CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:46

Tết nào vui bằng Tết đoàn viên

 

Tết đối với mỗi người mang màu sắc và ý nghĩa riêng. Đối với những người lớn tuổi, Tết luôn mang một màu sắc hoài niệm. Với họ, Tết là hình ảnh những cành hoa đào, hoa mai nở rộ khắp phố phường, là hình ảnh người người nhà nhà nô nức đi sắm Tết, cả gia đình cùng nhau gói bánh chưng, làm những món ăn truyền thống mà không Tết nào thiếu: Giò xào, giò lụa, nem…. Và cùng nhau quây quần bên mâm cơm ngày 30 chờ đón khoảnh khắc giao thừa sắp đến.

 

Với nhiều người, Tết đơn giản là được quây quần gói bánh chưng cùng gia đình..

 

Đối với trẻ em, Tết lại mang một sắc màu đầy tươi sáng và vui vẻ. Tết với các em không chỉ là dịp nghỉ lễ, không chỉ là dịp được bố mẹ sắm sửa quần áo mới, không chỉ là những phong bao lì xì đỏ thắm mà còn là dịp các em được đỡ đần bố mẹ làm việc nhà, là dịp các em được đi chúc Tết ông bà, cha mẹ, là dịp anh chị em họ được gặp mặt và vui đùa cùng nhau. Tết là dịp mà mỗi đứa trẻ đều mong chờ.

Thế nhưng, cùng với sự phát triển không ngừng của xã hội, suy nghĩ của giới trẻ về ngày Tết cũng đã khác đi khá nhiều. Sau những ngày tháng làm việc mệt mỏi, ngày Tết với họ là những ngày nghỉ ngơi, làm những việc mình thích, tụ tập bạn bè hay đi du lịch cùng người thân. Tết hiện đại cũng có cái đặc biệt của nó. Ăn tết theo kiểu hiện đại sẽ giảm bớt áp lực cho những người phụ nữ nội trợ, họ sẽ không còn phải bận rộn tất bật với những mâm cơm ngày Tết, không còn phải cắm cúi dọn dẹp để kịp đón năm mới một cách hoàn hảo nhất mà sẽ có thời gian làm đẹp và sắm sửa cho bản thân hơn.

Tuy vậy, dù ăn tết theo cách cổ truyền, hay ăn tết theo cách hiện đại, thì mong ước của tất cả mọi người dù người lớn tuổi, hay những người trẻ tuổi đều chính là được sum họp bên gia đình và cùng nhau nghỉ ngơi, chia sẻ mọi việc.

Câu chuyện sáng Mùng 1 Tết của bác Nguyễn Thế Vinh (Đống Đa, Hà Nội) kể khiến nhiều người suy ngẫm….

Vợ chồng bác Vinh vốn là làm kinh doanh nên có điều kiện cho hai con du học trời Tây. Tốt nghiệp cử nhân rồi tiếp tục học thạc sĩ. Sau khi lấy được bằng tiến sỹ cũng là lúc các con lập gia đình và quyết định không về nước. Dù rất muốn có con ở bên cạnh nhưng đành phải tôn trọng quyết định của chúng. Nặng lòng quê hương, anh em, họ hàng nên hai vợ chồng bác không muốn theo con sang trời Tây sinh sống khi ngôn ngữ bất đồng.

“Bao nhiêu năm nay, cứ chiều 30 Tết, một chiếc xe ô tô màu vàng của bưu điện đỗ xịch trước cửa mời ông bà ra ký và nhận rất nhiều hộp quà to, nhỏ đủ sơn hào, hải vị, quần áo, hoa, quả cùng tấm thiệp: “Chúc bố mẹ đón Tết vui vẻ! Con xin lỗi Tết nay con không về đón Tết cùng gia đình”. Những thùng quà được chuyển vào nhà năm này qua năm khác chất kín cả một phòng trên gác. Chiều 30 Tết, mâm cơm cúng Tất niên chỉ có hai vợ chồng già nhìn nhau. Những thùng quà cũng không ai muốn mở ra… Điều mong muốn nhất của hai ông bà già chính là bữa cơm đoàn viên chiều 30 có đủ con, cháu quây quần”, bác Vinh chia sẻ

Câu chuyện của bác Vinh khiến nhiều người giật mình và muốn sống chậm lại. Với gia đình Việt, “không Tết nào vui bằng Tết đoàn viên…..”

Tết cổ truyền và Tết hiện đại, sự khác biệt về suy nghĩ của hai thế hệ là điều không thể tránh khỏi. Nhưng dường như, khi đã trưởng thành, con người ta cũng dần sống chậm lại, ngắm nhìn bố mẹ, lắng nghe ước mơ và nguyện vọng của bố mẹ và rồi đi tìm một cái tết vui vẻ và trọn vẹn nhất dành cho họ.

MINH TRANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh