THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:32

Quảng Nam: Cộng đồng cùng tham gia công tác cai nghiện ma túy.

.

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển về kinh tế xã hội, đời sống của nhân dân từng bước được nâng cao, nhưng cũng theo đó là sự nảy sinh nhiều vấn đề về tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn ma tuý. Có thể nói tình hình tệ nạn ma túy và người nghiện ma tuý trên địa bàn tỉnh Quảng Nam diễn biến ngày càng phức tạp, gia tăng cả về số vụ, số đối tượng; phương thức thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Tính đến tháng 5/2015 trên địa bàn tỉnh, có 132/244 xã, phường, thị trấn, với khoảng 853 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó 9 đối tượng đang cai nghiện tại Trung tâm giáo dục - Lao động xã hội, 733 người nghiện ngoài cộng đồng (có khoảng 300 đối tượng đang cai nghiện tại gia đìnhcộng đồng), 111 người nghiện trong nhà tạm giữ trên toàn tỉnh) tập trung ở thành phố Tam Kỳ, Quế Sơn, Tiên Phước,... Thành phần người nghiện rất đa dạng, ở khắp các địa bàn thành thị, nông thôn.  

  Trong những năm qua, thực hiện chỉ đạo của cấp trên Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam đã có chương trình, kế hoạch hướng dẫn công tác cai và quản lý sau cai, tổ chức các hội nghị tập huấn về tác hại của ma túy đối với con người, kỹ năng tư vấn đối với người nghiện, nâng cao năng lực và hiệu quả công tác cai và quản lý sau cai nghiện ma túy v.v... để địa phương, đơn vị thực hiện; tạo sự chuyển biến về nhận thức, vai trò và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể xã hội và mỗi cá nhân, gia đình người nghiện. Trên cơ sở văn bản của Trung ương, tỉnh, Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố đến cán bộ Lao động- Thương binh và Xã hội các xã, phường, thị trấn phối hợp với các ngành liên quan cùng cấp đã tham mưu UBND các cấp ban hành các đề án, chương trình, kế hoạch về tổ chức công tác cai và quản lý sau cai nghiện ma túy. Bên cạnh đó, còn phối hợp với tổ chức Mặt trận, đoàn thể các cấp gắn công tác cai và quản lý sau cai nghiện với Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

  Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh với hơn 2.500.000 lượt người tham gia. Đặc biệt trong năm 2013, Sở Lao động - thương binh và Xã hội đã phối hợp với Sở Y tế và Công an tỉnh tổ chức thành công Hội thi “Tuyên truyền pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm và mua bán người năm 2013”, Hội thi đã thu hút sự tham gia của 17 huyện, thành phố với hơn 200 diễn viên không chuyên; Qua đó, Hội thi đã chuyển tải đến người xem nhiều kiến thức, kỹ năng trong công tác phòng, chống ma túy thông qua các phần thi: tìm hiểu pháp luật, sân khấu hóa và thuyết trình theo từng chủ đề.

                                              Lớp tập huấn cho người nghiện và gia đình tại xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước. Ảnh: Giang Sơn

 Việc xây dựng và nhân rộng các  mô hình cai nghiện, quản lý sau cai tại gia đình và cộng đồng  là một trong những phương pháp hiệu quả đã được nhiều địa phương quan tâm đầu tư, điển hình như:  Mô hình “Hỗ trợ cai nghiện ma tuý tại gia đình” của xã Đại Quang, huyện Đại Lộc; Mô hình cai nghiện tại cộng đồng (mô hình 1+5) ở xã Tiên Thọ. Mô hình “Đội Thanh niên xung kích phòng, chống ma tuý, mại dâm”  phường An Sơn; mô hình “Toàn dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm và cảm hoá, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại các gia đình và cộng đồng dân cư”; mô hình “Tổ phụ nữ không có hội viên, chồng con nghiện ma tuý, mại dâm, vi phạm pháp luật” tiếp tục được Hội Liên hiệp phụ nữ xã phường của thành phố Tam Kỳ phát động và duy trì thu hút chị em phụ nữ tham dự...

 Từ đó,  nhiều người cai nghiện với sự hỗ trợ của chính quyền các ngành và các tổ chức, đoàn thể xã hội ở địa phương đặc biệt là ý chí và quyết tâm cao đã cai nghiện thành công và trở thành công dân có ích cho xã hội, tiêu biểu như trường hợp anh Võ Văn Sen với quyết tâm cao, anh đã tự cai nghiện ma tuý thành công, hiện nay là Công an viên xã Tiên Thọ, là chủ của một tiệm sửa xe máy ở xã Tiên Thọ; anh Phan Văn Kha ở thôn 3, xã Tiên An, Tiên Phước đã cai nghiện thành công, hiện nay anh đang chăm sóc 5ha cây keo sắp tới mùa thu hoạch; anh Nguyễn Văn Cường ở xã Đại Quang, huyện Đại Lộc cai nghiện thành công, hiện đã trở thành chủ trang trại trên mảnh đất với diện tích 3ha; anh Đoàn Ngọc Hải sau cai nghiện thành công được Đảng, chính quyền địa phương tin tưởng giao làm thôn đội trưởng thôn Mỹ An; anh Nguyễn Quang Phước ở phường Cẩm Châu đã cai nghiện thành công và làm thợ sửa xe máy; anh Đặng Bé ở phường Cẩm Phô đã cai thành công và tham gia Đội dân phòng tại Khối phố 4 và làm nghề sửa xe v.v... 

 Ông Huỳnh Thanh, Chi Cục trưởng Chi cục Phòng, chống TNXH tỉnh Quảng Nam cho biết: Công tác cai nghiện ma túy là một công việc cực kỳ khó khăn, nan giải. Muốn đưa lại những kết quả tốt hơn nữa, bền vững hơn nữa cần phải tăng cương thêm cơ sở vật chất trang thiết bị hỗ trợ cai nghiện; Tăng cường đội ngũ y, bác sỹ, đội ngũ chuyên môn có trình độ, tâm huyết và đặc biệt là phải có sự chung tay đầy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và công đồng xã hội trong công tác ngăn ngừa và cai nghiện ma túy.


Giang Sơn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh