Tết xưa – Tết nay
- Văn hóa - Giải trí
- 17:40 - 29/01/2017
Với chị Lại Thị Huyền, người phụ nữ gốc Hà Nội sống ở phố Đặng Dung, khi nhắc về Tết, chị lập tức nhớ đến không khí rộn ràng chuẩn bị Tết của cả gia đình dưới sự “chỉ huy” của người bà và người mẹ đảm đang. Tết xưa vất vả nhưng vui bởi ai cũng chung tay dọn dẹp, í ơi rủ nhau gói bánh, đi chợ, làm mứt... Trước Tết ít tháng, bố mẹ đã phải dần chuẩn bị để cho con mình cái Tết thật vẹn tròn, ấm áp. Cành mai, cành đào bố chăm chút cả một năm trời mới “thu hoạch” được. Thời buổi tem phiếu, thậm chí mẹ chị cũng phải có một “chiến lược” hẳn hoi để có được ít thịt mỡ, nếp ngon cho chiếc bánh chưng dâng cúng tổ tiên.
Tết xưa không thể thiếu việc gói bánh chưng...
“Hồi nhỏ, cứ 30 Tết, mẹ tôi lại ra chợ mua những bó lá mùi với chi chít quả tròn màu nâu nhạt cho vào nồi, đổ đầy nước rồi đun lên. Nước sôi, mùi nồng ấm, thơm thoang thoảng lan tỏa khắp gian bếp, lên thềm, ra sân. Hương thơm bay ra tận đầu ngõ, xua tan đi những ảm đạm cuối cùng của năm. Chiều 30 Tết hàng năm, dù ngày đó có lạnh đến mấy thì chị em tôi vẫn được mẹ lôi ra tắm gội, còn gọi là tắm tẩy trần cuối năm để xua tan hết mệt mỏi, bụi bặm của năm cũ để đón Tết. Ngày nay, cuộc sống tất bật với cơm áo, công việc, rồi những thứ tiện nghi nóng lạnh, điều hòa đã làm mất dần thói quen cũ. Mệt mỏi, về nhà, bật nóng lạnh cùng với đủ loại xà phòng, sữa tắm đã khiến mùi hương mùi già lùi dần vào ký ức. Nếu ai còn vương vấn với nồi nước thơm hương mùi già thì đã có tinh dầu đóng chai nhỏ tiện dụng, nhưng vẫn không gì có thể sánh được bằng nồi nước lá mùi hanh vàng, sôi sùng sục, bốc khói trên bếp lửa khi xưa”, chị Huyền bồi hồi nhớ lại.
Còn với anh Nguyễn Tiến Anh, một công chức sống ở làng Ngọc Hà thì Tết luôn là thời điểm bận hoa mắt, chóng mặt. “Nhà có con nhỏ, vợ chồng tôi vào 29 Tết đều mới được nghỉ việc cơ quan, nên có đúng 1-2 ngày để làm tất cả mọi việc như dọn dẹp, trang trí, mua sắm, quà cáp. Thế nên làm gì có thời gian để gói bánh chưng, đi chợ Tết cùng con. Vợ tôi cũng chỉ còn thời gian để đảo một vòng ra chợ mua vội cặp bánh chưng, một cành đào, mấy loại trái cây về bày mâm ngũ quả. Những món ăn truyền thống ngày Tết như hành kiệu muối, canh bóng, chân giò ninh măng, thịt đông... đều có sẵn ở siêu thị hoặc ngồi nhà gọi điện đặt hàng sẽ có người mang đến tận nơi”.
...và xin chữ của ông đồ
Cuộc sống hiện đại với bộn bề những lo toan khiến không ít người trẻ trở nên sợ Tết. Trong khi với một số người lớn tuổi, mỗi khi Tết đến họ lại đau đáu với câu hỏi "Sao ngày xưa, Tết vui thế?". Tết bây giờ thường đủ đầy hơn Tết xưa rất nhiều. Mọi bước chuẩn bị Tết đều được đơn giản hóa để người phụ nữ đỡ vất vả hơn. Những dịch vụ chuẩn bị Tết hộ ấy khiến các bà mẹ có thêm thời gian để ra hiệu uốn lại mái tóc, các ông bố có thời gian làm chầu cà phê cuối cùng của năm cũ, nhưng cũng khiến con cái họ mất dần những ý niệm về niềm vui ngày Tết. Nhưng cũng chính vì vậy mà con trẻ sẽ không còn nhiều ký ức đẹp về Tết như bố mẹ chúng khi xưa. Dường như ý nghĩa ngày Tết là sự đoàn tụ gia đình, là về quê sum họp, là hội làng với những thú vui truyền thống cũng bắt đầu dần bị thay thế bởi xu thế đi du lịch Tết để xả hơi sau một năm làm lụng vất vả, khiến cho không khí Tết truyền thống cũng bớt rộn rã hơn.
Trẻ con ngày nay lớn lên với việc Tết là đi du lịch, là đồ mua sẵn, mọi thứ đều được đơn giản hóa hết mức. Tết thời công nghiệp hóa, chỉ cần vài tiếng đi siêu thị là sắm sang đủ cho một cái Tết, nào bánh chưng, giò chả, đào mai, bánh kẹo. Không mấy bà mẹ trẻ đủ quyết tâm và dũng cảm để “ngụp lặn” trong nồi bánh chưng ngày Tết. Vì thế mà những cô bé, cậu bé chẳng còn cơ hội cùng ông bà, bố mẹ quây quần bên nồi bánh chưng, hồi hộp chờ đón thành quả đầu tay với chiếc bánh chưng con bé tí teo, cũng không còn niềm háo hức khi được cùng bố mẹ đi chợ hoa cả chiều để chọn được cành đào đẹp nhất. Chúng cũng không có nhiều cơ hội cùng bố mẹ chăm bẵm cây đào, cây mai từ những này đầu tháng Chạp và càng không biết đến cái thú đi ra đi vào mong ngóng những cánh hoa đầu tiên nở bung vào đêm giao thừa, bởi mai, đào được mua, được thuê từ những nhà vườn, lúc nào cũng sẵn sàng rực rỡ mà không phải mất công chăm sóc.
Tết nay giới trẻ dành nhiều thời gian để đi du xuân
Nếu trước đây, trong những ngày Tết, trẻ thường được bố mẹ đưa tới những lễ hội xuân và tham gia bịt mắt bắt dê, kéo co, nặn tò he, xin chữ đầu năm... Ngày nay, những chiếc điện thoại thông minh, máy tính bằng khiến các cô bé, cậu bé có thể vùi đầu vào đó cả 3 ngày Tết. Khai bút đầu xuân giúp trẻ “mở hàng” may mắn cho việc học cả năm và hiểu hơn tinh thần hiếu học, trọng chữ nghĩa của dân tộc thì giờ đã được thay bằng khai bút trên... Facebook.
Đương nhiên, cuộc sống kể cả phong tục ngày Tết cũng luôn thay đổi theo sự tiến bộ. Xã hội cũng đã dần chấp nhận những thay đổi tưởng như bất di bất dịch.
Tuy nhiên, theo nhà sử học Dương Trung Quốc, mỗi phong tục Tết đều gắn liền với những bài học quý giá, những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Ví dụ như chiếc bánh chưng nhắc trẻ về lòng thờ kính tổ tiên, sự chăm chỉ và hiền lành của chàng Lang Liêu, khai bút đầu năm khiến trẻ yêu hơn việc học... Khi được tự mình làm, lại được nghe cha mẹ giải thích cặn kẽ về từng phong tục thì theo một cách rất tự nhiên, trẻ cũng thấm nhuần những điều tốt đẹp mà vào ngày thường bố mẹ vẫn nhọc công tìm đủ mọi cách nhắc nhở con. “Vì lẽ ấy mà dù “Tết xưa” hay “Tết nay”, dù thời nào đi nữa thì việc “kéo” con trẻ cùng phụ giúp cha mẹ chuẩn bị Tết đều cần thiết. Qua những “giáo cụ trực quan” là những phong tục Tết, trẻ con không chỉ có cái Tết ý nghĩa và đáng nhớ với tuổi thơ, mà còn học được nhiều bài học đầu đời rất dễ nhớ về việc đối nhân xử thế mà ông cha ta lồng ghép khéo léo trong mỗi phong tục”- nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh.