CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:13

Thứ trưởng Lê Văn Thanh: “Đồng Nai nên tập trung phát triển thị trường lao động và đào tạo nghề"

Ngày 28/1, Đoàn công tác của Bộ lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) do Thứ trưởng Lê Văn Thanh làm trưởng đoàn đã đến thăm, làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai về công tác lao động, việc làm và quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh.

Trao tặng 4.000 phần quà Tết cho người lao động

Báo cáo với Thứ trưởng và đoàn công tác của Bộ, bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai cho biết, tính đến cuối năm 2020, tổng số lao động làm việc tại các tổ chức, doanh nghiệp hơn 12.000.000 người, trong đó có 9.048 lao động là người nước ngoài. Số lao động người nước ngoài được tỉnh cấp giấy phép lao động là 8.324 người; số không thuộc diện cấp giấy phép lao động có 487 người; 237 người đang làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép lao động.

Theo bà Hiền, tiền lương bình quân của người lao động trên địa bàn tỉnh hiện nay gần 8.800.000 đồng/người/tháng.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh: “Đồng Nai nên tập trung phát triển thị trường lao động và đào tạo nghề" - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai báo cáo với Thứ trưởng và đoàn công tác.

Năm nay, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng các doanh nghiệp trên địa bàn vẫn cố gắng thưởng Tết cho người lao động. Cụ thể, mức tiền thưởng Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 trung bình gần 7.600.000 đồng; mức thưởng cao nhất là 600.000.000 đồng; thấp nhất là 100.000 đồng.

Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, với phương châm "Mọi người lao động đều có Tết", Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ trao tặng 4.000 phần quà và 1.500 vé xe cho đoàn viên, người lao động.

Kịp thời giải quyết các vụ đình công

Theo bà Hiền, trong năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 21 vụ tranh chấp lao động tập thể dẫn đến đình công tại 21 doanh nghiệp, với sự tham gia của hơn 4.500 lao động. "Nguyên nhân xảy ra các cuộc đình công hầu hết do ảnh hưởng của dịch Covid-19", bà Hiền nhận định.

Từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn xảy ra 4 vụ tranh chấp lao động dẫn đến đình công ở 4 doanh nghiệp. Nguyên nhân chủ yếu do doanh nghiệp chậm thông báo kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nợ tiền lương, nợ BHXH.

Trước tình hình trên, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai đã kịp thời phối hợp với Liên đoàn Lao động, Ban Quản lý các Khu công nghiệp... thực hiện thương lượng, thỏa thuận giữa các bên về quan hệ lao động.

Nên tập trung phát triển thị trường và đào tạo nghề

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá cao những kết quả đạt được của UBND tỉnh Đồng Nai trong năm 2020.

Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị tỉnh Đồng Nai nên tập trung đẩy mạnh phát triển thị trường lao động đồng bộ, bên cạnh đó chú trọng đào tạo nghề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Thứ trưởng mong muốn tỉnh Đồng Nai quan tâm hỗ trợ nhà ở kịp thời cho người lao động, tạo môi trường sống ổn định để người lao động yên tâm làm việc lâu dài.

"Ngành LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai phải có nhiều biện pháp để nắm được tình hình tiền lương, tiền thưởng Tết cho người lao động ở các doanh nghiệp chi tiết hơn; đồng thời cần đẩy mạnh việc kết nối giữa người lao động và người sử dụng lao động", Thứ trưởng yêu cầu.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh: “Đồng Nai nên tập trung phát triển thị trường lao động và đào tạo nghề" - Ảnh 2.

Một góc bên trong nhà máy sản xuất của Công ty Ajinomoto Việt Nam.

Cùng ngày, Thứ trưởng và đoàn công tác của Bộ đã đến thăm, làm việc với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai; Ban Quản lý các khu Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai; Công ty Ajinomoto Việt Nam (AVN) và Công ty CP Taekwang Vina.

Ông Keiji Kaneko - Tổng Giám đốc AVN cho biết, thời gian qua Công ty luôn đảm bảo quyền lợi liên quan đến bảo hiểm cho người lao động, luôn triển khai nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động.

Đặc biệt trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, để bảo vệ sức khoẻ và quyền lợi của người lao động, Công ty luôn cung cấp dịch rửa tay, khẩu trang, tăng cường đo thân nhiệt những người ra vào công ty.

Bên cạnh đó, mỗi dịp lễ, Tết, Công ty luôn tặng quà cho tất cả người lao động. Mỗi năm đều tổ chức khám sức khoẻ và tổ chức cho người lao động đi nghỉ dưỡng…

Tiếp Thứ trưởng và đoàn công tác, ông Phạm Văn Cường - Phó Ban Quản lý các khu Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai thông tin, toàn tỉnh Đồng Nai có 32 khu công nghiệp. Tổng số lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp là 609.141 người (601.907 lao động Việt Nam; 7.234 lao động là người nước ngoài).

Cũng theo ông Cường, mức thu nhập bình quân của người lao động trong các khu công nghiệp gần 8.800.000 đồng/tháng/người...

Tại Công ty CP Taekwang Vina, Đại diện Công ty cho biết, hiện công ty đang duy trì được lực lượng lao động đáp ứng nhu cầu sản xuất. Trong năm 2021, Công ty dự kiến sẽ tuyển mới nhiều lao động dựa trên các tính toán nhân sự hợp lý theo nhu cầu sản xuất.

Để thu hút nguồn nhân lực Công ty luôn có nhiều ưu đãi chăm sóc tốt cho người lao động, tạo việc làm cho người lao động và có mức lương đáp ứng nhu cầu của công nhân.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh: “Đồng Nai nên tập trung phát triển thị trường lao động và đào tạo nghề" - Ảnh 4.

Đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH làm việc với Ban Quản lý các khu Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh ghi nhận và biểu dương về mức lương và thưởng Tết mà công ty trả cho người lao động, cũng như các ưu đãi cho người lao động. Đặc biệt trong mùa dịch Covid-19, nhiều công nhân phải nghỉ việc nhưng phía công ty vẫn chi trả lương hàng tháng đầy đủ.

Ông Huỳnh Ngọc Long - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai cho biết, trong năm 2020 Trung tâm đã tư vấn việc làm cho 75.429 lượt lao động. Cung cấp 42.234 lượt vị trí việc làm trống cho cán bộ tư vấn đối tượng BHTN và cán bộ tư vấn việc làm.


Đặc biệt, Trung tâm đã giới thiệu việc làm cho 2 người khuyết tật vào làm việc tại các công ty, tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho 354 lượt học viên tại các Cơ sở điều trị nghiện ma túy của tỉnh Đồng Nai.


Tuy nhiên theo ông Long, thời gian qua công tác đào tạo nghề còn gặp khó khăn trong công tác giảng dạy và tuyển sinh. Một số doanh nghiệp còn nợ chậm đóng và nợ BHXH, BHTN ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.


Bên cạnh đó, hệ thống công nghệ thông tin của Trung tâm chưa đồng bộ nên việc dự báo thị trường lao động còn hạn chế, sự kết nối giữa người lao động và doanh nghiệp còn khó khăn.


Từ những khó khăn trên, Trung tâm kiến nghị Sở LĐ-TB&XH quan tâm, hỗ trợ kinh phí để có điều kiện hoạt động hiệu quả sàn GDVL...


Cục Việc làm sớm triển khai truy xuất dữ liệu với cơ quan BHXH và các Trung tâm DVVL cả nước để thực hiện tốt hơn cônng tác giải quyết chính sách BHTN.




XUÂN TRƯỜNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh