Về quê ăn Tết
- Y học 360
- 22:45 - 17/02/2018
“Cày” cả năm tiết kiệm tiền mua vé về quê ăn Tết
“Trong khi nhà nhà, người người sum vầy đêm giao thừa thì gia đình mình lủi thủi ở thành phố. Biết làm thế sẽ tiết kiệm được cả chục triệu đồng nhưng tủi thân vô cùng, và người thân ở quê cũng ngóng trông. Tôi bằng lòng cày cả năm tiết kiệm tiền về quê ăn Tết”, là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, quê Hà Tĩnh, hiện đang làm việc tại TP Hồ Chí Minh và cũng chính là tâm sự của những người con xa quê mỗi dịp Tết đến, Xuân về…
Đã 15 năm sống xa quê cả nghìn cây số nhưng 14 năm chị Thủy về quê ăn Tết cùng gia đình. Điều đáng nói, chị Thủy không phải là người khá giả. Hai vợ chồng chị làm công nhân của nhà máy chuyên may mặc đóng tại TP Hồ Chí Minh với tổng thu nhập khoảng 10 triệu đồng/ tháng, nuôi 4 miệng ăn. “Đi làm ăn xa, nên mỗi năm gia đình chỉ về quê được một lần. Mỗi lần về là tiêu mất khoản tiền tiết kiệm cả năm của hai vợ chồng nhưng cứ ở lại thành phố ăn Tết một năm mới ngấm: Tết đến không ở đâu bằng về nhà. Dù là đi xem pháo hoa đêm giao thừa, đưa con đi lễ hội, giải trí những ngày nghỉ Tết… cũng không thể lấp đầy khoảng trống nhớ nhà, nhớ quê đến nao lòng”, chị Thủy chia sẻ.
Chen chân mua vé để được về quê ăn Tết.
Nếu về dịp hè, đúng là các bạn sẽ tiết kiệm được khoản tiền kha khá, bố mẹ cũng vui vì được gặp con cháu. Nhưng cái cảm giác đêm giao thừa nó rất khác biệt. Nhà nhà con cháu quây quần, xem ti vi, nghe bản nhạc chúc Tết, cùng nâng chén rượu mừng, ông bà con cháu lì xì mừng tuổi nhau, cùng ăn miếng xôi, miếng bánh. Cái cảm giác sáng mùng Một thức dậy muộn, hưởng không khí se se lạnh, cả nhà phấn khởi ăn bữa cơm đầu năm rồi cùng nhau đi chúc Tết họ hàng. Mùng Hai có thể đi gặp bạn bè chiến hữu, hàn huyên chuyện thời cắp sách đến trường, rồi đi thăm thầy cô giáo... Mùng Ba anh em lại được ở bên gia đình, làm mâm cơm để hóa vàng rồi cả nhà du xuân đi lễ chùa...
Những chia sẻ của chị Thủy cũng là nỗi lòng của rất nhiều người xa quê đi làm ăn. Đó là lý do vì sao Tết đến, họ cố săn bằng được chiếc vé để lên tàu, xe về quê ăn Tết, thậm chí chấp nhận mua vé chợ đen cao gấp đôi bình thường chỉ hy vọng được về ăn bữa cơm đoàn viên. Chị Thủy cho biết: “Tôi bằng lòng cày cuốc kiếm tiền, tiết kiệm để được về nhà thăm bố mẹ dịp Tết. Bởi đến một ngày nào đó, có muốn cũng không thể đón Tết cùng bố mẹ. Với tôi, không Tết nào vui bằng tất cả thành viên trong gia đình quây quần bên nhau”.
Rể quê sợ rượu Tết quê…
Về quê ăn Tết cũng có những thú vui riêng, nhưng với một số dâu, rể là người thành phố, việc về quê chồng hay quê vợ ăn Tết cũng ngang với “tra tấn”… Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng anh Đặng Đình Thông lại là người sống khá khép kín và rất ít khi tham gia những cuộc hẹn bù khú rượu bia cùng bạn bè. Từ khi kết hôn với một sơn nữ quê miền núi phía Bắc, mỗi lần về quê vợ là nỗi ám ảnh của anh Thông.
Được gói bánh chưng cùng gia đình là miền vui ngày Tết.
Người ở quê rất mến khách, nhất là khách thành phố về, có món gì ngon, có bình rượu nào cũng mang ra mời. Lần nào có con rể về thăm, bố mẹ vợ bao giờ cũng mổ lợn, chí ít cũng mua cỗ lòng mời họ hàng, làng xóm đến ăn uống. Theo lệ gia, anh Thông phải mời hết một lượt khách mỗi người một chén, sau đó các vị khách đáp từ mỗi người chí ít cũng 1 chén để tỏ lòng hiếu khách. Đặc biệt, dịp Tết, ngày ba bữa cơm đều có rượu. Chối không được mà uống vào lại "chết lâm sàng”, cứ thế triền miên mấy ngày Tết.
“Mấy ngày về quê vợ ăn Tết không bữa cơm nào tôi thoát cảnh phải uống rượu. Người miền núi, dù không phải đúng bữa cơm nhưng đi thăm họ hàng, đến nhà nào cũng lôi rượu ra mời, khách đến nhà mình chơi cũng phải uống. Không uống thì bị cho là phụ lòng yêu quý của nhà vợ, mà uống thì đúng là không biết bỏ mạng ngày nào. Về quê vợ ăn Tết trở thành nỗi ám ảnh của tôi nhưng không thể không về, mà về thì không thể không uống”, anh Thông cho biết.
Rể thành phố lo sợ về Tết quê ngập trong những ngày say bí tỉ của rượu, thì không ít dâu thành phố lo sợ 3 ngày Tết ở quê chồng hết nấu cỗ rồi lại dọn bát đãi khách suốt cả ngày.
Còn dâu quê sợ cỗ Tết quê
Cách Hà Nội chưa đầy 100km nhưng phong tục ăn Tết ở quê chồng của chị Lê Phương Ngọc hoàn toàn khác với gia đình chị. Ở nhà chồng vẫn giữ quan niệm làm ăn quanh năm cốt để dành ngày Tết. Có cái ngon, quý, đẹp cũng để dành ngày Tết mới đưa ra dùng. Bố chồng khoe, bạn bố từ Đắk Lắk ra chơi biếu mấy cân cà phê nguyên chất nên bố cất, Tết các con về đông đủ mang ra pha. Còn mẹ chồng khoe, cô út mua cho chiếc áo khoác mới từ đầu mùa đông nhưng mẹ để dành đến Tết mới mặc.
Còn riêng chuyện cỗ bàn ngày Tết thì Ngọc chưa thấy đâu cầu kỳ như quê chồng chị. Suốt từ ngày ba mươi đến hết mùng Ba, mỗi ngày làm cơm thắp hương 4 bữa, bao gồm 2 bữa mặn và 2 bữa ngọt. Mỗi lần thắp hương phải làm đủ 3 mâm và mỗi mâm phải có 7 món. Riêng 2 bữa ngọt thường làm các loại bánh. Ngọc cho biết, cứ 29 Tết bố chồng chị mổ một con lợn khoảng 50 - 70kg lấy thịt gói 2 nồi bánh chưng. Số còn lại chia ra chế biến đủ món để làm cỗ 3 ngày Tết.
Sáng sớm, Ngọc dậy phụ mẹ chồng làm 3 mâm bánh ngọt rồi chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà. Dọn dẹp xong lại lo làm 3 mâm cỗ mặn để thắp hương. Hầu như trưa nào nhà cũng có khách ăn uống đến tận chiều. Ngọc dọn dẹp xong cũng là lúc chuẩn bị nấu 3 mâm cỗ mặn. Trước 10 giờ đêm, hai mẹ con phải chuẩn bị 3 mâm cỗ ngọt để bố kịp cúng các cụ.
“Tết là dịp nghỉ ngơi, người người quây quần bên nhau nhưng vì phải làm cỗ để cúng, đãi khách, rồi dọn dẹp,… nên những phụ nữ ở quê chồng tôi tất bật từ sáng sớm đến tận đêm khuya. Mấy năm đầu về quê chồng ăn Tết tôi bị stress nặng, thậm chí gần đến Tết vợ chồng cãi nhau vì tôi sợ 3 ngày Tết ở quê. Tôi muốn ở lại Hà Nội ăn Tết, để được nghỉ ngơi, được vui chơi. Nhưng chồng giải thích, rồi nhìn mẹ chồng bao nhiêu năm nay vẫn cần mẫn làm mà không một lời ca thán. Những phụ nữ ở quê chồng tôi coi việc bếp núc ngày Tết là hạnh phúc, nên dần mình cũng phải thích nghi và vào nếp…”, chị Ngọc chia sẻ.
Cùng chung cảnh ngộ gái thành phố về quê ăn Tết, chị Nguyễn Mai Trang (Hà Nội) cứ đến gần Tết lại lo. Chị Mai Trang là con một nên mọi việc trong nhà đều được mẹ làm hộ. Chồng của Mai Trang làm cùng cơ quan nhưng là trai tỉnh về thành phố làm việc. Vì thế, sau đám cưới, Mai Trang thuyết phục chồng ở cùng bố mẹ, mọi việc nhà không phải đụng tay vào. Hàng ngày, Mai Trang được chồng chiều, bố mẹ chăm nên Tết đầu tiên về quê chồng, Mai Trang sốc toàn tập.
29 Tết, vừa sắp xếp xong công việc, hai vợ chồng Mai Trang khăn gói về nhà nội. Về đến nhà, cất xong đồ đạc, việc đầu tiên Mai Trang không thể không làm là dọn dẹp phòng ngủ, giặt giũ chăn màn, việc mà từ trước đến nay cô chưa từng phải động tay. Dù rất mệt nhưng lại vội vàng nấu bữa tối rồi tiếp tục công việc dọn nhà, rửa bát, lau chùi nhà cửa... Đến khi lên giường cũng đã hơn 11 giờ đêm. Khi trời còn tối, mặt người chưa nhìn rõ, mẹ chồng cô đã gọi dậy chuẩn bị bữa sáng để kịp đi chợ Tết sắm đồ.
Nhưng sự vất vả của Mai Trang mới chỉ là bắt đầu. Nhà chồng cô có tục lệ, bắt đầu từ chiều 30 là làm mâm cúng. Cứ thế, ngày Ba mươi phải sửa soạn 2 mâm, ngày mùng Một 3 mâm, mùng Hai 2 mâm nữa. Mà mỗi mâm cỗ lại là món mới chứ không được dùng đồ cũ. Thế là 3 ngày Tết trong lúc bạn bè khoe ảnh đi chơi nhà nọ nhà kia thì Mai Trang cắm mặt vào bếp và chậu rửa bát.
Mang tiếng là về nghỉ Tết nhưng Mai Trang chẳng thấy nghỉ đâu, chỉ thấy nặng nề hơn cả ngày thường, đến mức mà giờ thấy mâm cao cỗ đầy là cô ám ảnh, nhưng vì chồng, cô không dám kêu ca nửa lời...