THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:28

Tập trung giải quyết các vụ việc trọng điểm, phức tạp kéo dài

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long ghi nhận, biểu dương kết quả hệ thống thi hành án dân sự đạt được trong năm 2021.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu chỉ đạo.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu chỉ đạo.

Bộ trưởng cũng đã chỉ rõ nhiều hạn chế như: một số địa phương kết quả còn thấp, công tác chỉ đạo của lãnh đạo cơ quan thi hành án dân sự một số nơi chưa kịp thời, còn dấu hiệu vi phạm về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp...

Dự báo được những khó khăn, thách thức trong năm 2022, Bộ trưởng Lê Thành Long yêu cầu toàn hệ thống thi hành án dân sự kịp thời nghiên cứu đề xuất các giải pháp hiệu quả trước mắt và lâu dài, ứng phó linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Trong đó, tập trung giải quyết các vụ việc trọng điểm, phức tạp kéo dài, các vụ việc tín dụng, ngân hàng, các vụ việc thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế; chú trọng công tác phối hợp liên ngành từ trung ương đến địa phương, tích cực tham mưu, đề xuất nhằm tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp và sự phối hợp của các ngành.

Bên cạnh đó, hệ thống thi hành án dân sự kịp thời phát hiện các vấn đề pháp lý phát sinh trong thực tiễn từ đó đề xuất giải pháp tháo gỡ; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành hiệu quả các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính và các quy định của pháp luật có liên quan, nhất là các quy định liên quan đến việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế...

Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) Nguyễn Quang Thái cho biết, tới đây, hệ thống thi hành án dân sự sẽ ưu tiên việc thu hồi tài sản trong những vụ án tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao rà soát cụ thể từng vụ việc, xem vướng mắc ở khâu nào, chỗ nào.

Liên quan đến việc thi hành án, thu hồi tài sản liên quan đến vụ án Phan Sào Nam (cựu Giám đốc Công ty cổ phần VTC truyền thông trực tuyến), ông Nguyễn Quang Thái cho biết, việc này đã được thực hiện rất quyết liệt và nhận được sự phối hợp tích cực của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các ban, ngành liên quan.

Tổng cục Thi hành án dân sự đã chỉ đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh Phú Thọ rà soát, động viên những người liên quan tích cực thực hiện, nộp lại tài sản để nhận được sự khoan hồng của Nhà nước.

Theo ông Nguyễn Quang Thái, việc Phan Sào Nam phải thi hành án tù trở lại theo bản án của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tới công tác thu hồi tài sản nhưng đây là hai sự việc khác nhau.

"Việc liên quan đến trách nhiệm hình sự do cơ quan tố tụng triển khai nên sẽ có ảnh hưởng như trong khâu phối hợp. Tôi tin sự phối hợp sẽ nhuần nhuyễn hơn," ông Thái cho biết.

Theo báo cáo tại Hội nghị, trong bối cảnh toàn xã hội bị tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, năm 2021, Bộ Tư pháp đã tích cực, chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp để chỉ đạo hệ thống thi hành án dân sự cố gắng thực hiện tốt nhất có thể nhiệm vụ được giao trong các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Về việc, đã thi hành xong 493.971 việc trong số có điều kiện, đạt tỷ lệ 75,81%. Về tiền, thi hành xong hơn 45.700 tỷ đồng đồng trong số có điều kiện, đạt tỷ lệ 31,05%. Về theo dõi thi hành án hành chính, đã thi hành xong 455/944 bản án, quyết định.

K.VÂN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh