THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:24

Văn hóa nghề thúc đẩy việc làm bền vững

 Vì sao phải học văn hóa nghề?

Bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hiệp hội Dạy nghề Việt Nam cho biết: “Văn hóa nghề không phải là vấn đề mới, nhưng nó lại mới trong điều kiện hội nhập với tính chất và yêu cầu của thời kỳ mới. Qua hợp tác giữa Hội dạy nghề Việt Nam và AECID và Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức nghiên cứu trực tiếp tại các cơ sở dạy nghề đại diện ở các vùng miền của Việt Nam. Kết quả điều tra, khảo sát cho thấy, môn học văn hóa nghề cần thiết đưa vào giảng dạy ở trình độ cao đẳng nhằm góp phần nâng cao chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo việc làm bền vững cho đội ngũ lao động đã qua học nghề”.

 Văn hóa nghề hiện nay đang được các cơ sở dạy nghề chú trọng

Được biết, trong những năm qua dạy nghề ở Việt Nam đã từng bước đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Người lao động đã đảm nhiệm được những vị trí quan trọng trong các ngành sản xuất, kể cả những ngành đòi hỏi công nghệ phức tạp, góp phần nâng cao năng xuất lao động. Tuy đã có bước phát triển nhưng đội ngũ này còn nhiều bất cập chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của sự phát triển công nghiệp. Một phần dẫn đến sự yếu kém của người lao động chính là thiếu kiến thức về văn hóa nghề, do vậy họ cần trang bị cho mình kiến thức cần thiết về “Văn hóa nghề” trước khi bước vào môi trường sản xuất kinh doanh.

Bà Mai Thúy Nga, Phó tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: “Tính đến  năm 2013, Tổng cục dạy nghề đã xây dựng và ban hành 233 chương trình khung  trình độ Trung cấp nghề, Cao đẳng nghề, chuyển giao từ nước ngoài 26 bộ chương trình đạt trình độ khu vực ASEAN, quốc tế nhưng chưa có nội dung  “Văn hóa nghề” trong chương trình. Vì vậy, việc thiết kế để “Văn hóa nghề” là một môn học bắt buộc hay được lồng ghép vào trong môn học/ môdun chuyên môn nghề cũng là việc mà Hội thảo này sẽ cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng”. Cũng về khía cạnh “Văn hóa nghề”, ông Phạm Đức Vinh, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề công nghiệp Hà Nội cho rằng: “Hàng năm Việt Nam đào tạo trên 1 triệu lao động, đáp ứng nguồn nhân lực trong nước và xuất khẩu, nhưng lại rất thiếu lao động có chất lượng , một trong những nguyên nhân được chỉ ra đó là người lao động chưa được trang bị đầy đủ về văn hóa nghề”. Cũng theo ông Vinh: “Làm nghề gì trong xã hội, cũng phải có hành vi ứng xử có văn hóa đối với ngành nghề đó. Văn hóa nghề nghiệp là cơ sở cho tính sang tạo và chủ động cho người lao động, tạo ra giá trị kinh tế-xã hội đồng thời là cơ sở cho sự sang tạo các giá trị văn hóa mới”. 

Tìm giải pháp đưa văn hóa nghề vào cơ sở dạy nghề

Theo các chuyên gia và các nhà nghiên cứu, văn hóa nghề phải bắt nguồn từ chính những người dạy nghề, những cơ sở dạy nghề và chính những giảng viên và người học nghề. Để xây dựng văn hóa nghề trong các cơ sở dạy nghề, chính những cơ sở dạy nghề đó phải trang bị kế hoạch trang bị kiến thức xã hội, khoa học kỹ thuật cho mọi thành viên tại cơ sở mình hiểu về văn hóa nghề, để từ đó mọi người có hành vi đồng tình làm theo với thái độ tích cực. 

Nâng cao văn hóa nghề góp phần tạo việc làm bền vững

Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng trường CĐ nghề cơ điện Hà Nội cho rằng: “Về nội dung giảng dạy văn hóa nghề trong các cơ sở dạy nghề, phần lý thuyết nên biên soạn ngắn gọn, thiết thực chú ý đến những nội dung về khái niệm văn hóa nghề, chức năng, quan hệ văn hóa nghề…giành nhiều thời gian và chú trọng  tính kỷ luật trong giáo dục rèn luyện ý thức học viên”. Chuyên gia về đào tạo nghề Phan Chính Thức cho rằng: Văn hóa nghề cần tích hợp bốn trụ cột thể hiện trong 3 nội dung đào tạo chủ yếu gồm: Kiến thức-Kỹ năng-Thái độ.

Mục tiêu trên thể hiện đầy đủ và tường minh những nét đặc trưng của “Văn hóa nghề” và định hướng cho việc xây dựng chương trình khung, chương trình cụ thể của từng nghề đào tạo, cũng như kế hoạch đào tạo của từng trường. Từ những tham luận cho thấy, để xây dựng “Văn hóa nghề” quả thực không đơn giản, muốn xây dựng thành công cần phải xóa bỏ những rào cản, những ràng buộc, nếp sống cũ của người lao động trước kia để làm quen với nền văn hóa công nghiệp tiên tiến hiện đại.

   Theo đánh giá của bà Mai Thúy Nga: Để đưa được nội dung “Văn hóa nghề” vào chương trình dạy đòi hỏi có những nghiên cứu thêm, phân tích kỹ về hình thức, nội dung phương pháp, thời lượng trong bối cảnh các chương trình dạy nghề vẫn còn đang nặng về lý thuyết và thiếu thời lượng thực hành kỹ năng nghề nghiệp. “Trên cơ sở tham luận của các chuyên gia Hội dạy nghề Việt Nam sẽ tiếp thu, tổng hợp và sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan phân tích đánh giá thật sự khoa học trước khi đưa vào các cơ sở dạy nghề. Văn hóa nghề sẽ thực hiện thành công nếu có sự nỗ lực của các bên liên quan. Văn hóa nghề đi vào đời sống sẽ là tiêu chuẩn quan trọng, là yếu tố quyết định để thị trường việc làm phát triển bền vững”, bà Nguyễn Thị Hằng khẳng định.

PHẠM TUẤN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh