THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 03:47

Tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

 

Thứ trưởng Lê Quân trao Cờ Đơn vị dẫn đầu thi đua năm 2017 của Bộ cho Tổng Cục GDNN (TCT Nguyễn Hồng Minh đứng giữa)

2017 là năm đầu tiên Tổng cục GDNN được Chính phủ chính thức giao quản lý toàn bộ hệ thống các trường nghề  từ trung cấp đến cao đẳng. Xin ông cho biết một số kết quả đạt được trong năm qua?

*2017 - năm đầu tiên Bộ LĐ-TB&XH thực hiện thống nhất quản lý nhà nước (QLNN) về GDNN (trừ các trường sư phạm) và triển khai đào tạo theo Luật GDNN và đã đạt được nhiều kết quả, tạo được sự chuyển biến tích cực về chất, bước đầu tạo nên sự đổi mới trong hệ thống GDNN.

Ngay sau khi tiếp nhận chức năng QLNN về GDNN, Bộ LĐ-TB&XH đã kịp thời hướng dẫn, đôn đốc các địa phương bàn giao chức năng QLNN về GDNN, từ đó kiện toàn bộ máy từ trung ương đến địa phương.Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về GDNN tạo hành lang pháp lý để các cơ sở GDNN tổ chức đào tạo theo Luật GDNN. Tổng cục GDNN đã tham mưu cho Bộ trình Chính phủ ban hành 4 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 7 Quyết định; trình Bộ ban hành 31 Thông tư, Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Luật GDNN. Xây dựng và trình Chính phủ Đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”. Đề án đã đưa ra những giải pháp đồng bộ, trong đó xác định 3 giải pháp đột phá: Một là, trao quyền tự chủ đầy đủ cho các cơ sở GDNN gắn với trách nhiệm giải trình, cơ chế đánh giá độc lập, sự kiểm soát của nhà nước, giám sát của xã hội; Hai là, chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng; Ba là, gắn kết GDNN với thị trường lao động, việc làm bền vững và an sinh xã hội. Chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở GDNN, giảm chồng chéo, lãng phí. Xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN đến năm 2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Công tác tuyển sinh đã được các cở GDNN tích cực triển khai, ước đạt 2,2 triệu người, trong đó tuyển sinh trình độ cao đẳng và trung cấp 540 nghìn người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng khoảng 1.660 nghìn người. Công tác đào tạo được các cơ sở GDNN triển khai theo hướng đổi mới chương trình và phương thức đào tạo theo mô đun, tín chỉ hoặc kết hợp giữa mô đun và tín chỉ. Nội dung, chương trình đào tạo được xây dựng với sự tham gia của các doanh nghiệp, quá trình đào tạo được gắn kết với các doanh nghiệp đảm bảo cho học sinh, sinh viên có những kiến thức, kỹ năng bám sát theo yêu cầu của người sử dụng lao động, của khoa học, công nghệ.

Tiến hành đào tạo thí điểm 12 nghề theo 12 bộ chương trình chuyển giao từ Úc. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng nghề nghiệp, tin học, ngoại ngữ của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý tiếp tục được cải thiện và từng bước được chuẩn hóa. Xuất hiện ngày càng nhiều mô hình đào tạo đạt chất lượng hiệu quả cao, cam kết trả lại học phí nếu đào tạo không có việc làm và thu nhập không thỏa đáng. Tại Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 44 năm 2017 với kết quả đoàn Việt Nam đạt 1 Huy chương Đồng và 5 Chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc, điểm bình quân của các thí sinh Việt Nam đứng thứ 16 trong tổng số 58 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia Kỳ thi.

Trao quyền tự chủ cho các cơ sở GDNN được coi là vấn đề “sống còn” trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề hiện nay. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

* Việc trao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và các cơ sở GDNN công lập nói riêng không còn là vấn đề mới. Từ năm 2012, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Thông báo kết luận của Bộ Chính trị về Đề án “Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công lập” tại Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 9/8/2012 và năm 2015 đã ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Khi được trao quyền mạnh hơn, đơn vị sẽ nâng cao được tính chủ động, sáng tạo trong công tác xây dựng kế hoạch, tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu xã hội. Nhà trường phải bằng mọi biện pháp tạo được uy tín, thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt trong bối cảnh ngân sách nhà nước sẽ chuyển sang thực hiện đấu thầu đặt hàng thay vì cấp chi thường xuyên như hiện nay. Đi đôi với việc trao quyền tự chủ luôn là tự chịu trách nhiệm và trách nhiệm giải trình. Đơn vị được tự chủ trong tổ chức, hoạt động tài chính nhưng phải tuân thủ pháp luật, chịu sự giám sát của Nhà nước, của người dân và xã hội và phải tự chịu trách nhiệm về việc đảm bảo chất lượng đào tạo. Tự chủ chính là chìa khóa để các cơ sở GDNN chủ động hơn, năng động hơn trong hoạt động để hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng từ công tác quản trị, đến đào tạo và xây dựng thương hiệu cho chính mình.

TCT Nguyễn Hồng Minh tặng hoa cho thí sinh tham dự Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 44 từ Abu Dhabi trở về

 

*Bộ LĐ-TB&XH chọn GDNN là một trong những đột phá của năm 2018. Xin ông cho biết Tổng cục sẽ chọn những lĩnh vực nào là ưu tiên đột phá trong năm?

*Bộ LĐ-TB&XH đã xác định GDNN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018 và các năm tiếp theo, do đó cần có sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả GDNN để tạo bước đột phá trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và xã hội theo hướng bền vững và hội nhập. Những giải pháp đồng bộ, tổng thể đã được Bộ LĐ-TB&XHchỉ ra trong Đề án “Đổi mới nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”. Về phía Tổng cục GDNN, trên cơ sở các giải pháp đồng bộ đó, chúng tôi sẽ triển khai thực hiện một số giải pháp cụ thể:

Thứ nhất, hoàn thành việc xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật GDNN. Hoàn thiện thể chế tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN.

Thứ hai, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân và xã hội về GDNN.

Thứ ba, sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới cơ sở GDNN theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, theo hướng mở và linh hoạt đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động.

Thứ tư, làm tốt công tác tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp năm 2018 theo phương châm lấy chất lượng và hiệu quả đào tạo là mục tiêu hàng đầu; tổ chức đào tạo gắn với nhu cầu việc làm của người học và nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Tập trung cao độ và có giải pháp hiệu quả để thực hiện tốt công tác tuyển sinh cao đẳng, trung cấp hệ chính quy tập trung; triển khai mạnh việc đào tạo thường xuyên theo hình thức vừa học, vừa làm, ưu tiên đào tạo lại nhân lực đáp ứng  yêu cầu cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đào tạo bổ sung, nhất là công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm để chuyển sang làm việc tại những lĩnh vực còn thiếu lao động như công nghệ thông tin, du lịch...

Thứ năm, tiếp tục tăng cường các yếu tố đảm bảo chất lượng và kiểm soát chất lượng. Tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng đào tạo qua việc triển khai thực chất, đồng bộ 3 giải pháp đột phá đã xác định trong Đề án Đổi mới: Chuẩn hóa GDNN tiếp cận với trình độ các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới; Thực hiện lộ trình tự chủ đối với các cơ sở GDNN và có cơ chế tài chính phù hợp để huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho GDNN; Triển khai một số nội dung hợp tác thực chất, hiệu quả với doanh nghiệp.

Thứ sáu, thúc đẩy, triển khai khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên, nhất là trong các trường chất lượng cao và ngành, nghề trọng điểm.

Thứ bảy, tăng cường năng lực QLNN về GDNN, năng lực quản trị cơ sở GDNN và năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý và đội ngũ nhà giáo giảng dạy GDNN đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN.

Thứ tám, triển khai mạnh mẽ các ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành của cơ quan QLNN; trong dạy và học của các cơ sở GDNN. Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, đặc biệt tập trung triển khai dịch vụ công trực tuyến đối với những dịch vụ cơ bản trong lĩnh vực GDNN.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

THIỀU VĂN LÝ(thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh