THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 05:06

Tết ở làng Chăm

Một trong những nghi thức trong đám cưới người Chăm.

1.  Từ lâu đời người Chăm cư trú sinh sống tại các xã đầu nguồn của con sông Hậu, thuộc địa phận các huyện: Tân Phú, An Phú, Châu Phú, Phú Tân và thị xã Tân Châu (An Giang). Tuy sống xen kẽ với người Kinh, nhưng người Chăm chủ yếu tập trung ở 9 làng, với dân số khoảng gần 20.000 người, sống bằng nghề dệt lụa, thổ cẩm truyền thống, buôn bán nhỏ, chài lưới, chăn nuôi và trồng trọt. Những năm gần đây nhờ những chính sách, dự án, mô hình giảm nghèo được triển khai thực hiện hiệu qủa, nên đời sống vật chất, tinh thần tại 9 làng Chăm được nâng cao. Tại huyện An Phú, có trên 70% hộ gia đình người Chăm có mức sống từ trung bình đến khá, giàu.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã và đang làm cho diện mạo ở các làng Chăm ngày càng khởi sắc đi lên. Nhờ đời sống ngày một được nâng cao, nên những năm gần đây người Chăm tổ chức Tết truyền thống Royal Haji và Tết Nguyên đán cũng tưng bừng, náo nhiệt hơn, các Thánh đường được trang hoàng lộng lẫy hơn.

Biểu diễn văn nghệ mừng Tết.

Trong những ngày lễ hội Royal Haji, mọi người từ trẻ tới già, nam cũng như nữ đều mặc những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất của dân tộc mình. Sáng ngày khai lễ khoảng từ 7 giờ chỉ đàn ông con trai từ 15 tuổi trở lên tập trung tại các Thánh đường của làng mình để thực hiện nghi thức hành lễ (phụ nữ và trẻ em hành lễ tại gia). Họ thực hiện bổn phận của tín đồ Hồi giáo với những quy định về giáo lý, giáo luật một cách tôn nghiêm, đầy thành kính. Sau đó, mọi người lần lượt bắt tay nhau và nói lời xin lỗi, xóa bỏ những lỗi lầm hay hiềm khích, nếu có trong năm cũ. Khoảng 10 giờ trưa, kết thúc buổi hành lễ, mỗi nhà đều mang đến Thánh đường một mâm cơm, để tất cả đàn ông con trai cùng ăn một bữa cơm thân mật, chúc mừng năm mới. Bữa cơm với rất nhiều món ẩm thực mang tính truyền thống đặc sắc của đồng bào Chăm, nhưng tuyệt đối không có bia, rượu, hay thức uống có men (theo quy định của đạo Hồi). Những ngày này, mọi người trong các làng Chăm khi ra đường gặp nhau đều nói câu “am má” nghĩa là “xin tha thứ” và người kia cũng đáp lại như vậy. Tất cả đều vui vẻ toát lên tình nhân ái, vị tha, đoàn kết của cộng đồng người Chăm nơi đây.

Theo một giáo cả, trong những ngày Tết truyền thống  Royal Haji, người Chăm còn thực hiện nghi lễ Qur ban, thịt một con vật như bò, dê để làm lễ dâng tế thánh Allah, sau đó được chia đều cho cả cộng đồng người Chăm trong làng cùng thưởng thức. Được biết, những năm gần đây vào dịp lễ Royah Haji các làng Chăm được hỗ trợ hàng trăm con bò để dùng vào nghi lễ Qur ban. Trong dịp này, những người Chăm trong làng làm ăn khá giả, sẽ trích ra một khoản tiền rồi đích thân đi tới những hộ nghèo để chia sẻ, giúp đỡ trực tiếp. Bằng những việc làm nghĩa tình thiết thực ấy, nên cộng đồng người Chăm trong các làng rất gắn bó mật thiết với nhau và gọi lễ hội Royah Haji là “Royah yêu thương” là vậy.

Thiếu nữ Chăm.

2.  Tết Nguyên đán, tuy không phải Tết truyền thống của đồng bào Chăm An Giang, nhưng trong những ngày này, gia đình nào cũng tập trung, náo nức trang hoàng nhà cửa, đường sá trong làng được giăng mắc cờ hoa, đèn màu rực rỡ. Trong mỗi gia đình, các thành viên quây quần bên nhau cùng tham gia làm các loại bánh, các món ẩm thực đặc trưng truyền thống để đón Tết.

Người Chăm An Giang có nhiều loại bánh ngon nổi tiếng như ha pum, pây kgah, cha đoll, pây nung, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là bánh đin pà gòn và ha nàm căn. Bánh đin pà gòn được làm bằng nếp với nước cốt dừa, dồn trong ống tre tươi, rồi đem đốt trên bếp lửa cho đến chín (hơi giống cách làm cơm lam dân tộc vùng Tây Bắc). Khi ăn bánh, ống tre được chẻ ra, cắt thành từng khoanh giống như bánh tét, có vị thơm ngon rất đặc trưng. Bánh ha nàm căn được chế biến từ bột mì, trứng vịt và đường thốt nốt trộn nhuyễn với nhau, sau đó được lăn thành từng chiếc bánh vào một chảo nóng, phết dầu, rắc thêm lớp mè rang trên mỗi chiếc bánh, rồi đậy lại bằng chiếc nắp đất nung, khoảng 5 phút là bánh chín thơm lừng, hấp dẫn. Ngoài các loại bánh truyền thống kể trên họ cũng làm thêm bánh tét, mứt như người Việt để thưởng thức và đãi khách trong những ngày Tết.

Cũng như Tết truyền thống Royah Haji, Tết Nguyên đán trong mâm cỗ của người Chăm bao giờ cũng có những món ngon đặc sản truyền thống như cà ri, cà púa, phú ku hay còn gọi là tung lò mò và cơm nị... Là người theo Hồi giáo kiêng kỵ ăn thịt heo, nên các món ẩm thực truyền thống mang đậm bản sắc độc đáo của đồng bào Chăm chủ yếu được chế biến từ thịt bò và dê. Trong đó có món cà ri xuất phát từ Ấn Độ và cà púa nguồn gốc từ Thái Lan, nhưng được chế biến và cho thêm những thứ gia vị cho đậm đà hơn, hợp khẩu vị hơn. Riêng món tung lò mò hoàn toàn làm bằng thịt bò loại ngon như thịt đùi, bắp được thái nhuyễn bằm chung với mỡ bò, trộn đều với tiêu, tỏi, bột ngọt, đường, cơm nguội cùng với một loại gia vị bí truyền. Sau công đoạn trộn thịt để cho ngấm, sau đó dồn vào ruột bò đã được làm thật sạch, thắt lại từng khúc như lạp xưởng, phơi khoảng 3 nắng đem chiên hoặc nướng để thưởng thức thì ngon tuyệt.

Đám cưới người Chăm trong dịp Tết Nguyên đán. 

3. Trong những ngày Tết Nguyên đán, cũng như trong Tết truyền thống Royah Haji, người Chăm ngoài việc dành thời gian cho những buổi hành lễ, những cuộc thăm hỏi chúc Tết người thân, bạn bè, láng giềng ra, họ rất phấn chấn hào hứng tham gia vào những hoạt động văn hóa, thể thao vui chơi giải trí, ca hát, đua ghe thật tưng bừng sôi động. Bên cạnh những giá trị văn hóa truyền thống trong tính ngưỡng tâm linh được gìn giữ bền vững, đời sống tinh thần của người Chăm nơi đây đã và đang hội nhập cộng đồng ngày một mạnh mẽ, với sự ra đời các đội văn nghệ, bóng đá, bóng chuyền tại tất cả các làng Chăm...

Khoảng trong vòng 10 năm trở lại đây, như đã thành thông lệ và trở thành một nét đẹp văn hóa của các làng Chăm An Giang, đó là mỗi khi Tết đến, xuân về họ lại náo nức rộn ràng với các sự kiện tổ chức đám cưới cho những đôi trẻ. Tết Nguyên đán là dịp những người bà con trong họ hàng thân tộc, và láng giềng trong cộng đồng người Chăm, người Kinh dù đi làm ăn xa cũng hội tụ về làng đông đủ, nên việc tổ chức lễ cưới cho các đôi trẻ là rất thích hợp. Trong đám cưới, ngoài họ hàng thân thích, gia chủ cũng mời hết cả làng, kể cả người Kinh quen biết, bởi họ quan niệm càng đông người tham dự thì gia chủ, nhất là đôi trẻ càng được hưởng nhiều hồng phúc và người tham dự cũng được hưởng phúc phần. Có thể nói,Tết Royah Haji truyền thống và Tết Nguyên đán đối với người Chăm trong thời hội nhập, đổi mới đã thực sự là những ngày lễ hội vừa rực rỡ đận nét sắc màu văn hóa Chăm truyền thống, vùa có sự giao thoa cộng hưởng những tinh hoa văn hóa các dân tộc Việt, Khmer, Hoa trong cộng đồng dân cư trong vùng.

LƯƠNG ĐỊNH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh