống chính trị, Nghị quyết 19 đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương, Nghị quyết 28 về cải cách chính sách BHXH… Tất cả những cái đó đều thuộc lĩnh vực của ngành LĐ-TB&XH. Cộng thêm hai chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và Xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là ngành LĐ-TB&XH có vị trí vai trò hết sức quan trọng đó là quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, một trong những “nút thắt” của yêu cầu phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…Những vấn đề đó chính là cơ hội điều kiện để Báo Lao động &Xã hội vươn lên, khẳng định vị thế một tờ báo của ngành LĐ-TB&XH. Trong đó, theo tôi, Báo cần tập trung tuyên truyền mấy vấn đề sau:

Một là cải cách, đổi mới sắp xếp hệ thống các cơ sở đào tạo nghề để nâng cao chất lượng đào tạo và định hướng đào tạo gắn với nhu cầu của thị trường lao động, tức là đào tạo có địa chỉ.

Thứ hai là cải cách chính sách tiền lương để đảm bảo đời sống cho người lao động, tiền lương tối thiểu phải đáp ứng mức sống tối thiểu cho người lao động. Đây chính là một trong những vấn đề phải đi sâu tuyên truyền, làm rõ chuyển biến nhận thức. Một vấn đề nữa là đổi mới quản lý nhà nước về hệ thống thang lương, bảng lương, làm sao tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thứ 3 là Nghị quyết cải cách chính sách BHXH, đây chính là một trong những nền tảng cải cách rất quan trọng của hệ thống an sinh xã hội. Và mục tiêu là chúng ta phải tiến tới BHXH toàn dân, trên cơ sở chuyển từ BHXH đơn tầng sang đa tầng. Quan trọng là tuyên truyền làm sao để những người lao động không trong khu vực có quan hệ lao động hay nói cách khác là lao động khu vực phi chính thức (hiện nay khoảng 37 triệu người) phải tham gia vào hệ thống BHXH để diện bao phủ BHXH ngày càng rộng hơn và tiến tới BHXH toàn dân.

Ngành LĐ-TB&XH hiện nay đang đứng trước những vấn đề an sinh xã hội rất lớn, rất nặng nề. Báo chí phải bám lấy chức năng nhiệm vụ của ngành để tuyên truyền sâu rộng góp phần làm chuyển biến nhận thức xã hội, rằng: đảm bảo an sinh xã hội không chỉ là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước mà còn là quyền, nghĩa vụ của người dân. Phải làm sao huy động được sức mạnh toàn dân hay nói cách khác là xã hội hóa trong việc chăm lo đời sống cho người dân, mở rộng độ bao phủ chính sách an sinh xã hội.

Là một độc giả lâu năm, cũng là cộng tác viên thân thiết của Báo, ông có điều gì cần chia sẻ với Báo nhân kỷ niệm 25 năm thành lập?

Tờ báo Lao động&Xã hội ra đời 25 năm trong khi tôi đã làm việc gần 40 năm trong đó nhiều năm trực tiếp trong ngành LĐ-TB&XH. Tờ báo này ra đời khi tôi đang làm trong ngành và tôi cũng đã từng cộng tác viết bài cho báo ngay từ những ngày đầu thành lập. Đọc và theo dõi quá trình phát triển của Báo trong suốt 25 năm vừa qua, tôi thấy rằng, mỗi chặng đường, mỗi bước đi những năm tháng qua, tờ báo đã thay đổi rất cơ bản cả nội dung, hình thức và quy mô. Từ báo giấy, giờ phát triển thêm báo điện tử, hình thức tuyên truyền, cách thức tuyên truyền và nội dung tuyên truyền cũng như sự phổ cập của báo đến người dân cũng đã thay đổi rất lớn. Ngày trước, tờ báo giấy từng được đặt đến tận hệ thống LĐ-TB&XH cấp xã nhưng bây giờ khi có báo điện tử thì độ bao phủ thông tin đã rộng hơn rất nhiều. Về mặt chất lượng, Báo đã đi sâu hơn, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của ngành. Tôi đánh giá cao đội ngũ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên và cán bộ công nhân viên của báo đã rất chịu khó đi sâu nghiên cứu, học hỏi thay đổi cách thức làm báo để những bài báo ngày càng đi vào cuộc sống.

Có thể thấy sự phát triển của Báo Lao động & Xã hội gắn liền với sự phát triển của ngành LĐ-TB&XH. Trong những năm vừa qua, ngành LĐ-TB&XH được Đảng, Nhà nước đánh giá là một ngành có sự phát triển rất vượt trội, năng động và đổi mới, cải cách hành chính để ngày càng mang lại sự hài lòng cho người dân. Báo Lao động & Xã hội cũng đã được người dân đón nhận và coi đó như người bạn đồng hành.

Nhân dịp Kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Báo, với tư cách của người vừa là bạn đọc, vừa là cộng tác viên thân thiết của Báo tôi chúc tất cả phóng viên, biên tập viên, cán bộ công chức và người lao động của Báo Lao động& Xã hội sức khỏe, hạnh phúc và tiếp tục vươn lên để xây dựng tờ báo ngày càng phát triển toàn diện cả về nội dung, cả về hình thức, xứng đáng với tờ báo của ngành LĐ-TB&XH phụ trách một lĩnh vực hết sức quan trọng, đó là đảm bảo an sinh xã hội cho toàn dân.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh