Tết đong đầy, sum vầy nhân ái đến với người lao động
- Bài thuốc hay
- 18:40 - 30/01/2021
Quan tâm những công nhân lao động "bám xưởng sản xuất" trong dịp Tết
Đó là những lưu ý, đề nghị của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trong chuyến thăm hỏi, tặng quà cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại Nhà máy Sữa Việt Nam (thuộc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam, Công ty Vinamilk – Khu công nghiệp Mỹ Phước 2, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương) vừa qua.
Ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cho biết, dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng hầu hết các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều thưởng Tết cho công nhân lao động đầy đủ tùy theo vị trí, công việc và mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Các đơn vị, doanh nghiệp còn hỗ trợ tiền tàu xe, tổ chức những chuyến xe nghĩa tình cho công nhân lao động về quê đón Tết.
Chính quyền cùng tổ chức Công đoàn tại Bình Dương tặng hơn 13.000 phần quà cho công nhân lao động và hơn 4.000 phần quà cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có hộ khẩu ở Bình Dương, mỗi phần quà trị giá 500.000 đồng. LĐLĐ tỉnh Bình Dương tổ chức "Chuyến xe Xuân nghĩa tình" cho hơn 4.000 đoàn viên, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết Tân Sửu 2021; tổ chức Chương trình "Tết sum vầy" với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tặng quà, trao quỹ hỗ trợ cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Theo ông Cường, tính đến 19/1/2021, đã có 2.409 doanh nghiệp báo cáo tình hình thưởng Tết, trong đó, mới có 1.668 doanh nghiệp có kế hoạch thưởng Tết, còn lại 741 doanh nghiệp chưa có kế hoạch thưởng Tết cho người lao động. Mức thưởng Tết cao nhất là 479 triệu đồng dành cho người quản lý của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; đối với công nhân lao động, mức thưởng bình quân khoảng 7,73 triệu đồng, mức thưởng thấp nhất là 4,42 triệu đồng; ngoài ra, một số doanh nghiệp còn thưởng thêm 1 phần quà cho người lao động.
Qua trao đổi với Công đoàn cơ sở của các doanh nghiệp cho thấy, năm 2020, mặc dù nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng đa số các doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì mức thưởng Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 cho người lao động làm từ đủ năm trở lên bằng 1 tháng lương cơ bản nhằm giữ chân người lao động quay trở lại làm việc sau Tết.
Theo chị Tuyến, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy công ty không để xảy ra tình trạng dừng hoạt động, nhưng do đơn hàng giảm, giờ làm cũng giảm kéo theo thu nhập bị tụt mất từ 10% – 15%. "Tết đang đến rất gần mà lại không có khoản dư nào, nên em chỉ chờ vào tiền thưởng cuối năm. Nghe thông báo sơ bộ là mỗi người được thưởng một tháng lương. Nếu không có thưởng Tết, không biết lấy gì về quê thăm con cái, ba mẹ".
Anh Nguyễn Trọng Thái (27 tuổi, quê Cà Mau), làm công nhân dệt nhuộm ở Công ty Hoàng Khải (Khu công nghiệp Vship – Bình Dương). Do mồ côi ba mẹ nên cuộc sống hạn hẹp, anh phải làm tăng ca thường xuyên trong công ty, bình quân mỗi ca anh phải làm tới 12 giờ đồng hồ. Anh Thái cho hay công ty của anh đã thông báo mức thưởng Tết chi tiết, công khai tới mọi người. Theo đó, mức thưởng là bằng tháng lương cuối cùng của năm 2020, tức là nếu ai đi làm đầy đủ, có tăng ca thì thưởng Tết cao. Bằng ngược lại ai nghỉ phép, thiếu ngày công lao động thì thưởng thấp. Với anh Thái, mức thưởng Tết sẽ được 6 triệu đồng. Số tiền này anh dùng để mua sắm Tết cho vợ con, vì Tết anh không về quê.
Trường hợp như anh Nguyễn Trọng Thái là khá may mắn, vì có thu nhập tương đối ổn định trong mùa dịch. Tuy nhiên, nhiều công nhân làm việc tại TP.HCM khá chật vật vì thiếu việc làm, doanh nghiệp đóng cửa, mất thu nhập. Vợ chồng chị Trần Kim Tuyến (34 tuổi, quê Quảng Nam) đều làm công nhân ở Khu chế xuất Linh Trung (TP Thủ Đức), cho biết, do hoàn cảnh gia đình nên đã gửi 2 con nhỏ đi học ở quê với ông bà. Hai vợ chồng làm công nhân cũng hơn 10 năm, nếu tích cực tăng ca thì thu nhập cả hai vợ chồng khoảng 15 triệu đồng mỗi tháng. Sau khi gửi tiền về nuôi 2 con nhỏ ở quê, phải tiết kiệm hết mức, mới đủ chi trả tiền nhà trọ và tiền sinh hoạt hàng tháng.
Không bỏ ai lại phía sau
Theo ghi nhận của phóng viên, TP. HCM hiện có khoảng 2,2 triệu công nhân (CN), người lao động (NLĐ) đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ sở sản xuất, trong đó có khoảng 70% số CN, NLĐ là người ở các tỉnh nên cuộc sống của nhiều người vốn đã khó khăn, nay càng khó khăn hơn khi đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.
Trước thực trạng này, Tết Tân Sửu 2021, các tổ chức công đoàn, ban ngành, đơn vị đã tập trung chăm lo cho các đối tượng nói trên. Trung tâm Hỗ trợ thanh niên, công nhân TP. HCM năm nay dự kiến tặng 2.000 vé xe và 2.000 phần quà cho CN. Đối tượng chăm lo của chương trình là đoàn viên, CN khó khăn, ưu tiên CN bị khuyết tật, CN là người dân các tỉnh miền Trung bị bão lũ trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, Liên đoàn Lao động TP. HCM phối hợp với Công ty CP Đường sắt Sài Gòn tổ chức các "Chuyến tàu mùa Xuân" miễn phí đưa 500 gia đình đoàn viên có vợ hoặc chồng được chủ doanh nghiệp (DN) đánh giá hoàn thành tốt công việc và làm việc từ hai năm trở lên và hai năm liền không về quê đón Tết. Các cấp chính quyền TP cũng phối hợp với tổ chức công đoàn, chủ nhà trọ, ban quản lý các khu lưu trú có đông CN, NLĐ sẽ tổ chức các chương trình văn nghệ, hội thi gói bánh chưng, bánh tét, trang trí mâm ngũ quả…
Theo ông Kiều Ngọc Vũ, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. HCM, công đoàn phối hợp với cơ quan chức năng sẽ giám sát tình hình trả lương, thưởng Tết và công khai ngày nghỉ Tết để NLĐ yên tâm. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch nên công đoàn cũng mở rộng đối tượng chăm lo Tết.
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. HCM nhấn mạnh, càng khó khăn, chính quyền TP càng thể hiện trách nhiệm trong chăm sóc, đảm bảo chất lượng cuộc sống người dân, đảm bảo ai cũng có Tết an vui, ấm áp, không ai bị bỏ lại phía sau.
Tổng số đối tượng được chăm lo trên địa bàn TP dự kiến khoảng 500.000 người với tổng kinh phí khoảng 813 tỷ đồng, tăng khoảng 6.000 người và 9 tỷ đồng so với Tết 2020.
Tại Bình Dương, dịp Tết năm nay dự kiến có khoảng 250.000 lao động ở lại không về quê, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị tỉnh Bình Dương với tinh thần tương thân, tương ái sẽ chăm lo, chia sẻ những điều kiện tốt nhất cho công nhân lao động; dành sự động viên và món quà đối với những công nhân bám xưởng sản xuất trong dịp Tết. Bên cạnh đó, tỉnh cũng thăm hỏi những công nhân lao động không có điều kiện về quê, ở lại các khu trọ ăn Tết.