Tây Bắc rộn ràng mở hội
- Văn hóa - Giải trí
- 00:16 - 21/09/2016
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, Ngày hội văn hóa năm nay được tổ chức với chủ đề “Các dân tộc vùng Tây Bắc đoàn kết và phát triển - Hướng tới Năm Du lịch quốc gia 2017”. Điều đặc biệt là năm nay Ngày hội được tổ chức với nội dung đổi mới tránh đi theo lối mòn cũ, các tiết mục biểu diễn sẽ không bị sử thi hóa, sân khấu hóa mà theo hình thức bán sử thi. Tuy nhiên, các tiết mục vẫn đảm bảo được yếu tố bản sắc văn hóa của các dân tộc vùng Tây Bắc và hoàn toàn không bị cách điệu hóa.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc mở rộng sẽ đổi mới, không đi theo lối mòn cũ
“Đây là dịp để tôn vinh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc, góp phần phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; giáo dục truyền thống yêu nước, củng cố, tăng cường khối đoàn kết toàn dân, gắn công tác văn hóa, thể thao và du lịch với việc thực hiện những mục tiêu KT-XH theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã đề ra. Qua đó, nhằm giới thiệu, quảng bá với bạn bè trong nước và quốc tế về tiềm năng, thế mạnh phát triển văn hóa, thể thao, du lịch và các giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân. Ngày hội còn là cầu nối giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm giữa nghệ nhân, diễn viên, vận động viên các tỉnh trong khu vực” – Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nhấn mạnh.
Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc mở rộng lần thứ XIII sẽ bao gồm phần lễ và phần hội. Trong đó, phần lễ sẽ gồm các hoạt động như: Lễ dâng hương Tượng đài Bác Hồ; Lễ khai mạc và Lễ bế mạc, tổng kết. Đặc biệt, Lễ khai mạc diễn ra 20h ngày 1/10 với sự góp mặt của khoảng 300 diễn viên chuyên, không chuyên của các đoàn nghệ thuật, thể thao quần chúng và nghệ sĩ, diễn viên của 8 tỉnh tham dự; sẽ được truyền hình, truyền thanh trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam.
Đặc biệt, phần hội được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú, như: Tuyên truyền, cổ động Lễ Dâng hương Tượng đài Bác Hồ; Liên hoan Nghệ thuật quần chúng các dân tộc vùng Tây Bắc; trình diễn, giới thiệu nghi thức, sinh hoạt văn hóa; trình diễn trang phục truyền thống vùng Tây Bắc; trại trưng bày, quảng bá các sản phẩm văn hóa, du lịch; triển lãm ảnh nghệ thuật, trưng bày ảnh về con người, tiềm năng vùng Tây Bắc trong quá trình hội nhập và phát triển. Song song với các hoạt động văn hóa nghệ thuật sẽ diễn ra nhiều hoạt động thể dục, thể thao với các môn kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, tung còn, tu lu, việt dã…
Bà Nguyễn Thị Tố Uyên, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Lào Cai cho biết, Ngày hội sẽ tôn vinh văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Các địa phương tham sẽ chọn các nghệ nhân, những vận động viên, người dân tộc thiểu số và chọn những lễ hội, trang phục, dân ca, dân vũ được đánh giá là độc đáo nhất của địa phương mình mang đến so tài và khoe sắc. Riêng Lào Cai, những nét văn hóa đặc sắc của Lào Cai sẽ được thể hiện rõ nét trong kịch bản Lễ khai mạc Ngày hội. Ngày hội từ màn khai mạc cho tới các hoạt động đều có sự mời gọi, hấp dẫn du khách khi đến với Tây Bắc nói chung và Lào Cai nói riêng, trong đó có những nét văn hóa đặc thù như ruộng bậc thang, văn hóa ẩm thực riêng có, những lễ hội truyền thống…
Cũng theo bà Tố Uyên, Lào Cai xác định bản sắc văn hóa dân tộc là linh hồn, là nội hàm trong du lịch nên trong thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã phê duyệt đề án dài hơi (từ 2005 đến nay) để phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
“Tính đến thời điểm này, Lào Cai là một trong những tỉnh đứng đầu trong cả nước về di sản văn hóa cấp quốc gia được công nhận với 16 di sản, trong đó có di sản Kéo co được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, và tới đây Lào Cai đang hoàn thành Hồ sơ hát Then để đề nghị Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại. Chúng tôi có quan điểm rõ ràng trong việc phát triển du lịch, nếu muốn giữ chân du khách đến với Lào Cai và mong muốn du khách quay trở lại, việc đầu tiên phải tiếp tục làm tốt công tác bảo tồn bản sắc văn hóa, đồng thời phải phát huy, biến nó từ di sản thành tài sản và những sản phẩm gắn với du lịch đều phải có sự đổi mới. Lào Cai tới đây sẽ tổ chức lễ hội du lịch theo 4 mùa trong một năm, theo đó sẽ có lễ hội du lịch mùa xuân, gắn với rất nhiều lễ hội truyền thống trên toàn tỉnh, có thời gian nhất định để tổ chức thành chuỗi lễ hội du lịch đầu năm. Bên cạnh đó là lễ hội du lịch mùa hè gắn với các hoạt động như đua ngựa Bắc Hà, Lễ hội trên mây tại Sa Pa. Lễ hội mùa thu gắn với những cánh đồng ruộng bậc thang mênh mông, Lào Cai đã có hai di tích danh thắng ruộng bậc thang được công nhận cấp quốc gia là Sa Pa và Y Tý, Bát Sát và cuối cùng là Lễ hội mùa đông gắn với tuyết rơi…”- bà Tố Uyên cho biết.