CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:27

Bạc Liêu: Xem công tác đào tạo nghề là giải pháp thoát nghèo bền vững

 

Người lao động tiếp cận thông tin việc làm.


Những năm trước, Bạc Liêu là một trong những địa phương có tỉ lệ người nghèo cao, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Khi đó, mục tiêu tăng hộ khá, giảm hộ nghèo với một tỉnh còn khó khăn như Bạc Liêu tưởng chừng khó thực hiện được. Tuy nhiên với những việc làm cụ thể, các chương trình đào tạo nghề thiết thực, mục tiêu giảm nghèo của tỉnh nhà không còn quá xa vời. 

* Dạy nghề phù hợp với nhu cầu

Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động LĐNT tham gia học nghề, từ năm 2011, UBND tỉnh Bạc Liêu đã giao kinh phí cho UBND các huyện, thành phố làm chủ đầu tư, nhằm tăng tính chủ động cho các địa phương, đào tạo nghề theo nhu cầu của người lao động, nhu cầu thực tế của địa phương. Sơ kết 5 năm, tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức đào tạo nghề cho gần 56.500 lao động. Trong đó, hỗ trợ học nghề theo chính sách từ Đề án 1956 gần 32.180 lao động. So với kế hoạch trong 5 năm đạt 105% và so với kế hoạch 11 năm thực hiện Đề án của địa phương đã phê duyệt đạt 50%.

Đáng phấn khởi, hơn 39.770 LĐNT sau đào tạo có việc làm; 3.751 LĐNT được hỗ trợ vay vốn để tổ chức sản xuất sau khi học nghề và được vay vốn học nghề với tổng số tiền trên 36,9 tỷ đồng. Sự hỗ trợ này đã giúp cho nhiều LĐNT có điều kiện ứng dụng các nghề đã học vào cuộc sống, tăng thu nhập, hướng đến giảm nghèo bền vững. Cụ thể, từ năm 2010 – 2014, số LĐNT thuộc hộ nghèo sau khi học nghề có việc làm thoát nghèo là 1.329 người, số LĐNT sau khi học nghề có việc làm và trở thành hộ có thu nhập khá trở lên là gần 250 người…

Có thể nói, để đạt được những con số ấn tượng trên cần sự quan tâm phối hợp chỉ đạo của các cấp, các ngành trong đó đặc biệt là ngành LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu. Cụ thể, nhờ bám sát thực tế và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ngành LĐ-TB&XH đã tổ chức in, phát hơn 30.000 tờ rơi cho các huyện, thành phố tuyên truyền đến tận hộ gia đình, người lao động có nhu cầu học nghề. Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, địa phương tư vấn trực tiếp và thông qua các sàn giao dịch việc làm lưu động đã giúp LĐNT có cơ hội nắm bắt thông tin tuyển dụng, giải quyết việc làm, thu nhập từ các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh. Theo khảo sát, các ngành nghề đào tạo đều phù hợp với nhu cầu, thực tế tại địa phương. Thông qua các lớp đào tạo nghề, chuyển giao mô hình, áp dụng khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất đã tác động tích cực đến sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả sản xuất trên cùng đơn vị diện tích, chuyển đổi nghề mới trong điều kiện tư liệu sản xuất hiện có của gia đình, giải quyết được thời gian nông  nhàn, người lao động có thêm thu nhập.

 * Đào tạo nghề là giải pháp thoát nghèo bền vững

 Nỗ lực giảm nghèo của tỉnh Bạc Liêu được đánh giá là khá thành công, do đã phát huy nội lực bên cạnh tranh thủ ngoại lực cùng giúp người nghèo vươn lên trong cuộc sống. Xác định công tác giảm nghèo là khó khăn, ngoài việc giao nhiệm vụ giúp đỡ hộ nghèo, trong thời gian vừa qua Bạc Liêu thực hiện theo phương châm “cùng lắng nghe, cùng sẻ chia” với hộ nghèo. Với bước đi này, Bạc Liêu từng bước giảm nghèo một cách bền vững bên cạnh chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm và chính sách an sinh xã hội.

Theo kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Bạc Liêu sẽ đào tạo 60.000 người và nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 60%. Cụ thể, trong 5 năm tới, tỉnh Bạc Liêu phấn đấu mỗi năm đào tạo nghề cho 10.000 lao động nông thôn. Đồng thời, nâng cao năng lực các trung tâm giáo dục - dạy nghề công lập các huyện; khuyến khích các cơ sở giáo dục, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh, dịch vụ tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn để đảm bảo hoàn thành kế hoạch đề ra.

 Bạc Liêu cũng sẽ tập trung vào nhiều giải pháp như: Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và LĐNT về vị trí, vai trò của đào tạo nghề đối với tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn. Xem công tác đào tạo nghề là giải phạp hiệu quả để thoát nghèo bền vững. Đảm bảo cơ cấu nguồn nhân lực về yếu tố có tính quyết định để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nhận thức đúng thang giá trị về dạy nghề để thay đổi hành vi, thu hút phần lớn thanh niên vào học nghề.

 Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các doanh nhân về lợi ích của dạy nghề đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, từ đó giúp các doanh nghiệp chủ động tham gia, đóng góp chính sách và tích cực vào công tác dạy nghề… Huy động mọi nguồn lực cho hộ nghèo thông qua đào tạo nghề, giải quyết việc làm từ các doanh nghiệp, gắn kết đào tạo nghề theo nhu cầu với đầu ra ở các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. 

Đặng Tiến Út

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh