Tết thương-Tết nhớ
- Văn hóa - Giải trí
- 13:14 - 17/02/2015
Nhớ dáng chị gầy liêu xiêu bên bờ sông vàng ngồng hoa cải. Qua ngày cúng ông Táo, chị lại tất bật hơn với việc chợ búa. Chiều ra bờ sông tỉa rau và mua rau của những người trong làng để sáng mai ra chợ bán.
Mỗi gánh rau lãi 2 đồng, chị cực mười thì em cực chín. Tối nào chị cũng bắt em bó rau cùng chị. Bó rau xong lại mang ra giếng vườn nhúng nước. Lạnh thấu xương, hai bàn tay trắng bệch ra vì nhúng nước từ chiều hôm đến khuya chị cũng chẳng cho em nghỉ.
Chị dỗ dành em: “Gắng làm đi, mai mốt chị mua cho đôi dép mới mà đi Tết”. Em ngúng nguẩy quẳng bó rau xuống sàn nhà: “Chị nói rứa mà nghe được. Tháng trước chị hứa răng mà chừ lại nói rứa?. Làm cực ra ri, phải có áo mới và giày”.
Chị bảo: “Bữa trước chị quên vì tháng ni chị mua thuốc bắc cho thầy mẹ uống tốn nhiều tiền. Mà mua cho mi hết thì lấy tiền mô đưa thầy mẹ sắm Tết cúng ông bà”... Những ngày áp Tết, chị càng tất bật hơn, chị đạp xe lên huyện mua tranh Đông Hồ và câu đối Tết để về bán lại.
Có những cái Tết ế hàng, chị mang tranh về nhà treo đầy vách. Mẹ mắng: “Ngu chi ngu rứa. Tranh ni có ăn được không?”. Chị nói nhỏ với các em: “Mẹ nói kệ mẹ. Năm ngoái chị lời những mười lăm đồng tiền tranh.
Năm ni không có mấy gánh rau của chị là cả nhà treo niêu dịp Tết. Tụi em đừng làm rách tranh. Qua Tết chị sẽ gỡ xuống, cuộn cất vào túi bóng, Tết sau chị lại mang ra chợ bán.
Tết nay chị lời 20 ngàn tiền rau, nhưng chỉ lỗ 2 ngàn tiền tranh thôi”. Các em động viên chị: “Nhưng mình lại có tranh treo Tết đẹp nhà”. Chị bảo: “Đẹp cái con khỉ. Càng nhìn tranh Tết chị càng đau. Chị tính mua chiếc khăn quàng cổ mà lỗ vốn đành chịu thua”... Rồi chị đi học xa nhà...
Tết về thế nào chị cũng dành những đồng học bổng nhỏ mọn để mua cho thầy mẹ vài hộp thuốc bổ với mỗi đứa em một manh áo mới. Bao nhiêu năm vật đổi sao dời, chị vẫn là chị tảo tần, vẫn rau chè bán buôn ngoài chợ để nghèo vẫn hoàn nghèo...
Tôi tha hương, sống ở thị thành, làm ăn khá giả, lâu lâu có chút tiền gửi chị để mua chút thảnh thơi từ sâu thẳm đáy lòng. Tết về, nhớ dáng cha quanh năm lầm lũi. Cha thường dùng chiếc áo vải màu xanh sờn vai nhưng vẫn còn đẹp nhất trong đống áo cũ rích để mặc Tết.
Cha bảo: “Nhìn tụi nhỏ tung tăng áo mới là sướng lắm rồi”. Có năm đến ngày 29 tháng Chạp rồi mà cha mẹ vẫn chưa lo được cho các con đồ mới. Cha trầm tư bên ngọn đèn dầu, nói với mẹ: “Mẹ mi tính răng?”.
Mẹ thở dài: “Tính răng chừ! Thôi mai cha cho mẹ bán mấy cân lạc giống mua đồ cho tụi nhỏ. Ra năm thiếu giống thì vay tiền chú Hận mà mua”. Chú Hận là em ruột của cha.
Nghèo khó nên chú chẳng vợ con gì, ai kêu việc gì làm việc nấy. Tết chú đi gánh nước, bổ củi thuê, gói bánh chưng, bánh tét thuê. Được đồng nào là chú mua rượu uống hết.
Chú Hận hiền, dù uống nhiều nhưng say là chú tìm chỗ nằm chứ không la hét, chửi bới lung tung như nhiều kẻ say rượu thời nay. Mùa đông, chú Hận chui vào ổ rơm nằm, mùa hè, chú lại nằm ở gốc tre ngoài bờ ruộng.
Tết dân làng nhiều việc nên chú Hận làm thuê cũng thêm được tí tiền. Dư chút tiền, hoặc là chú gửi mẹ hoặc cho cô Đông. Cô Đông là em gái của bố, sinh sau chú Hận. Chưa kịp lớn thì cô Đông đã về nhà chồng.
Vợ chồng cô Đông nghèo lại đông con nên quanh năm cơ cực. Mỗi năm bốn mùa, cô Đông chỉ mặc thay đổi mỗi hai bộ áo quần lụa sa tanh cũ kỹ, nhàu nát xin được của người thành phố.
Mùa hè cô búi tóc lên cao, mùa đông cô để xõa tóc, ra đường hay đi làm đồng, cô choàng thêm cái áo trấn thủ đen sì bẩn mốc mà cha tôi đã biếu cô từ hồi cha còn đi lính chống Pháp ở Điện Biên Phủ.
Bán tranh tết.
Nghèo rớt mồng tơi vậy nhưng cô Đông thương tụi tôi vô kể. Hàng năm cứ Tết đến là cô dành cho tụi tôi mỗi đứa một đồng xu mới coong để chơi đáo ăn tiền. Tôi là con út nên được cô Đông cưng nhiều nhất.
Tám đứa con cô Đông có miếng ăn nào là tôi có miếng ăn đó. Còn nhớ, ngày 29 tháng Chạp của một năm xa lắc xa lơ, chợ Tết về qua ngõ cô dúi vào tay tôi hai con tò he rồi dặn: “Chơi xong qua Tết hãy ăn. Mà đừng nói cô Đông cho nhé, mấy đứa em nhà cô nó làm loạn đấy”.
Tôi chưa kịp lớn thì chú Hận đã mất. Chú Hận mất vì bệnh lao phổi ở một bệnh viện xa. Mãi nhiều năm sau cha tôi mới gom tiền để đưa được mộ chú về nghĩa trang của xã.
Còn cô Đông, khi các em con cô đã lớn, đã có việc làm nhưng chưa kịp báo hiếu mẹ thì cô Đông cũng bỏ chúng mà đi. Ngày cô Đông mất, tôi đang học ở Hải Phòng, đời sống quá khốn khó, phương tiện giao thông lại thiếu thốn, đồng thời nhận được tin cô mất muộn mằn nên với cô Đông tôi cũng trở thành thằng cháu bất nghĩa.
Hết năm hai đại học, tôi về quê nghỉ Tết thì gặp cha bệnh nặng. Tết nhất đến nơi, anh trai và hai chị gái đi làm xa không về. Tôi cùng mẹ chăm cha bên giường bệnh...
Rạng sáng ngày 30 tháng Chạp thì cha mất.. Tôi bàng hoàng lay mẹ đang nằm bên dậy... 19 tuổi, tôi chưa hình dung cảnh mất cha trong hoàn cảnh éo le này... Tôi chạy ra sân và khóc rống lên: “Các bác ơi, các chú xóm giềng ơi, cha con chết rồi...”
Mẹ khóc rồi giục tôi: “Con chạy đi báo với các cậu các dì đi...”. Đêm cuối năm, mưa nặng hạt, tôi vừa chạy bộ vừa khóc để đến nhà các cậu các dì tôi cách đó 5 cây số để báo tin cha mất...
Chạy, vấp ngã, đứng dậy, khóc và chạy trên quãng đường đê trơn trượt gần chục cây số. Cuối cùng tôi cũng đến được nhà cậu, dì tôi. Vừa kịp nói với cậu là cha mất rồi, tôi lại ba chân bốn cẳng chạy trở về trong nỗi đau đớn tột cùng... Chiều 30 năm ấy, hàng xóm tiễn cha tôi ra đồng lặng lẽ...
Cuộc tiễn đưa đẫm nước mắt vì hàng xóm ai cũng vội vàng để về lo Tết. Với gia đình tôi đó là cái Tết buồn thảm nhất đi dọc cuộc đời. Bao nhiêu cái Tết đã trôi qua trong hoài niệm, nhưng với chị em tôi cái ngày 30 tháng Chạp ấy vẫn không thôi ám ảnh.
Tết đến, Xuân về hay mỗi lần có dịp về quê thắp nhang cho cha mẹ, ông bà tổ tiên tôi lại quỳ lạy bên mộ người thân và khóc.
Tôi khóc cho cha mẹ, ông bà thì ít, mà khóc cho tôi thì nhiều... Cuộc mưu sinh chốn thị thành cuốn tôi đi mải miết... Chữ tâm, chữ hiếu tôi đã viết không tròn.
Tết về, nỗi nhớ dày thêm!