CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:20

Khánh Hòa: Bão số 12 gây thiệt hại nặng nề

Tại Tp.Nha Trang: Đến 8 giờ sáng 4/11tại TP. Nha Trang sức gió giảm dần, mưa bắt đầu lớn. Từ 4 giờ đến 8 giờ 30, bão số 12 đã gây thiệt hại nặng nề cho Nha Trang. Nhiều căn nhà bị sập, bị tốc mái, cây xanh bị ngã đổ. Một người bị thương nhưng đã đưa đi bệnh viện cấp cứu. Một căn nhà ở Vĩnh Trường bị sập nhưng lực lượng phòng chống bão lụt đã cứu được 10 người đưa đến nơi an toàn. 10 người khác ở phường Vĩnh Hoà cũng bị sập nhà và đã được chính quyền địa phương ứng cứu kịp thời. 

Ông Lê Huy Toàn - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết, đến thời điểm hiện tại chưa thống kê được mức thiệt hại cụ thể. Vì bão đi thẳng vào Nha Trang nên khả năng thiệt hại rất lớn. Hiện nay rất may chưa có người dân nào ảnh hưởng đến tính mạng, chỉ có một người ở xã Vĩnh Lương bị thương nhưng đã được ứng cứu và đưa vào bệnh viện điều trị. Các cơ quan chức năng tại Nha Trang đã huy động hàng nghìn người đến các điểm nóng để trợ giúp người dân.

Cần cẩu đang thi công tại dự án trong khu đô thị VCN Phước Hải bị gió thổi sập

 Ông Đào Thanh Tùng, Trưởng phòng Kinh tế TP. Nha Trang cho biết, hiện Nha Trang chưa có trường hợp tử vong do mưa bão. Tuy nhiên nhiều nhà bị tốc mái, hư hỏng nặng. Tại các khu vực chợ Vĩnh Hải, chợ Phước Thái và chợ Phương Sơn có nhiều ngôi nhà mái tôn đã bị bão thổi bay. Tại thôn Đắc Lộc (xã Vĩnh Phương) do lũ ống nên đã bị ngập từ lúc 7 giờ sáng nay. Nhiều người dân điện cầu cứu đưa ra khỏi khu vực nhưng do điều kiện gió lớn, đường vào bị cô lập nên thành phố đã chỉ đạo xã tìm địa điểm an toàn trong thôn để đưa người dân trú ẩn. Trong khi đó, nhà văn hoá thôn Thành Phát (xã Phước Đồng) bị đã bị gió thổi bay mái tôn. 150 hộ dân mới di dời đến đây hồi chiều ngày 3-11 phải tìm nơi trú ẩn mới.

 Các tuyến đường Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Vân Đồn, Hoàng Hoa Thám, Lý Tự Trọng... có nhiều cây lớn bị bật gốc, nhiều trụ điện đổ ngã, dây điện thòng xuống. Ông Lê Hữu Thọ, Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết, trước mắt đã huy động lực lượng xẻ cây đổ để thông đường, khơi thông các cống thoát nước tránh ngập nặng, đồng thời tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Trong khi đó, ở phường Vĩnh Nguyên, qua thống kê sơ bộ bị trôi hết 95 bè cá, 150 nhà tốc mái; Vĩnh Hòa đã di dời 50 người ở đường Ngô Văn Sở về nhà văn hóa phường; Vĩnh Hải 185 nhà tốc mái, 3 nhà bị sập. Tại đường 2 tháng 4 khu vực Làng trẻ em SOS bị ngập nặng. Phường Xương Huân có 10 nhà và 2 quán cà phê bị tốc mái. Tại xã Vĩnh Phương bị ngập nặng và có một người chết.
Tại TP. Cam Ranh: Sáng sớm 4/11, ông Đào Công Thiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã vào TP. Cam Ranh để chỉ đạo ứng phó bão số 12.Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết, gió giật mạnh bắt đầu xuất hiện lúc gần 6 giờ ngày 4-11. Do mới có gió mạnh nên thành phố chưa thống kê được thiệt hại do bão.
Rạng sáng 4-11, ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa kiểm tra tình trạng kênh chính Nam hồ chứa nước Cam Ranh
 
Tuy vậy, trực tiếp tại hiện trường, phóng viên ghi nhận lúc 7 giờ tại nhiều tuyến đường nội thị ở Cam Ranh nhiều biển hiệu các nhà hàng, quán cà phê bị gió thổi bay gây hư hỏng nặng như đường 3-4, Nguyễn Trọng Kỷ hay Phạm Văn Đồng. Cùng với đó nhiều dây viễn thông bị đứt rơi xuống đường. Các tuyến đường chỉ lác đác người qua lại.
Gió mạnh đã làm nhiều cây xanh dọc các tuyến phố bị gãy, rơi xuống đường gây nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại.
Tại đầu đường 3-4, đoạn thuộc phường Cam Linh, một cây si lớn đã bị gió thổi bật gốc, đổ dọc vỉa hè. Cùng thời điểm, tại đường Nguyễn Trọng Kỷ, đoạn thuộc phường Cam Lợi nhiều cây sanh cũng đã bị gió thổi bật gốc, đổ xuống đường gây cản trở giao thông. 
Lãnh đạo UBND phường Cam Nghĩa cho biết, nhiều cột điện hạ thế, cao thế tại nhiều tổ dân phố như Nghĩa Quý, Nghĩa Phú, Nghĩa Bình, Hòa Tiến… khiến các khu dân cư bị mất điện trên diện rộng. 
Tại huyện Diên Khánh: Ông Đinh Văn Thiệu – Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh cho biết, từ 4 giờ sáng 4/11, trên địa bàn huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) gió mạnh dần lên kèm theo mưa lớn. Nhiều nhà dân bị tốc mái; cây gãy đổ khá nhiều. Bão đã khiến toàn huyện bị mất điện nên việc liên lạc rất khó khăn. 
Đến khoảng 7 giờ gió đã có chiều hướng giảm, nhưng vẫn còn mưa lớn. Lực lượng chức năng vẫn đang túc trực ở các vùng xung yếu để hỗ trợ, giúp đỡ người dân di tản người và tài sản về những nơi an toàn.
Trước đó, chiều 3/11, huyện đã dưa gần 1.000 hộ dân về nơi tránh trú an toàn, trong đó chủ yếu là người dân thôn Đá Mài, xã Diên Tân và thôn Lỗ Gia, xã Suối Hiệp. 
Tại huyện Cam Lâm: Toàn huyện đã có nhiều nhà dân bị tốc mái, sập tường, hiện chưa thống kê được số lượng chính xác; nhiều cây xanh bị đổ ngã, địa phương đã cử lực lượng thu dọn, thông đường. 
Đến 8 giờ, đã có tin báo của một hộ dân bị vỡ đìa nuôi cá mú tại xã Cam Thành Bắc, thất thoát hơn 5.000 con cá mú. Trụ sở một số cơ quan, đơn vị đã bị vỡ cửa kính do gió lớn. Tại xã Cam Hải Tây, một số nhà dân bị tốc mái đã được địa phương di dời khẩn cấp về nơi tránh trú bão bằng ô tô.
 Dọc Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn huyện, nhiều mái che, biển hiệu quảng cáo của nhà dân đã gãy, đổ hoàn toàn, bị gió thổi bay trên đường; trên đường vẫn còn phương tiện lưu thông bằng xe máy, rất mất an toàn. Hiện các hồ chứa nước trên địa bàn huyện vẫn đang xả điều tiết nước.
Tại TX.Ninh Hòa: Khoảng 4 giờ sáng 4/11, cơn bão số 12 đã đổ bộ vào khu vực ven biển thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa). Theo ghi nhận của người dân các địa phương như: Ninh Hải, Ninh Diêm, Ninh Thủy, Ninh Phước… đây là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào địa phương này từ trước đến nay.
 Đến 7 giờ 45 ngày 4/11, cơn bão số 12 vẫn chưa đi qua khỏi địa bàn thị xã Ninh Hòa; bão vẫn tiếp tục quần thảo, gió giật rất mạnh. Bão càn quét khiến nhiều nhà ở Ninh Hải và Ninh Diêm bị tốc mái, đổ sập; cây cối bị gãy ngọn, bật gốc; hệ thống điện, viễn thông bị đổ, đứt…
 Lực lượng phòng chống lụt bão tại Ninh Hải và Ninh Diêm đã cứu hộ thành công nhiều gia đình có nhà bị tốc mái, nguy cơ đổ sập đưa về nơi an toàn…Đến khoảng 8 giờ, gió bão tại khu vực thị xã Ninh Hòa đã giảm cường độ, người dân địa phương đang tập trung khắc phục hậu quả của cơn bão.
Tại huyện Vạn Ninh: Theo lãnh đạo UBND huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), do mưa lớn, gió mạnh đã làm hệ thống cây xanh, trụ điện dọc Quốc lộ 1 qua địa bàn huyện Vạn Ninh bị ngã đổ gây tắc giao thông. Các phương tiện giao thông lưu thông trên Quốc lộ 1 chạy ngược chiều trên cùng 1 làn rất nguy hiểm. 
 Có mặt tại UBND huyện Vạn Ninh, ông Nguyễn Duy Bắc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo UBND huyện Vạn Ninh gấp rút điều lực lượng chức năng đến xử lý những cây xanh dọc Quốc lộ 1 bị ngã đổ nhằm thông tuyến quốc lộ 1. Đồng thời, UBND huyện đã điều lực lượng công an huyện, bộ đội, dân quân tự vệ hỗ trợ chặt cây xanh.
Thôn Phú Thọ 1, phường Ninh Diêm tan hoang
Được biết, huyện Vạn Ninh là tâm bão số 12 đổ bộ nên tình hình thiệt hại rất nặng nề. Hiện UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương, ban, ngành khẩn trương báo cao tình tình thiệt hại về người và tài sản. Hiện Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đang trên đường vào kiểm tra tình hình phòng chống lụt bão, nắm tình hình thiệt hại trên địa bàn huyện Vạn Ninh.
 Theo ghi nhận của chúng tôi, cường độ gió trên địa bàn huyện Vạn Ninh có giảm nhẹ, mưa nặng hạt. Hàng loạt trường học, trụ sở như: Huyện ủy, UBND huyện, các cơ quan, ban, ngành của huyện bị tốc mái, hư hỏng nặng

NGỌC MINH (TH)-BÁO KHÁNH HÒA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh