An sinh xã hội 6 tháng đầu năm có những chuyển biến tích cực
- Tây Y
- 02:17 - 03/07/2018
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, an sinh xã hội 6 tháng đầu năm có những chuyển biến tích cực, an sinh xã hội được đảm bảo, nhất là đối với các đối tượng người có công, gia đình chính sách và người nghèo. Về việc thực hiện Chỉ thị 14 của Ban Bí thư về tăng về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng trong dịp tháng 7- Tháng tri ân người có công, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các địa phương triển khai toàn diện các hoạt động theo hướng dẫn của Trung ương, nhất là các hoạt động thăm nom, động viên, tặng quà, tri ân người có công, cũng như viếng, tôn tạo các nghĩa trang liệt sĩ, nơi thờ tự... Bên cạnh đó khẩn trương triển khai phân bổ và tổ chức việc hỗ trợ nhà ở người có công theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở. Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với Chính phủ, Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Trung ương Đảng sẽ đề xuất các đồng chí lãnh đạo cấp cao tham gia các hoạt động lớn cấp quốc gia như: Hoạt động kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Khe Sanh (Quảng Trị); Kỷ niệm 50 năm Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh); Tuyên dương NCC tiêu biểu toàn quốc ở Vũng Tàu; Trao bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ tồn đọng; Triển khai khai trương Cổng thông tin Ngân hàng bia mộ toàn quốc tại Hà Nội và một số hoạt động lớn như chương trình “Về nguồn” tại Chiến khu R Tây Ninh, Nhà tù Phú Quốc (Kiên Giang), lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm và tặng quà đồng bào ở vùng bão lũ...
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm và tặng quà cho các gia đình chính sách tỉnh Bình Thuận
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, về Hội nghị phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến sẽ tổ chức vào tháng 7/2018. Bên cạnh đó, về việc quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng đề nghị các địa phương bám sát tinh thần NQ TƯ 6 khóa 12, tập trung rà soát sắp xếp và tổ chức lại cơ sở mạng lưới giáo dục nghề nghiệp trên tinh thần có bước đi thận trọng, không vội vàng, cũng như đảm bảo các mục tiêu đến năm 2021 giảm 10% các cơ sở công lập. Theo đó, đề nghị các địa phương tích cực sắp xếp lại các trung tâm theo phương châm tích hợp 3 trong 1. Rà soát lại các trường trung cấp, tổ chức lại và sát nhập vào các trường cao đẳng khi các trường này có trên 50% ngành nghề đào tạo trùng với trường cao đẳng, và không tiến hành với các trường tư thục, vì khuyến khích các trường tư thục phát triển. Đề cao tinh thần tự chủ, trước hết tự chủ về tài chính, chuyển sang đào tạo theo đặt hàng, kết nối doanh nghiệp, đào tạo có địa chỉ và đầu tư ngân sách có đầu ra, gắn với đó là đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề nghị không thực hiện cổ phần hóa các Trung tâm dịch vụ việc làm công vì hiện nay các trung tâm này đang được giao chức năng đảm bảo về bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, về quan hệ lao động, Bộ trưởng cho biết với những chính sách mới về lao động, việc làm, tiền lương và BHXH sẽ có thể phát sinh một số vấn đề nên đề nghị các địa phương cùng các bộ, ngành tăng cường quản lý, thanh tra, phát hiện xử lý các vấn đề phát sinh, nhất là nợ lương, nợ BHXH, không để nảy sinh các vấn đề bức xúc, sớm phát hiện ra các vấn đề gây tranh chấp để đối thoại, hòa giải và giải quyết tranh chấp...
Về vấn đề quản lý lao động nước ngoài ở Việt Nam, Bộ trưởng cho biết hiện có trên 80 ngàn lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, trong số này có một số doanh nghiệp đã đưa lao động sang làm việc trái phép và đề nghị các địa phương rà soát và đảm bảo đúng quy định. Bên cạnh đó là quản lý phối hợp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đảm bảo thực hiện đúng quy định của Trung ương và kết hợp vận động làm sao để người lao động hết hợp đồng về nước. Riêng về vấn đề đưa người lao động Việt Nam ở khối y dược sang Nhật Bản làm việc, Bộ trưởng báo cáo chính phủ và các địa phương sẽ làm thí điểm 10 doanh nghiệp đưa lao động đi, bên cạnh đó sẽ tập trung đàm phán với phía bạn miễn phí thu nhập cho cá nhân, miễn thuế cư trú, lựa chọn những doanh nghiệp ưu tiên chuyên môn, ưu tiên các nghiệp đoàn Nhật Bản có kinh nghiệm trên tinh thần hết sức thận trọng, không để hệ lụy xảy ra khi có những phát sinh mới.