Tây Nguyên: Người dân nộp nhiều loại vũ khí cho công an
- Pháp luật
- 14:25 - 27/05/2018
Công an tỉnh Gia Lai tiếp nhận 2 khẩu súng người dân giao nộp
Ngày 26/5/2018, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Gia Lai cho biết đã tiếp nhận một khẩu súng ngắn K54 và một khẩu súng bắn đạn cay, đạn cao su do nhân dân giao nộp
Được biết, qua công tác tuyên truyền, đến thời điểm này của năm 2018, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và công an các đơn vị, địa phương đã vận động nhân dân giao nộp được sáu khẩu súng quân dụng, một súng thể thao, một súng săn, 249 súng tự chế, 235 súng bắn đạn hơi cồn, bốn lựu đạn, 15 quả đạn, 445 viên đạn, 11 kíp nổ, 52 công cụ hỗ trợ, 75 vũ khí thô sơ các loại. Công an thành phố Kon Tum đã phối hợp với các ban ngành tham mưu cho cấp ủy- chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nhất là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn nên nhiều người dân trên địa bàn đã giao nộp các loại súng tự chế cho lực lượng công an.
Công an tỉnh Kon Tum tiếp nhận súng tự chế người dân giao nộp
Tương tự vừa qua, xã La Chim- thành phố Kon Tum là địa bàn có nhiều làng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ nhận thức của bà con còn thấp vì vậy vẫn còn thói quen sử dụng các loại vũ khí tự chế có sức công phá mạnh, để bắn chim, thú, bảo vệ mùa màng, nương rẫy… nhưng không nhận thức được hết tác hại, hiểm họa của các loại vũ khí, súng tự chế đối với sức khỏe, tính mạng của con người, cũng như những vụ án mạng xảy ra do súng tự chế nên để làm tốt công tác tuyên truyền vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đạt hiểu quả trên toàn địa bàn thành phố Kon Tum. Lãnh đạo công an thành phố chỉ đạo lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; lực lượng Cảnh sát xây dựng phong trào và Quản lý bảo vệ dân phố phối hợp lực lượng Công an các xã, phường với phương châm đến từng thôn, vào từng nhà, rà soát lập danh sách những người có nghi vấn sử dụng súng tự chế để tuyên truyền vận động, giải thích cho bà con nhân dân hiểu và ký cam kết tự giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Chính nhờ sự khéo léo linh hoạt trong công tác tuyên truyền, sau gần một tuần triển khai điểm tại xã La Chim đã vận động nhân dân tự nguyện giao nộp 9 khẩu súng hơi cồn tự chế.
Công an tỉnh Đắk Lắk tiếp nhận và thu giữ súng tự chế
Huyện Lắk là một trong những địa phương của tỉnh Đắk Lắk có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (trên 63%), trong đó có khá đông đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc di cư vào. Công an Đắ Lắk tăng cường các biện pháp tuyên truyền, vận động người dân giao nộp vũ khí, công cụ hỗ trợ đang sử dụng trái phép, trong đó kết hợp giữa vận động tập trung và vận động cá biệt, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền đến từng hộ gia đình, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn, mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân. Thực hiện Pháp lệnh số 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Quản lý, thu giữ vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ”, thời gian qua, Công an huyện Lắk đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, qua đó thu được nhiều kết quả cao, góp phần giữ vững an ninh trật tự tại địa phương.
Để ngăn chặn tình trạng sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ trái phép, trong thời gian tới đòi hỏi các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giúp người dân nâng cao nhận thức về những tác hại cũng như sự nguy hiểm của các loại vũ khí, vật liệu nổ đối với bản thân và cộng đồng. Bên cạnh đó, lực lượng Công an sẽ tập trung khảo sát nắm tình hình ở các địa bàn trọng điểm, lập danh sách các đối tượng có biểu hiện nghi vấn trước khi lập kế hoạch tổ chức phát động quần chúng. Đồng thời tranh thủ vai trò của các trưởng bản, những người có uy tín để gặp gỡ, vận động, thuyết phục bà con không cất giấu, tàng trữ trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ và tự giác giao nộp cho chính quyền, góp phần giảm thiểu tai nạn thương vong do việc sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ gây ra.