THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:16

Ngày Tết xa nhà của du học sinh Việt

 

Trần Mai Linh, sinh viên năm 3, cao đẳng Lycoming (Mỹ) cho biết, với phần đông du học sinh, Tết Nguyên đán chỉ là ngày đi học bình thường. Trong khi tại quê nhà, các gia đình đang vui vẻ, nhộn nhịp sắm sửa cho năm mới thì nơi trời Tây, các em lại mang trong mình nỗi niềm cô đơn, nhớ thương da diết.

Đã 2 năm đón Tết xa gia đình, Mai Linh nhớ nhất không khí tất bật sửa soạn mọi thứ thật tươm tất, để được quây quần bên mâm cơm nóng hổi. Mùa Tết xa quê đầu tiên, em có bài kiểm tra khó nhằn môn Lịch sử. Khoảnh khắc tại Việt Nam vui đón giao thừa, nữ sinh người Việt chỉ có thể gọi điện về chúc mừng nhanh gia đình rồi hối hả chạy vào lớp chuẩn bị làm bài trong 15 phút tới.

 

Du học sinh người Việt ở thành phố Williamsport (bang Pennsylvania) tổ chức tiệc tất niên mừng Tết Nguyên đán với bánh chưng tự gói. Ảnh: NVCC.


Giao thừa thứ hai trên đất Mỹ, Linh và một đồng hương khác đang trong lớp học Toán. Khi đồng hồ còn 3 giây thì đến lúc chuyển giao năm cũ - năm mới, cả hai cùng quay sang nhau khe khẽ đếm ngược rồi "chúc mừng năm mới". "Cảm giác lúc đó thật khó tả. Có lẽ chỉ du học sinh mới hiểu được", nữ sinh nói và cho biết, ngay sau phút đếm ngược ấy, em và bạn lại tập trung nghe giảng bài.

Niềm an ủi mỗi dịp Tết Nguyên đán về cho Linh và nhiều sinh viên Việt Nam ở thành phố Williamsport (bang Pennsylvania) là tiệc tất niên do Hội du học sinh tổ chức. Mọi người cùng làm nem, gói bánh chưng và nấu một nồi canh măng.

"Không ai biết gói bánh chưng nên chúng em vừa làm vừa xem video hướng dẫn trên Youtube. Sản phẩm tuy hơi méo chỗ này, lồi chỗ nọ nhưng ai cũng tấm tắc khen ngon. Vừa ăn, cả hội vừa bật Táo quân lên xem rất vui vẻ rồi cùng nhau kể chuyện Tết xưa cũ, gọi điện chúc gia đình. Ai cũng bồi hồi và tự nhủ phải cố gắng học tốt để sớm về đón Tết nơi quê nhà", Trần Mai Linh chia sẻ.

Đang sang Anh học chương trình trao đổi, nữ sinh cho biết, năm nay sẽ đón Tết Nguyên đán cùng đồng hương ở thành phố London. Khu Linh sống khá đông người Việt, lại có cả chợ Việt nên em kỳ vọng sẽ có nhiều trải nghiệm thú vị dịp Tết ở xứ người.

6 năm chưa ăn Tết cùng gia đình ở Việt Nam, Đặng Hoàng Phương (20 tuổi, Pace University Of Technology, New York, Mỹ), nhớ da diết cảm giác hoa đào rộn ràng xuống phố Hà Nội. 4 anh chị em trong gia đình theo bố mẹ đi chúc năm mới từng nhà rồi dàn hàng háo hức chờ nhận lì xì. 14 tuổi xa quê hương, nữ sinh đã rưng rưng nước mắt trong giao thừa đầu tiên.

"Giờ em quen dần và tìm đến không khí Tết ở những điều nhỏ nhất như bật nhạc về mùa xuân, gọi điện cho gia đình, cùng bạn bè chuẩn bị tiệc tất niên nho nhỏ… cho vơi đi nỗi nhớ thương", Phương cho biết.

4 năm ở Nga, Nguyễn Hà Duy (Đại học Tổng hợp quốc gia Astrakhan) đón nhiều cái Tết đặc biệt như: thành phố kế bên bị đánh bom, phòng ký túc xá bị cháy. Tết xa nhà đầu tiên của em là dịp lạnh nhất của mùa đông, tuyết rơi dày đặc. Dù khi đến lớp, được cô giáo chúc Tết các bạn Việt Nam và cả lớp cùng ăn bánh chưng, nem rán… nhưng nỗi nhớ nhà vẫn thật khó vơi đi.

 

Nguyễn Hà Duy có 4 năm đón Tết Nguyên đán tại Nga. Ảnh: NVCC.


Năm 2015, như thường lệ Duy và du học sinh người Việt ở thành phố Astrakhan quây quần vào tối 30 tháng Chạp, cùng làm tiệc tất niên, gói bánh chưng, nem, giò, chả. Ai cũng đã dọn dẹp sạch sẽ phòng ốc, bẻ cành khô giả làm hoa đào, hoa mai theo truyền thống Việt Nam. Tuy nhiên, khi mọi thứ đã sẵn sàng cho giờ khắc giao thừa thì thành phố cạnh bên có đánh bom, các trường ra lệnh cấm sinh viên tụ tập.

"Cảm giác lúc đó rất hụt hẫng vì ngoài công sức nấu nướng mấy hôm, chúng em còn tập văn nghệ chuẩn bị cho tất niên cả tháng trước", Duy nói. Em sau đó cùng 2 bạn khác về phòng đón Tết với đồ Tây. Đang lúc vui vẻ, một phòng của sinh viên Việt Nam trong ký túc xá bị cháy khiến mọi người tán loạn. 

Để vơi đi nỗi nhớ nhà, 2 năm nay Duy và cộng đồng du học sinh người Việt các nước làm video gửi lời chúc về Việt Nam. 

Tại Italy, Phạm Hải Yến (Đại học Florence) tuy phải đón Tết một mình ở thành phố ít người Việt, nhưng vẫn thấy thú vị với giao thừa vào 12h trưa. Sau thời gian ít ỏi dành để xem Táo quân và gọi điện chúc năm mới gia đình, nữ thạc sĩ Kinh tế tương lai lại "cày" bài vở vì đang trong đợt thi căng thẳng.

 

Lê Thị Thu Vân (áo dài màu vàng) trình diễn múa cùng các bạn trong Hội Sinh viên Việt ở Fukuoka trong chương trình Tết Nguyên đán 2012. Ảnh: NVCC. 


3 năm đón Tết ở Nhật, Lê Thị Thu Vân (Đại học Quốc gia Kyushu) thèm cảm giác được cùng bố mẹ chọn đào, quất, chuẩn bị mâm cỗ đón năm mới. Giao thừa Việt Nam hay rơi vào ngày thường ở Nhật nên sinh viên vẫn phải đi học. Có năm bạn bè bận rộn, Vân nảy ra cách dạy bạn nước ngoài làm món ăn truyền thống và giới thiệu về Tết Việt Nam. "Ngày cuối năm của em đã diễn ra rất vui, nhưng đến gần năm mới, vẫn là tĩnh lặng vì không có gia đình ở bên", Vân kể. 

Nữ sinh cho biết, dù có chút buồn tủi, cô đơn nhưng Tết xa nhà mang đến ấn tượng về sự đoàn kết cộng đồng, dân tộc. Đây là dịp hiếm có để anh chị em người Việt gặp mặt trong chương trình tất niên do Hội sinh viên, Lãnh sự quán tổ chức. Tại đây, Vân có thêm nhiều bạn bè, cùng chia sẻ cảm xúc của những người con xa quê, cùng giới thiệu Tết cổ truyền Việt Nam cho bạn bè các nước.

"Đó là cảm xúc ấm áp xen lẫn tự hào về văn hoá đất nước, về sự gắn kết của cộng đồng người Việt", nữ sinh chia sẻ.

Theo QUỲNH TRANG / vnexpress.net

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh