Hiệu quả từ Chương trình “Học sinh xa nhà”
- Y học 360
- 13:19 - 03/04/2015
Chuyện học xa nhà…
Trường phổ thông dân tộc (PTDT) huyện Phước Sơn (đóng ở thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn),có 11 lớp, trong đó có 5 lớp hệ THPT, 6 lớp hệ THCS, với tổng số 355 học sinh. Cô Phạm Thị Thứ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường có 270 em ở nội trú. Hệ thống phòng ở khá đầy đủ, có nhà ăn, phòng ở,mỗi phòng có 8 giường, đèn điện chiếu sáng đủ cả”.
Tại ngôi trường này có rất nhiều học sinh là người dân tộc thiểu số,vượt nhiều ngày đường đến đây học tập. Em Hồ Thị Hồng, học sinh lớp 9, quê ở xã Phước Hòa, người dân tộc Bh'noong nói: “Hồi năm 2003, ba em bỏ đi, anh trai của em cũng đi theo cha đến nay không về. Mẹ em một mình làm rẫy, có khi đi phát keo thuê cho người ta kiếm tiền nuôi em và em gái đang học”. Em gái Hồng, Hồ Thị Nhung, hiện học trường THCS Trần Quốc Toản, ở xã Phước Hiệp, còn mẹ Hồng thì ở nhà.
Tương tự, em Hồ Thị Ngọc Định, học sinh lớp 9, quê Phước Hòa, dân tộc Bh'noong. Em cho biết: “Cả cha mẹ em đều làm nghề trồng rừng. Nhà em còn có 2 em trai, đứa học ở xã Phước Hiệp, còn đứa út học xã Phước Hòa. Hằng tháng mẹ em gửi lên khoảng 200 nghìn. Tuy nhiên nhờ ở nội trú tại trường, nên không mấy vất vả”.
Nhờ có chương trình “Học sinh xa nhà” nên hơn một nữa số học sinh của trường đều ở nội trú tại trường. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao hơn.
Học sinh phải tự lo cho mình khi sống xa nhà Ảnh: Huyền Trang
Giảm số lượng bỏ học, nâng cao chất lượng học...
Chương trình "Học sinh xa nhà" được thực hiện đã góp phần giảm số lượng học sinh bỏ học, đồng thời nâng cao chất lượng dạy và học. Toàn huyện Phước Sơn có hơn 1.200 học sinh trong chương trình “Học sinh xa nhà”, chỉ tính riêng cấp tiểu học và THCS đã có 694 học sinh xa nhà.
Ông Lê Văn Hà, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phước Sơn, cho biết: “Nhờ có chương trình này mà nhiều năm qua, đã giải quyết được 2 bài toán nan giải của huyện Phước Sơn nói riêng và các huyện miền núi Quảng Nam nói chung. Thứ nhất là giảm tình trạng học sinh bỏ học. Tỷ lệ học sinh biết đọc viết đến 99%, hoàn thành phổ cập đúng độ tuổi, rất nhiều xã tỷ lệ học sinh đến trường cao như xã Phước Xuân có 100% học sinh học tiểu học, THCS có đến 90%. Trong khi xã Phước Xuân là một xã hầu như chỉ toàn người dân tộc Giẻ Triêng. Nhưng phong trào học tập khá tốt.
Thứ hai, giảm tình trạng ghép lớp tiểu học. Vì là huyện miền núi, nhiều xã chỉ có 2-3 thôn, số dân cư rất ít, do vậy số trẻ em sinh ra cũng ít theo. Nhiều khi một độ tuổi chỉ có 3-4 em, việc mở lớp rất khó khăn, do đó mới phải ghép lớp, ghép trình độ. Để giải quyết tình trạng này, trước năm 2010, huyện đã đem học sinh ở xa về nuôi ngay tại xã, cho ăn ở luôn, vì thế mà chuyện học đã căn bản được giải quyết".
Ông Hà nói thêm:"Trước khi có Quyết định 85/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường PTDT nội trú, toàn huyện có 150 lớp tiểu học, trong đó có đến 60 lớp ghép. Nhờ thực hiện chương trình "Học sinh xa nhà," đến cuối năm 2014, toàn huyện chỉ còn 13 lớp ghép chủ yếu là ở thôn của các xã như xã Phước Thành, Phước Lộc,… trong tổng số 135 lớp tiểu học trên địa bàn huyện".
Tuy nhiên theo ông Hà để khuyến khích các em đến trường, nhất là những em ở xa điểm trường thì chuyện nội trú chỉ là cái căn bản, chuyện vận động học sinh cũng không phải biện pháp lâu dài, ông nói:"Trước hết, học sinh đi học cần biết mình ra trường phải có việc làm, chứ học mà không có việc, khiến nhiều học sinh nản chí. Cho nên các học sinh đàn anh, chị phải là tấm gương cho các em học tập".
Ông Hà cũng nói:"10 năm qua, nhờ chăm lo cho học sinh xa nhà, mà mỗi năm có đến 25 % học sinh huyện Phước Sơn đậu đại học, cao đẳng trong tổng số học sinh tốt nghiệp lớp 12. Đó là chưa kể cử tuyển và xét nguyện vọng khác".