Tập trung thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 20:40 - 14/09/2015
Hỗ trợ hộ nghèo hiệu quả
Thực hiện kịp thời, đồng bộ các chính sách giảm nghèo và các chương trình, dự án hỗ trợ khác đối với vùng nghèo, người nghèo, đồng bào dan tộc thiểu số của Chính phủ; tăng nguồn lực đầu tư của địa phương, huy động toàn xã hội tham gia giúp vùng nghèo, người nghèo. Ngoài huyện Đam Rông do Chính phủ đầu tư đến năm 2020, tỉnh chọn thêm 16 xã và giao các huyện, thành phố chọn thêm các thôn nghèo, khó khăn ngoài các xã trên để hỗ trợ giảm nghèo từ năm 2009 đến năm 2015. Về công tác thực hiện vận động các hộ nghèo, cận nghèo đăng ký thoát nghèo, “chỉ hỗ trợ phát triển sản xuất, vốn vay cho các hộ có quyết tâm, tự lực làm ăn, không ỷ lại”- ông Lý nói. Cụ thể, từ năm 2011, theo Quyết định số 23, ngoài việc nhận khoán bảo vệ rừng, trồng rừng, hộ nghèo ở các xã nghèo có đăng kí thoát nghèo mới được hỗ trợ thêm để khai hoang, phục hóa, thâm canh, chuyển đổi cây trồng, hỗ trợ phát triển ngành nghề, vay vốn không lãi suất … nhằm khắc phục việc trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ; đồng thời, làm căn cứ để xã, thôn xem xét hỗ trợ cho phù hợp với điều kiện về đất đai, lao động, tay nghề của từng hộ nghèo; kiên quyết không chia đều, hỗ trợ bình quân cho tất cả các hộ.
Để giúp giảm nghèo bền vững, ngành LĐ-TB&XH Lâm Đồng đã tích cực triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm cho người dân. Với diện tích rừng rộng lớn, nên đã giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho 3 đơn vị, 1 cộng đồng dân cư và 2.962 hộ nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số với mức hỗ trợ 200.000 đồng/ha/năm. Cùng với đó, thực hiện quy hoạch sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp với kinh phí 1.234 triệu đồng, giải ngân đạt 100%... Nhờ các chương trình đầu tư hỗ trợ sản xuất, đến nay nhiều hộ đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây trồng vật nuôi; các mô hình cây trồng vật nuôi ngắn ngày như lúa, bắp, gà thả vườn đã thực hiện có hiệu quả, năng suất lúa tăng từ 35 tạ lên 45,5 tạ/ha; ngô từ 36 tạ lên 50 tạ/ha; mô hình nuôi gà (chu kỳ 3 tháng) cho thu nhập 8 - 10 triệu đồng/mô hình.
Ông Trương Ngọc Lý phát biểu tại Hội nghị về công tác giảm nghèo.
Song song, Sở cũng tích cực xuất khẩu 104 lao động sang Malaysia, có việc làm và thu nhập ổn định. Từ đó, nhiều hộ gia đình đã có thêm nguồn vốn tăng gia, trở thành những mô hình điểm trong phong trào thi đua sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Nhân rộng 4 mô hình giảm nghèo (2 cánh đồng lúa mẫu tại xã Đạ Mrông và 2 mô hình trồng nấm mèo), với tổng kinh phí 500 triệu đồng cho 217 hộ.
Tăng cường thu hút cán bộ, trí thức trẻ
Các chính sách giáo dục, đào tạo nghề cũng được Sở LĐ-TB&XH Lâm Đồng chú trọng. Tổng số học sinh, sinh viên nghèo được miễn giảm học phí là 24.766 lượt với tổng kinh phí 12.462 triệu đồng; 78 lớp/2.305 học viên học các nghề dành cho lao động nông thôn, trong đó đào tạo từ vốn của Chương trình 30a là 30 lớp/819 học viên; bố trí tạo việc làm cho khoảng 700 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện từ 10% lên trên 14%. Bên cạnh đó, các chính sách tăng cường, thu hút cán bộ, trí thức trẻ được thực hiện tốt. Ông Trương Ngọc Lý cho biết: “Trong 5 năm qua, huyện Đam Rông đã luân chuyển, tăng cường 9 cán bộ, 42 trí thức trẻ về các xã đảm nhận các cương vị lãnh đạo chủ chốt. Số cán bộ này đã tiếp cận, hòa nhập với cơ sở, phát huy được trình độ, kiến thức, tham mưu cho các xã thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chuyên môn, chính trị của địa phương. Các cán bộ luân chuyển đã được đảm bảo đầy đủ các chế độ trợ cấp ban đầu, chế độ tiền lương, phụ cấp”.
Đươc biết, triển khai Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc các huyện nghèo, đến nay đã có 5 Phó Chủ tịch UBND là trí thức trẻ được tăng cường. Trong công tác thực hiện Đề án 50 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc đào tạo, bồi dưỡng cho trí thức trẻ gốc Tây Nguyên về làm việc tại xã, huyện đến nay đã bố trí 3 đồng chí về công tác tại 3 xã: Đạ Tông, Đạ R’sal và Đạ K’nàng.
Cùng với đó, đầu tư cơ sở hạ tầng ở cả thôn, bản, xã và huyện cũng rất được quan tâm. Trong 5 năm qua đã bố trí 181.746 triệu đồng đầu tư xây dựng 25 công trình trên địa bàn, giải ngân 179.555 triệu đồng, đạt 99%. Nhìn chung, vốn của Chương trình 30a đã được huyện Đam Rông lồng ghép với các nguồn khác để tập trung đầu tư cho các công trình trọng tâm, trọng điểm với phương châm ưu tiên cho các công trình phúc lợi công cộng nhằm thúc đẩy sản xuất và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tính đến cuối năm 2014, hộ nghèo còn 8.286 hộ, chiếm tỉ lệ 2,75%; giảm 3.914 hộ, chiếm tỉ lệ 1,38% so với cuối năm 2013 (kế hoạch giảm 1,5%)… Có thể nói đó là những kết quả rất đáng tự hào mà Sở LĐ-TB&XH Lâm Đồng đã đạt được.