CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:20

Tết xa nhà của học sinh miền Nam

Tết xa nhà của học sinh miền Nam - Ảnh 1.

Trường HSMN được thành lập từ Trại nhi đồng, đến cấp 1, 2, 3. Có trường dành riêng cho HSMN dân tộc thiểu số, trường HSMN Hoa kiều. Những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt, một số trường HSMN như Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Văn Bé, trường dành riêng cho học sinh dân tộc, trại nhi đồng Võ Thị Sáu được đưa sang Quế Lâm (Trung Quốc). Đặc biệt năm 1961 có cả học sinh nước ngoài như con Hoàng thân Xuvanuvông, Chủ tịch nước CHDCND Lào Nhotkeo Suvanuvông Nguyễn Kiều Nga và hai bạn da màu là Irene và Monique vào học cùng. Hỏi ra mới biết, ba của hai bạn này là anh hùng dân tộc Camơroon. Khi hoạt động cách mạng, ông lo mình sẽ hy sinh nên đã gửi cho Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam giúp đỡ. Sau khi tốt nghiệp phổ thông ở trường HSMN hai bạn được cử sang Cu ba học ngành y, cả hai chị em đều là những bác sĩ giỏi.

Thật quá bất ngờ, ngày 8/12/2019, nhân kỷ niệm 65 năm ngày HSMN trên đất Bắc và 50 năm thực hiện di chúc của Bác Hồ tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình, tôi đã gặp Monique. Hai đứa ôm nhau thắm thiết như chị em ruột thịt đi xa mới về. Vẫn nói tiếng Việt rất chuẩn, Monique rối rít: "Monique vừa bay từ Paris về. Nhớ các bạn HSMN quá. Làm sao quên được những cái Tết biểu diễn văn nghệ để đón giao thừa rồi được ăn bánh chưng, bánh tét …". Cứ thế, chúng tôi ôm nhau rất chặt. Một cái ôm mang đầy tình cảm bạn bè, tự hào với thương hiệu HSMN mà không phải ai cũng có được. Nó đã vượt không gian, thời gian và vượt cả biên giới cách ngăn vạn dặm.      

Thế mới biết, trường HSMN không chỉ có uy tín trong nước mà thế giới cũng biết đến. Đó là cái nôi đào tạo nhân tài, giáo dục nhân cách con người từ tấm bé và trường nội trú quy mô nhất. Chúng tôi là những đứa trẻ xa gia đình, quê hương nên tinh thần tập thể rất cao, sống hòa đồng, thương yêu nhau như ruột thịt. Luôn luôn rèn luyện tu dưỡng, xứng đáng là những "Hạt giống đỏ" như Bác Hồ đã nói khi về thăm  trường HSMN năm 1959. Từ nơi này, những "Hạt giống đỏ" đã nẩy mầm thành những cây vạm vỡ, vững chắc. Nhiều HSMN sau đó đã trở thành những AHLLVT, AHLĐ, những ủy viên Bộ Chính trị, bí thư, chủ tịch tỉnh, những nhà khoa học và những văn nghệ sĩ nổi tiếng. 

Tết xa nhà của học sinh miền Nam - Ảnh 2.

Trong đời mỗi con người, cứ hễ xa nhà là nhớ, dù chỉ một ngày. Vậy mà chúng tôi xa nhà từ tuổi ấu thơ, không chỉ một đứa mà có tới 32.000 đứa cùng cảnh ngộ, dài đằng đẵng với 21 cái Tết trên đất Bắc.

Ngày ấy, ngoài đồng phục, ăn uống đầy đủ, mỗi tháng còn được cấp 8 đồng gọi là "sinh hoạt phí". So với các bạn HS miền Bắc cùng trang lứa thế là sướng lắm rồi. Vì đây là lực lượng kế cận cho cách mạng miền Nam và đất nước sau này nên Đảng, Bác Hồ, nhân dân miền Bắc không để chúng tôi thiếu thốn. Chúng tôi chỉ thấy nhớ nhà da diết mỗi khi Tết đến Xuân về.

Nhớ lại ngày đầu đặt chân lên đất Bắc, đúng vào mùa Đông, trời rét căm căm. Là những đứa trẻ hầu hết đi từ vùng có khí hậu nóng ra, không biết chăn bông, áo ấm là gì. Được đưa vào nhà dân như Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Đông, Sơn Tây… là những nơi rất nghèo. HSMN được ngủ ở chỗ kín gió, ấm nhất. Thiếu thì lót thêm rơm, lá chuối cho các cháu nằm. Nghèo là vậy, đồng bào ở đây vẫn chuẩn bị đầy đủ bánh chưng và dưa hành cho HSMN ăn Tết. Mỗi đứa được phát hai cái bánh chưng xinh xinh. Có đứa không dám ăn, bảo để dành cho má, cho em. Ngày mồng Một Tết chẳng dám đi đâu. Nhiều đứa ôm nhau khóc cứ đòi về nhà. Thầy, cô, chú, má cũng mất ăn mất ngủ vì các con. Mà lo nhất bọn trẻ ốm. Có cô đã bộc bạch khi gặp lại những HSMN năm xưa: "Ngày ấy cô đã  biết làm mẹ trước khi lấy chồng". Nhiều cô "vì HSMN thân yêu", vì sự nghiệp trồng người mà không lo được hạnh phúc cho riêng mình.

     Sau này HSMN được đưa vào các trường nội trú. Việc đón Tết rất bài bản. Trước tiên, mỗi học sinh phải khai tên người thân thật chính xác thì hè, Tết mới được đón về. Khó khăn nhất vẫn là các bạn không có người thân ruột thịt trên đất Bắc. Mà nếu có thì cũng bị lạc vì gia đình đi tập kết mỗi người một kiểu, nhiều thời điểm khác nhau. Như trường hợp Lê Văn Quế, ba là Tỉnh ủy viên Quảng Ngãi, cả nhà có tới 9 người được đi tập kết, 4 anh em đều là HSMN.

Nhưng mãi cho tới năm 1957, lần đầu tiên Quế mới hưởng cái Tết đoàn tụ với gia đình ở Thái Bình. Vì còn quá non nớt lại háo hức muốn được đón về nên nhiều bạn nhớ gì khai nấy. Nhiều cô chú đồng hương, thiếu thốn tình cảm và thương các cháu sớm xa vòng tay mẹ nên đã đến trường thuyết phục Ban giám hiệu để đón các cháu về ăn Tết.

Thế rồi sự nhầm lẫn đã xảy ra. Thia (quê Quảng Ngãi) được ba  đón về trong mấy ngày Tết. Hai ba con quấn quýt nhau vì lúc ba đi bội đội Thia chưa chào đời. Nhưng thật trớ trêu, chỉ ít lâu sau, có một bạn thấy người đàn ông này xuất hiện ở cổng trường, đã chạy đến ôm chầm và khóc nức nở: "Ba ơi. Đây là thư và ảnh má dặn con …". Đó là Kia (cũng ở Quảng Ngãi). Cô bé này đã khóc hết nước mắt suốt mấy cái Tết khi đi tìm ba với lá thư trong tay. Người cha như chết lặng trước hai đứa con. Vì cả Thia và Kia đều có hoàn cảnh giống hệt nhau. Từ đó cả hai đứa trẻ đều được nhà trường cho phép người đàn ông tốt bụng đón về ăn Tết. Nghe đâu sau này, bản thân ông cũng không thể nào tìm được đứa con gái ruột của mình trong hàng nghìn đứa trẻ là HSMN khi đi tập kết thuở còn thơ dại. Nhưng có những người cha, người mẹ khi xa con cũng rất bình tĩnh. Đây là lá thư của một HSMN  trường Nguyễn Văn Trỗi  ở Quế Lâm (Trung Quốc) Tết Quý Ngọ 1966 còn giữ được "…Tổ quốc gọi, quê hương miền Nam gọi, ba má phải lên đường khi con còn thơ dại. Nếu sau này không trở về, coi như đây là lá thư cuối cùng gửi lại cho con… Lớn lên con hãy tìm về địa chỉ này… là chú ruột của con. Địa chỉ này… là dì ruột của con…"    

Tết xa nhà của học sinh miền Nam - Ảnh 3.

Tác giả và Monique, bạn học người Camơroon tại Lễ kỷ niệm 65 năm ngày HSMN trên đất Bắc.

Biết bao người con đã cống hiến cho Tổ quốc như thế, ngày thống nhất đất nước, gia đình họ có được đoàn tụ không cũng không ai biết rõ?.

Cuộc hội ngộ của HSMN với cô, thầy, chú, má năm xưa ở Đà Nẵng diễn ra rất cảm động. Họ cùng chung ý nghĩ "bạc tóc nhưng không bạc tình". Bởi ngày ấy HS ở lại trường đón Tết là những em có hoàn cảnh đáng thương nhất. Không cha mẹ, không người thân thích. Chỉ mấy ngày Tết dồn nén đến nghẹt thở. Nhìn các em, kẻ ở lại, người được về với người thân ăn Tết, quyến luyến trước cổng trường, đều không cầm lòng được. Thế rồi mọi người rủ nhau đi gói bánh tét, bánh ít, bánh in, bánh nổ, dưa món… những món ăn đặc trưng của quê hương miền Nam, cùng với những cành mai vàng bằng giấy, để các em  nguôi ngoai nỗi nhớ nhà. Hình ảnh này làm sao quên được trong tâm trí chúng tôi, khi thầy, cô, chú, má thay cha mẹ hết lòng chăm lo cho mình trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc .

Nhưng có lẽ nhớ nhất với HSMN là Tết Mậu Thân 1968. Được nghe thơ chúc Tết của Bác Hồ qua làn sóng Đài Tiếng nóí Việt Nam:

Năm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to

Vì độc lập, vì tự do

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào

Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào

Bắc Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!

   Cả khu trường như vỡ tung vì tiếng reo hò. Ai cũng  nghĩ mình sắp được trở về quê hương gặp cha mẹ. Nhưng điều ấy phải chờ đến mùa Xuân 1975 mới thành sự thật. Vì chiến tranh, không ai nói trước được điều gì.  Đó là mùa Xuân đầu tiên của sự trở về đoàn tụ sau 21 năm khắc khoải mong chờ. 

Bây giờ  nhóm HSMN ở các thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Quy Nhơn hay Quảng Ngãi… thường tổ chức họp mặt đầu Xuân. Chúng tôi cùng nhau đọc thơ của Tế Hanh (Bánh chưng bánh tét) cùng cười như pháo nổ:

"Bánh chưng các mẹ làm

  Gửi các con ăn Tết

Các con mẹ miền Nam tập kết

 Ra miền ngoài ăn Tết bánh chưng…

… Khác tên vì khác cách làm

 Cũng là nếp trắng đậu xanh đó mà"

  Cả bọn vô tư hát mà không biết mình đã bước qua cái tuổi 70 từ bao giờ và bài hát này ngày ấy ai sáng tác:

    "Ngày con mới ra miền Bắc

 Con còn bé xíu xiu

 Như là cái hạt tiêu…"   Đấy! Chúng tôi  không chỉ đem đến cho nhau sắc Xuân, sức Xuân, mà còn tình Xuân xưa nữa. Những mùa Xuân trên đất Bắc trong vòng tay ấm áp biết bao là tình...   

Lê Chín

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh