CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 04:03

Tập tục lạ vùng cao: Chọc heo để rửa tội ngoại tình

 

Chọc heo giữa bản

Thôn Dỗi là một trong những điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng ở huyện miền núi Nam Đông. Vì thế ban quản lý làng gồm 9 người là những trưởng bản, những già làng có uy tín. Dân cư chủ yếu là đồng bào C’Tu với gần 800 nhân khẩu cùng hơn 150 hộ. Nơi đây không chỉ lưu giữ nhiều điệu múa, nhạc cụ nổi tiếng của người C’Tu cùng đội văn nghệ bản làng khá chuyên nghiệp mà còn lưu giữ nhiều tập tục, điều lệ từ xưa. Trong đó, nổi bật là hình phạt cho tội ngoại tình. Bản làng, đứng đầu là các già làng sẽ bắt vạ người đàn ông hoặc người phụ nữ đã vi phạm bằng cách cúng giữa bản ít nhất một con heo và tạ lỗi.

Già làng thôn Dỗi (xã Thượng Nhật, H.Nam Đông, Thừa Thiên-Huế) cùng sinh hoạt tại nhà cộng đồng - Ảnh: Tuyết Khoa

Theo già làng Hồ Văn In (90 tuổi), hầu hết người vi phạm là đàn ông. Trong trường hợp, người vợ cho phép thì người chồng có thể lấy vợ hai. Bản làng không can dự. Nhưng nếu ngoại tình, bị vợ phản đối thì không chỉ người vợ mà bản làng cũng can thiệp và bắt vạ. Tội càng nặng nếu gây ồn ào, mất trật tự trong thôn bản. Người chồng phải mang một con heo thật to ra nhà cộng đồng cắt cổ lấy huyết (người dân nơi đây gọi là chọc) rồi làm những món ăn truyền thống để cúng. Con heo được cúng giữa trời đất theo nghi lễ. Chủ lễ là già làng.

Sau đó, dân bản cùng ăn và khuyên giải cho đôi vợ chồng. Đặc biệt, người chọc heo để cúng phải là người uy tín, được dân bản tin tưởng. Trước những già làng và người dân, người chồng phải xin lỗi vợ và hứa không tái phạm.

Ông Hồ Văn Cang (77 tuổi) là người chọc heo của thôn Dỗi hơn 10 năm nay. Ông Cang nói: “Với người C’Tu, người chọc heo phải là người may mắn, hên thì khi cúng mới hiệu nghiệm, mới mang điềm lành đến cho dân bản cũng như xóa đi những cái xấu. Ngoài ra, người chọc heo phải khỏe mạnh, không bệnh tật”.

Điều xấu hổ nhất

Ông Hồ Văn Chước (70 tuổi, Trưởng bản Kazan, thôn Dỗi) cho biết: “Thỉnh thoảng cũng có người bị bản phạt nhưng ít. Nhiều năm trước, có ông Cưỡng có vợ nhưng đi dan díu với một phụ nữ ở bản khác. Vợ chồng đánh nhau. Bản bắt vạ cúng heo, không được đánh vợ, mọi người chê cười. Sau đó ông trở về với vợ con. Cũng có trường hợp bỏ vợ bỏ con đi theo người khác nhưng vẫn bị làng bắt vạ vì vi phạm điều lệ của làng bản.

Với người C’Tu nơi đây, bị bản bắt vạ là nhục nhất. Vác heo ra nhà cộng đồng xin lỗi làng bản là điều vô cùng xấu hổ. Ai vi phạm thì đều chịu hình phạt ấy như lời răn đe cũng như lời xin lỗi vì mang lại tiếng xấu cho dân bản”.

Thôn Dỗi là một trong những địa phương có nhiều điểm nổi bật trong công tác xây dựng nếp sống văn hóa trên địa bàn. Một phần cũng nhờ dân bản luôn tuân theo nhưng điều lệ của bản khi phạm phải, không ngoại trừ ai.

Anh Trần Văn Châu (38 tuổi, trú tại thôn Dỗi) nói: “Không thương nhau nữa thì bỏ nhau đi lấy vợ khác. Có vợ mà đi lấy người khác xấu hổ với dân bản lắm. Ngày này phạt nhẹ, chứ ngày xưa phải mổ bò mổ trâu cúng cho cả bản, xấu mặt không dám đi rẫy. Nhờ rứa mà ít người vi phạm”.

Theo Thanhnien.com.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh