CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:25

Tây Nguyên: Ngập lụt do ảnh hưởng của bão số 12

Tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai chịu ảnh hưởng lớn nhất; Đắk Lắk có huyện M’Đrăk, Krông Bông, Ea Kar; Gia Lai có thị xã An Khê; Kon Tum có huyện Măng Cành; Đắk Nông, Lâm Đồng ảnh hưởng nhẹ hơn với mưa nhỏ và gió.

Nhà cơ quan bị tốc mái ở huyện M ĐRăk 

Tại thành phố Buôn Ma Thuột, mưa suốt đêm qua, trong ngày 4/11 nhiều nơi mất điện do cây đổ làm đứt hoặc ảnh hưởng đến mạng lưới điện. Tại đèo Phượng Hoàng Quốc lộ 26 nối liền Đắk Lắk với tỉnh Khánh Hòa một khối lượng đất đá lớn từ đỉnh núi sạt lở chắn ngang. Tại đây hàng trăm chiếc xe ô tô, xe máy bị chặn đứng, không thể đi qua. Giao thông ách tắc hơn 1km. Anh Nguyễn Đình Thanh (SN 1989), tài xế xe khách chạy tuyến Đắk Lắk- Khánh Hòa) cho biết: “Khoảng 10h sáng nay đoạn đèo này bị sạt lở, xe của tôi phải đứng chờ ở đây gần 2 tiếng rồi. Khi nào cơ quan chức năng cho máy đến dọn đất đá thì mới lưu thông được. Chúng tôi phải đề nghị khách đi bộ xuống dưới chân đèo rồi điều xe từ Khánh Hòa chạy đến đón”.

Tại huyện M’drắk, một số nhà dân ở xã Krôgn Jin, Ea Riêng bị tốc mái, trên địa bàn huyện đã mất điện hoàn toàn do nhiều trụ điện bị gãy đổ. Trước tình hình trên, huyện đã chỉ đạo cho toàn bộ học sinh nghỉ học để tránh bão, nhiều đường giao thông nông thôn bị ngập, chia cắt. Hiện có 24 hộ dân của buôn M’lốk, xã Krông Jing nằm trong vùng lũ bị chia cắt, cần được di dời khẩn cấp. Thôn 7, 9 xã Cư K’róa bị cô lập do nước dâng cao, 7.000 ha mía nguyên liệu trên địa bàn huyện bị đổ rạp, thiệt hại nặng nề. Ngoài ra, nhiều hồ đập chứa nước đã được chỉ đạo cho xả nước để ứng phó với bão. Ngay từ sáng sớm, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện M’Đrak đã huy động tất cả lực lượng dân quân tại chỗ đến các khu vực ảnh hưởng của bão để sẵn sàng ứng phó, khẩn trương di dời các hộ dân ở Buôn Lêch, xã Krông Jin ra khỏi vùng nguy hiểm.  

Ông Hòa Quang Khiêm, Chủ tịch UBND huyện M’drắk cho biết, rạng sáng 4/11, trên địa bàn huyện bắt đầu xuất hiện mưu lớn, gió giật cấp 9 khiến hàng chục nhà dân và trường học bị tốc mái. Theo ông Huỳnh Bài, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông, hiện huyện đang huy động lực lượng hỗ trợ những gia đình bị thiệt hại, di chuyển người đến nơi an toàn.

Nước ngập qua đường tại Đắk Lắk

Tại cầu Km52+546 Quốc lộ 26, thuộc huyện Ea Kar nước ngập cao hơn 0,5m, hàng chục xe ô tô không thể di chuyển qua cầu. Tính đến 9h sáng nay, ở huyện Krông Bông mưa vẫn tiếp tục kéo dài trên diện rộng, tại xã Cư Pui, Yang Mao, Cư Drăm gió giật cấp 7, cấp 8 và đang tăng lên. Gió lốc mạnh đã làm 4 căn nhà bị sập, 60 căn nhà và các công trình công cộng bị tốc mái, trong đó có trụ sở làm việc của hội đồng nhân dân và trạm y tế xã Yang Mao, 40 héc ta hoa màu bị ngập úng.

Các sông trên lưu vực có khả năng xảy ra một đợt lũ vừa đến lũ lớn. Mực nước đỉnh lũ tại trạm Giang Sơn, Bản Đôn, Srê Pôk, Krông Năng có thể đạt từ báo động II đến báo động III. Do đó, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các địa phương chuẩn bị mọi phương án đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng cho người

Ông Bùi Khắc Dũng- Trưởng phòng An toàn của Điện lực Đắk Lắk cho biết, đang có từ 250-300 cán bộ nhân viên ngành đang tích cực dọn cây đổ, sửa chữa hư hỏng trên lưới khắp các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Lắk, Krông Bông, Krông Ana. Toàn huyện Krông Năng và nhiều xã của huyện Ea H’leo đến giữa buổi chiều ngày 4/11 vẫn chưa có điện. Tranh thủ ngớt mưa, người dân cùng cán bộ công chức đổ ra một số tuyến đường dọn dẹp cây gãy đổ, cho các phương tiện tiếp tục giao thông.

Cây lớn ngã đổ tại Đắk Lắk

Tại tỉnh Gia Lai trong 12 giờ qua, lượng mưa phổ biến dưới 20.0mm, riêng ở An Khê đạt 59mm. Trong 24 giờ tới nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Gia Lai tiếp tục mưa lớn, gió lạnh. Khu vực phía Đông tỉnh có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 30-60mm. Mực nước trên các sông, suối tăng ở mức cao. Có nơi xuất hiện lũ với biên độ trên dưới 2.50m. Mực nước các sông suối lên nhanh, cần đề phòng ngập lụt vùng thấp và sạt lở đất các triền dốc. “Sau khi bão rút chúng tôi sẽ có thống kê thiệt hại. Tuy nhiên người dân phải luôn cảnh giác cao với nguy cơ sạt lở đất, ngập lụt do nước sông dâng cao và xả lũ từ các hồ đập thủy lợi, thủy điện”- Ông Tuấn nói.

Phó Chủ tịch huyện Krông Pa Tạ Chí Khanh cho biết: Tại huyện Krông Pa - giáp ranh Phú Yên, mưa đang trên diện rộng, gió giật cấp 3, cấp 4. "Các hồ đập, nước đã vượt tràn đang tiến hành xả ở mức 300m2/s. Do có mưa, một số cây hoa màu có độ cao như ngô, mía bị ngã. Vụ mùa thì bà con đã thu hoạch hết rồi, mức độ ngập và hư hại, tới nay trưa 4.11 chưa có báo cáo. Nước rút thì Krông Pa sẽ không ảnh hưởng gì", ông Khanh tường thuật.

Cây đổ nhà tốc mái tại huyện krông Bông

Tại Ayun Pa, Chủ tịch TX.Ayun Pa, ông Nguyễn Văn Lộc thông tin, mưa to diễn ra vào sáng sớm, đến gần trưa 4/11 đã tạnh. Gió nhẹ. "Do chủ động phòng bão số 12, các hồ đập đã xả nước hôm thứ tư (ngày 1/11). Hôm trước, các hồ xả 350m3/s giờ xả xuống 300m3/s. Hiện, thị xã chỉ đạo tất cả các lực lượng túc trực tại các sông suối, vùng thấp để báo cáo, ứng phó", ông Nguyễn Văn Lộc nói.

Tại tỉnh Kon Tum, mực nước lúc 9h sáng nay ở tất cả các sông, Kon Plong (xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy) là 592,68m, cao hơn múc báo động cấp 1 là 0,18m. Sông Đăk Bla tại trạm Kon Plong mực nước đỉnh lũ có khả năng đạt mức 595,00m, cao hơn mức báo động cấp 3 là 0,50m Sông Pô Kô tại Đăk Mốt mực nước đỉnh lũ có khả năng đạt mức 518,50m, cao hơn mức báo động cấp I là 0,50m. Sông Đăk Tờ Kan tại Đăk Tô mực nước đỉnh lũ có khả năng đạt mức 577,50m, cao hơn mức báo động cấp I là 0,50m. Trên địa bàn tỉnh Kon Tum tiếp tục có mưa, mưa vừa nhiều nơi, riêng khu vực phía đông bắc tỉnh (Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Glei) có mưa to; lượng mưa trong 24 giờ tới khả năng đạt từ 30 – 60mm; khu vực phía đông bắc tỉnh lượng mưa khả năng đạt từ 60 – 100mm. Cần đề phòng nguy cơ xảy ra gió giật mạnh, lũ quét và sạt lở đất

Lê Nhuận

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh