THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:42

Bộ LĐ-TB&XH đã thực hiện được cơ bản những điều đã hứa với Đại biểu Quốc hội

 

Toàn cảnh phiên họp

Đổi mới căn bản, toàn diện công tác đào tạo nghề

Thời gian vừa qua ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã vào cuộc với quyết tâm chính trị rất cao, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo, cùng các đơn vị trong Bộ tạo được bước đột phá trong những lĩnh vực trọng tâm và hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng. Thực hiện Nghị quyết số 113/2015/QH13 ngày 27/11/2015 liên quan đến lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Từ 1.989 cơ sở giáo dục đến nay còn 1.974 cơ sở GDNN, gồm: 388 trường cao đẳng (304 trường công lập chiếm 78%, 83 trường tư thục chiếm 21% và 01 trường có vốn đầu tư nước ngoài); 551 trường trung cấp (308 trường công lập chiếm 56%, 243 trường tư thục chiếm 44%); 1.035 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - GDNN (695 trung tâm công lập chiếm 67% và 339 trung tâm tư thục chiếm 33% và 01 trung tâm có vốn đầu tư nước ngoài). Về việc sáp nhập 03 trung tâm công lập cấp huyện, đến nay cả nước đã có 468 huyện của 48 tỉnh đã sáp nhập, đổi tên, bổ sung chức năng các trung tâm công lập cấp huyện thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên.

Hiện tại, Bộ LĐ-TB&XH đã hoàn thiện Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ tháng 9/2017). Bên cạnh đó, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23/05/2014 phê duyệt Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020, lựa chọn 45 trường nghề có năng lực đào tạo nghề tốt và có phương án, lộ trình hỗ trợ đầu tư tập trung, đồng bộ theo quy định để đạt 06 tiêu chí của trường nghề chất lượng cao vào năm 2020, đủ năng lực đào tạo một số nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận.

Nhằm từng bước tiếp cận với trình độ tiên tiến của các nước trong khu vực và thế giới, Bộ LĐ-TB&XH đã lựa chọn, phê duyệt 26 nghề cấp độ quốc tế, 30 nghề cấp độ khu vực ASEAN trên cơ sở đề xuất của các Bộ, ngành, địa phương để đầu tư tập trung đồng bộ về cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; đã chuyển giao đồng bộ 12 bộ Chương trình cấp độ quốc tế từ Úc và hiện đang triển khai tổ chức đào tạo thí điểm tại 25 trường được ưu tiên lựa chọn đầu tư thành trường chất lượng cao vào năm 2020 với 41 lớp (888 sinh viên). Tiếp tục tiến hành chuyển giao đồng bộ 22 nghề đạt tiêu chuẩn quốc tế từ Đức.

Đồng thời, thực hiện đẩy mạnh xã hội hóa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, dự kiến cả năm tuyển sinh các cấp trình độ khoảng 2.090 nghìn người, trong đó:  tuyển sinh trình độ cao đẳng và trung cấp là 540 nghìn người, đạt 90% kế hoạch, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng khoảng 1.550 nghìn người, đạt 97% kế hoạch (bao gồm: Hỗ trợ đào tạo nghề cho khoảng 600 nghìn lao động nông thôn và khoảng 19.000 người khuyết tật).

Ước tốt nghiệp năm 2017 theo các trình độ đào tạo là 1.939 nghìn người (đạt 95% so với kế hoạch), trong đó: Cao đẳng và trung cấp gần 439 nghìn người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng khoảng 1.500 nghìn người.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời về kết quả thực hiện các lời hứa.


Thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng và trình Chính phủ Đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”. Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH đang hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo quan điểm phát triển mạng lưới theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, có phân tầng chất lượng gắn với yêu cầu của hội nhập quốc tế.

Cùng với sự phát triển các cơ sở dạy nghề, số lượng tuyển sinh học nghề cũng không ngừng tăng lên. Theo kế hoạch đối với dạy nghề, năm 2017 tốt nghiệp học nghề theo các trình độ đào tạo là 1.866.500 người, trong đó: cao đẳng nghề (CĐN) và trung cấp nghề (TCN) khoảng là 166.500 người, sơ cấp nghề (SCN) và đào tạo dưới 3 tháng là 1,7 triệu người. Ước tốt nghiệp học nghề năm 2017 theo các trình độ đào tạo là 1.939.800 người (đạt 95% so với kế hoạch).

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đề án Đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp hiện nay với 8 nhóm giải pháp cơ bản nhằm mục tiêu, quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp theo tinh thần tinh gọn, giảm cơ sở giáo dục công và phấn đấu mỗi địa phương các tỉnh chỉ có một cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao phủ, ví dụ chỉ có một trường cao đẳng các trường trung cấp nếu hoạt động không hiệu quả thì giải thể thậm chí sáp nhập. Riêng với những địa bàn sôi động, có thể nhiều trường nhưng theo hướng phát triển trường tư thục không phải công lập và trường công lập phải có cam kết tự chủ.

Xử lý nghiêm doanh nghiệp xuất khẩu lao động vi phạm

Hiện nay, cả nước có 130 Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) đang hoạt động (gồm 64 Trung tâm thuộc ngành LĐ-TB&XH và 66 Trung tâm thuộc hội đoàn thể quần chúng và Bộ Quốc phòng). Giai đoạn 2011-2015 đã tư vấn cho khảng 8,1 triệu lượt lao động (tăng 3,3 triệu lượt người so với giai đoạn 2006-2010). Trên cả nước hiện có 48 địa phương tổ chức sàn giao dịch việc làm; hoạt động giới thiệu việc làm cho người lao động bước đầu đã có hiệu quả, các phiên giao dịch việc làm được tổ chức với tần suất ngày càng tăng, số lao động tìm kiếm được việc làm, số doanh nghiệp tuyển dụng được lao động qua hệ thống các Trung tâm DVVL đều tăng qua các năm, góp phần kết nối cung cầu lao động, giải quyết việc làm cho lao động ở các địa phương được thuận lợi hơn. 9 tháng cả nước giải quyết việc làm cho gần 1.237 nghìn người, đạt 77,3% kế hoạch năm, tăng 3,5% so với cùng kỳ; trong đó: Tạo việc làm trong nước cho 1.144 nghìn người, đạt 76,5% kế hoạch năm, tăng 3,34% so với cùng kỳ năm trước; lao động đi làm việc ở nước ngoài gần 93 nghìn người, đạt 88,3% kế hoạch năm, tăng 5,25% so với cùng kỳ năm trước.

 

Bộ trưởng trao đổi với các đại biểu thành viên của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội


Về việc đề nghị tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, từ năm 2016 đến nay, Bộ LĐ-TB&XH đã tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc tuyển chọn, đào tạo lao động trước khi xuất cảnh với gần 60 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, thu hồi giấy phép của 06 doanh nghiệp và đình chỉ hoạt động của 05 doanh nghiệp, xử phạt 31 doanh nghiệp. Tổng số tiền phạt từ năm 2016 đến 06 tháng đầu năm 2017 trên 3 tỷ đồng. Qua công tác kiểm tra, thanh tra, hoạt động của các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã đi vào nề nếp hơn, chấp hành việc tuyển chọn, đào tạo và thu tiền của người lao động theo đúng quy định của pháp luật.

Việc tạm dừng tuyển chọn lao động trong năm 2017 đối với một số quận/huyện có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp cao tại Hàn Quốc, Bộ trưởng  trả lời, đối với thị trường Hàn Quốc, kể từ tháng 8/2012, Việt Nam đã không ký được Bản ghi nhớ (MOU) bình thường về đưa lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS do tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước cao (lên đến 55% vào cuối năm 2011, đầu năm 2012). Sau thời gian triển khai quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp nhằm giảm lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc và tích cực đàm phán với phía bạn, ngày 17/5/2016, Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã ký bản MOU bình thường, chính thức nối lại việc phái cử và tiếp nhận lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS sau gần 4 năm bị gián đoạn. Đến nay, tại Hàn Quốc có 48.000 lao động Việt Nam đang làm việc, trong đó có 40.415 lao động làm việc theo Chương trình EPS. Riêng năm 2016, Việt Nam đã đưa được 6.161 lao động sang Hàn Quốc theo bản MOU bình thường, trong đó có 4.833 lao động đã về nước đúng thời hạn hợp đồng và được quay lại theo hợp đồng mới.

Giải quyết căn bản 5.900 hồ sơ người có công trong ngăn kéo tủ

Vấn đề người có công, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, tất cả những vấn đề đại biểu Quốc hội chất vấn đều đã được xử lý kịp thời, ví dụ trường hợp chất độc hóa học ở Quảng Ngãi, hồ sơ giữa TNXP và Bộ Giao thông ở Ninh Thuận… Dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ đã được tổ chức với các hoạt động thiết thực, sâu rộng có ý nghĩa và trở thành phong trào đền ơn đáp nghĩa toàn dân. Đồng thời trong năm 2017, Bộ chỉ đạo quyết liệt giải quyết căn bản 5.900 hồ sơ đề nghị xác nhận người có công tồn tại trong ngăn kéo cấp tỉnh, công an quân đội. Đến nay đã có gần 1.000 hồ sơ tồn đọng đã được công nhận liệt sĩ, trên 2.000 trường hợp đã được công nhận thương binh và người hưởng chính sách như thương binh. Cuối năm 2017, Bộ sẽ xem xét một đợt cuối để trình Chính phủ công nhận người có công với những hồ sơ đủ điều kiện, còn những hồ không đủ điều kiện sẽ có kết luận và không xem xét lại nếu không có những tình tiết mới, chứng cứ mới có đủ điều kiện.

Bộ trưởng cho biết thêm, trong 3 tháng qua Bộ chỉ đạo các Sở LĐ-TB&XH phối hợp Hội Cựu TNXP rà soát toàn bộ hồ sơ Cựu TNXP cả nước. Trong tháng 10, Bộ cùng Hội cựu TNXP sẽ lập tổ công tác làm thí điểm giải quyết hồ sơ TNXP tồn đọng tại 3 tỉnh Nghệ An, Quảng Ngãi, Bình Định sau đó rút kinh nghiệm đến 2018 triển khai tiếp trên cả nước.

 

Các đại biểu thảo luận.


Vấn đề nhà ở người có công đến nay Chính phủ đã chốt hỗ trợ 410.000 nhà ở người có công với số vốn 8.200 tỷ đồng và Thủ tướng đã có quyết định phân bổ ngân sách cho tất cả các địa phương và phấn đấu giải quyết hỗ trợ nhà NCC căn bản trong 2 năm 2017 - 2018.

Kết thúc chương trình làm việc giữa Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội với Bộ LĐ-TB&XH, bà Nguyễn Thúy Anh Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá cao việc thực hiện rất nghiêm túc quyết liệt những lời hứa của tư lệnh ngành LĐ-TB&XH trước các đại biểu và Quốc hội. Về cơ bản các chỉ tiêu Quốc hội giao theo Nghị quyết số 23/2016/QH14 đối với ngành LĐ-TB&XH sẽ đạt và vượt. Chính sách ưu đãi NCC với cách mạng thực hiện tương đối đầy đủ, kịp thời đẩy nhanh giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng. Đặc biệt Chính phủ ban hành Nghị quyết tiếp tục hoàn thiện chính sách hỗ trợ nhà ở nhà ở người có công với các mạng.

Tuy nhiên, bênh cạnh đó một số chỉ tiêu của ngành còn chưa có báo cáo, nhiều chỉ tiêu khó đạt được do đó bà Nguyễn Thúy Anh đề nghị, Bộ LĐ-TB&XH rà soát lại toàn bộ văn bản pháp luật của ngành ví dụ bảo trợ xã hội, Bộ Luật Lao động và các luật chuyên ngành, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện; Triển khai các biện pháp dứt điểm hoàn thành hỗ trợ nhà ở NCC; Thúc đẩy giảm nghèo bền vững đến năm 2020; Tập trung giải pháp đào tạo nghề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tận dụng tốt cơ hội dân số vàng…

 

 

Cũng trong phiên họp sáng nay, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng giám sát tình hình thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; Luật Phòng, chống ma tuý; Luật Phòng, chống vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) và Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm (giai đoạn 2011 - 2016); giám sát tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh thuộc lĩnh vực hoạt động của Ủy ban Về các vấn đề xã hội và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ; cho ý kiến về dự kiến triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 thuộc lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội.

Các đại biểu đã cho ý kiến thẩm tra về tình hình thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017 và dự kiến kế hoạch, dự toán năm 2018; dự kiến kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2018 - 2020 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ LĐ-TB&XH.

NGUYỄN SÍU - QUANG DƯƠNG (ảnh)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh