THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:19

Tập tục kỳ lạ của người Xơ-đăng ở đại ngàn Trường Sơn

Cõng xác chết để báo hiếu cha mẹ

Người Xơ-đăng luôn dành một cánh rừng cho những người đã khuất. Khi cha mẹ chết, họ sợ “con ma rừng” bắt tội, nên người con trai phải đích thân cõng xác leo lên những triền núi cao đến “cánh rừng ma” chôn cất chu đáo. Theo nhiều tài liệu “rừng ma” là một khu rừng cấm, rừng thiêng của bản làng, nơi đó là khu rừng dành riêng để chôn người chết bằng những chiếc quan tài bằng thân cây. Khi chôn, đầu người chết luôn hướng về phía bản để hồn ma không còn được quay về. Đồng thời của cải của người sống như thế nào thì khi chết sẽ được mang theo như thế, bằng cách bỏ vào quan tài. Họ quan niệm rằng, người chết đi xuống dưới suối vàng sang thế giới bên kia cũng cần của cải, tiền bạc để sinh sống để chờ ngày linh hồn được siêu thoát về chốn thần tiên. Sau khi chôn cất người chết, thân nhân sẽ không bao giờ trở lại thăm mồ mả trong một khoảng thời gian khá dài, để linh hồn người chết không vương vấn trần gian. Hồn ma còn vương vấn sẽ mãi mãi không siêu thoát, mà có thể đầu thai làm kiếp người trở thành những kẻ độc ác.

Tục cõng xác báo hiếu độc đáo của người Xơ-đăng.

Người Xơ-đăng rất sợ linh hồn người chết, nên nghi thức đem đi chôn cất phải tuân thủ tuyệt đối. Khi đưa người chết ra khỏi nhà, những người khiêng phải hướng chân đi trước, đầu ra sau. Đầu luôn quay hướng về phía Tây, phía có ánh mặt trời lặn. Tương tự như thế, khi đặt thi hài xuống, đầu luôn hướng về phía mặt trời lặn. Tập tục về chôn người chết ấy, nay vẫn được áp dụng. Bên cạnh đó là tục cõng xác người chết đi chôn. Nếu người chết là cha mẹ thì con trai trưởng phải đích thân cõng là một sự báo hiếu của con cái đối với cha mẹ và linh hồn cha mẹ cũng nhanh được siêu thoát về thế giới bên kia hơn.

Thực hiện việc cõng xác cha mẹ phải là người con trai trưởng trong nhà. Nếu người con chết trước người cha thì người cha phải làm nhiệm vụ là cõng người con đi. Còn trường hợp người cha chết trước mà người con còn quá nhỏ không thể thực hiện việc cõng cha được, thì việc đó được một người thân trong họ giúp đỡ. Quan niệm của người Xơ-đăng là mọi việc đến với con người là do sự sắp đặt của thần linh. Một khi có ai đó chết, thì đấy là ý muốn của thần linh, mình có chống lại cũng không được. Đối với những người chết bất thường (thắt cổ chết, tai nạn chết,...) được chôn mặt nhìn về phía Tây của làng. Người ta cho rằng, làm vậy con ma dữ không thể thấy được người sống để làm hại dân làng (làng của người sống ở về hướng Đông của rừng ma hoặc nghĩa địa).Người Xơ-đăng không có tục chia của, cũng không cúng giỗ người chết.

Phụ nữ nghiện ăn thuốc

Không biết có tự khi nào, chỉ biết rằng tập tục phụ nữ nghiện ăn thuốc được lưu truyền bao đời nay và dần dần ăn sâu vào đời sống người dân như một thói quen hằng ngày.

Thuốc được gói ghém khá chu đáo trong những bao ni lông, khi mở ra trong bao được bọc bởi những nắm bột cây khô mịn giống như bọt cưa màu nâu sẫm. Người dân nơi đây gọi là Cá Crâu, giống như thuốc lá của người xuôi. Khi ăn vào sẽ có cảm giác lâng lâng, hưng phấn và có thể “say thuốc” như say rượu bia.

Tập tục ăn thuốc có từ lâu đời.

Cùng với rượu cần, những gói thuốc bọt này cũng được họ đem ra mời khách, thể hiện sự quý mến khách. Nhiều nơi dùng rượu cần để giải sầu, tâm sự, dùng những gói thuốc này để trò chuyện với nhau. Người dân ăn thuốc ngon như ăn cơm. Nhiều người còn bật mí thêm, những gói bọt thuốc như thể là “báu vật” của bản thân để khi thèm, khi đói, khi mệt mỏi, buồn bã, hay khi vui đều đem ra ăn.

Tập tục ăn thuốc còn có một câu chuyện kỳ thú là thường chỉ dành cho người phụ nữ, không dành cho người đàn ông. Lý giải về hiện tượng này, nhiều người dân phỏng đoán, rất có thể, những người phụ nữ không biết uống rượu, nên thay vì uống rượu trong các tiệc tùng, lễ hội, họ ăn thuốc để cùng “say” trong những câu hát, điệu múa. Hơn nữa, ở nơi mà mùa đông kéo dài mang cái lạnh cắt da cắt thịt, người dân chống chọi với giá rét bằng cách…ăn thuốc.

Sở dĩ phụ nữ “nghiện” ăn thuốc, bởi lẽ “Cá Crâu” là món ăn hữu hiệu kích thích tinh thần giúp người làm việc hăng say, nhất là đối với những người phụ nữ vùng cao phải vác trên vai phần lớn gánh nặng gia đình.Những cây “Cá Crâu”cũng giống như cây thuốc lá, thân nhỏ như ngón tay, lá thuốc to như bàn tay, khi ăn lần đầu sẽ có vị đăng đắng hoặc ăn quá nhiều sẽ say như say rượu bia. Rất dễ nhận biết giữa người ăn thuốc và không ăn thuốc. Đó là môi và răng của người ăn thuốc sau một thời gian sẽ bị biến sắc. Môi thâm tím, răng ngả màu nâu đen.

Ngày nào không ăn thuốc là ngày đó họ có cảm giác thiêu thiếu, bất an. Phụ nữ ăn thuốc từ khi còn là những đứa trẻ và “nghiện” lúc nào không hay. Chính tập tục này mà khi xuống phố, hay đi nơi khác, những người phụ nữ lại mang theo những gói thuốc để ăn, bởi nó đã trở thành nếp sinh hoạt văn hoá không thể thiếu của phụ nữ Xơ-đăng. Nó trở thành một bản sắc rất riêng không lẫn vào đâu được.

Nhiều người bảo họ ăn như vậy là dơ bẩn, nhưng nhiều đời nay chưa thấy một ai gây bệnh cho ai, răng miệng của những người ăn thuốc chắc khỏe, không hề bị sâu răng, bệnh tình hay những bệnh nhỏ nhặt như sưng hàm, đau răng, dị ứng... xảy ra. Họ vẫn tự hào vì có những hàm răng chắc khoẻ…

HÀ KIỀU/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh