CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:02

Phong tục Tết của người Sán Chỉ

 

Thời gian ăn Tết của người Sán Chỉ kéo dài từ 25 tháng Chạp đến hết rằm tháng Giêng âm lịch. Những ngày cuối năm, mọi người đều tất bật với công việc chuẩn bị đón Tết. Đầu tiên là mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, chủ nhà thắp một nén hương thơm lên bàn thờ mời tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu. Tiếp đó là việc chuẩn bị để làm các loại bánh ngày Tết: Bánh chưng không thể thiếu được của mỗi gia đình, bánh không chỉ để ăn trong những ngày Tết mà còn làm quà đi lễ Tết họ hàng nội ngoại. Một loại bánh nữa được ưa chuộng là bánh gai, bánh làm bằng bột gạo nếp trộn với lá gai và mật mía rồi cho vào cối giã nhuyễn, gói bằng lá chuối khô, bên trong là nhân đỗ xanh sau đó cho vào chõ xôi tới chín, bó 5 chiếc thành một cầu bánh để lên bàn thờ thắp hương, số còn lại để ăn dần trong những ngày Tết. Cùng với các loại bánh làm bằng gạo nếp, người Sán Chỉ còn làm bún, món ăn phổ biến trong các dịp lễ, Tết.

 

Điệu hát Sọong Co không thể thiếu trong ngày Tết của người Sán Chỉ

 

Theo quan niệm của người Sán Chỉ, giấy đỏ biểu trưng cho niềm vui, sự tốt lành, sung túc, mùa màng bội thu, đồng thời còn mang ý nghĩa tâm linh là xua đuổi ma quỷ, thú dữ, sâu bọ. Dán giấy đỏ lên những nơi quan trọng với họ chính là bắt đầu cho một năm mới ấm no, hạnh phúc, an khang thịnh vượng. Bởi thế, trước Tết 2 ngày (khoảng 28, 29 tháng Chạp), tất cả dụng cụ thuộc về gia đình, từ cái cuốc, cái xẻng, con dao, cái cày, cái bừa, cây cối quanh nhà, chuồng trại chăn nuôi... đều được dán giấy đỏ để các đồ vật này cũng được "nghỉ Tết" như con người. Các vị trí như cổng ngõ, cửa ra vào, bàn thờ tổ tiên, cối xay, cối giã gạo, cây lưu niên trong vườn cũng được dán giấy đỏ. Toàn bộ ngôi nhà vườn tược bỗng nhiên nhuộm sắc đỏ rực rỡ trong những ngày Tết.

Ngày 30 Tết là ngày quan trọng và đặc biệt nhất trong năm, mọi công việc chuẩn bị cuối cùng được thực hiện rất khẩn trương, bàn thờ tổ tiên được lau chùi sạch sẽ, giấy đỏ được dán lên cổng, các cửa ra vào, bàn thờ tổ tiên, cối xay, cối giã gạo... Buổi chiều, các thành viên trong gia đình đều tất bật chuẩn bị cho mâm cơm cúng tổ tiên và bữa cơm tất niên. Mâm cơm dâng lên tổ tiên của người Sán Chỉ có thịt lợn, xôi 7 màu, bánh chưng còn nguyên chưa bóc lá, đặc biệt thịt gà dâng lên tổ tiên phải là gà trống, không quá già, không quá non, khỏe mạnh, lông óng mượt thì mới thiêng, tổ tiên mới  phù hộ. Các thành viên trong gia đình quây quần sum họp bên nhau nói chuyện về những việc đã qua ở năm cũ và cùng nhau ngân nga bài hát “Slạn nin cọ” (bài hát chúc mừng năm mới của người Sán Chỉ) chờ đến giây phút giao thừa.

Giao thừa là đêm nhộn nhịp nhất, trong nhà từ già trẻ, gái trai đều thức, quây quần bên bếp lửa hồng với nồi bánh nghi ngút khói cùng ôn lại chuyện cũ. Người Sán Chỉ rất coi trọng việc thờ cúng tổ tiên và mâm cơm ngày Tết. Ai nấy trong gia đình đều tất bật chuẩn bị cho bữa cơm đoàn tụ. Sáng mùng một Tết, mọi người dậy sớm nấu cơm, người đàn ông lớn tuổi trong gia đình sửa soạn bàn thờ mời tổ tiên về đón Tết cùng gia đình. Sau khi hoàn thành nghi lễ thắp hương cúng tổ tiên và cầu phúc, gia đình quây quần bên mâm cơm Tết, vừa ăn uống, vừa chúc tụng nhau một năm mới đủ đầy, ấm no bằng những chén rượu ngô cay nồng. Họ nói những câu chuyện về cuộc sống và những nét văn hoá cổ xưa của dân tộc, người lớn tuổi chúc cho các thành viên trong gia đình mạnh khoẻ, con cháu mau lớn không bị bệnh tật.

 

Thầy mo và gia chủ chuẩn bị bài cúng trong dịp Tết

 

Sáng ngày mồng một Tết, Già làng cùng các bậc cao niên trong làng làm mâm cỗ thịnh soạn để cúng lễ Thành hoàng tại đình làng, gọi là lễ “Cầu Dềnh”. Già làng đại diện cho làng khấn Thổ công và xin âm dương cho cả làng được vạn sự tốt lành, mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hòa, còn các gia đình thì cúng tổ tiên tại nhà mình, mời tổ tiên ăn cỗ mừng năm mới và xin tổ tiên phù hộ cho con cháu, cho dòng tộc được hưởng sự tốt lành. Sau khi cúng gia tiên, cả nhà quây quần bên mâm cỗ, con cháu mừng tuổi cho ông bà, trẻ nhỏ, sau đó chủ nhà và các con trai lớn đi chúc Tết các gia đình trong thôn, bản, còn các bà, các chị ở nhà làm cơm đón khách. Phải đến ngày mồng 2 trở đi thì các bà, các chị mới được đi chúc Tết xóm làng. Sáng mồng 2 các cặp vợ chồng sẽ về chúc Tết bên nhà ngoại, ngày mồng 3 cũng là lúc người Sán Chỉ cùng nhau tổ chức hội xuân. Ngoài những trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, đánh quay, đánh cừ, ném còn thì tục lệ hát Sọong Co không thể thiếu trong những ngày này. Họ hát giao duyên, các bản hát đối với nhau, hát nhóm nam nữ, nội dung của các bài hát đề cập đến nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội: từ tình yêu đôi lứa, tình yêu thiên nhiên, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu lao động.

Người Sán Chỉ có ý thức cố kết cộng đồng cao nhưng lại rất phóng khoáng trong những ngày Tết, đã có khách đến nhà dù lạ hay thân quen, chủ nhà đều nồng nhiệt chào đón, chuẩn bị mâm cơm đầy đặn, cùng nhau chúc rượu và có thể ngồi hát đối đáp với nhau từ đêm hôm trước sang ngày hôm sau. Ai cũng có thể gửi lời chúc phúc năm mới cho nhau bằng những làn điệu, khúc ca đã được lưu giữ từ ngàn đời của dân tộc Sán Chỉ. Một nét văn hóa rất riêng, tình cảm nồng đượm, mến khách của người Sán Chỉ.

Những ngày này, từ các nẻo đường, ngõ xóm, màu áo chàm sẫm với những chiếc thắt lưng đẹp như hoa rừng khoe sắc thắm rực rỡ trong gió xuân. Hội làng được tổ chức với các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, ném còn, đi cà kheo…Và không thể thiếu làn điệu Sình ca. Nội dung các bản Sình ca đề cập đến nhiều lĩnh vực của đời sống: Từ tình yêu đôi lứa đến tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước, yêu lao động. Cuộc hát được tiếp diễn từ ngày này sang ngày khác, từ gia đình nọ sang gia đình kia, từ sáng sớm tới tận đêm khuya.

Với người Sán Chỉ, từ xưa đến nay, Tết Nguyên đán không chỉ là dịp ăn ngon, mặc đẹp mà ngày Tết còn để gắn kết các thành viên trong mỗi gia đình, dòng tộc và cả cộng đồng làng xã, mọi người sẽ gần nhau hơn qua mâm cơm ngày Tết, qua lời chúc tụng vui vẻ và qua câu hát Sình ca. Đó cũng là món ăn tinh thần không thể thiếu của người Sán Chỉ trong mỗi độ Tết đến xuân về.

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh