THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:06

Tập trung chăm lo đời sống công nhân lao động

Tổng LĐLĐVN, cơ quan đại diện cho giai cấp công nhân, là tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội đầu tiên mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc, qua đó, lắng nghe và giải quyết các kiến nghị, vấn đề bức xúc của công nhân, người lao động - lực lượng trực tiếp tạo ra của cải vật chất cho xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc làm việc

Đánh giá việc thực hiện quy chế phối hợp đạt những kết quả quan trọng, ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, tình hình việc làm, thu nhập của người lao động đã có bước cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm như mức lương tối thiểu vùng vẫn chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động; số lượng doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, phá sản, ngừng hoạt động vẫn ở mức cao; tình trạng doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng, chiếm dụng tiền BHXH, BHYT hầu như không giảm; đa số công nhân, lao động ở các KCN - KCX vẫn phải sống trong các khu nhà trọ với điều kiện sinh hoạt, an ninh trật tự, nhà trẻ, mẫu giáo chưa được quan tâm đúng mức…

“Một bộ phận cán bộ, đoàn viên, người lao động lo lắng về tình hình an toàn vệ sinh lao động, cháy nổ, tai nạn giao thông, an toàn thực phẩm, hàng giả, dịch bệnh còn xảy ra ở nhiều nơi…”, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết và nêu những kiến nghị của người lao động và các cấp công đoàn trong cả nước với Thủ tướng Chính phủ như:  Xác định lộ trình thực hiện tiền lương tối thiểu của người lao động; có cơ chế phối hợp cung cấp thông tin để công đoàn thực hiện quyền khởi kiện ra tòa án đối với những hành vi vi phạm pháp luật về BHXH.

Toàn cảnh buổi làm việc giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam, sáng 9/7

Tổng LĐLĐVN cũng đề nghị Chính phủ có quy định ưu tiên cho người lao động tại công ty cổ phần có vốn Nhà nước được mua cổ phần khi Nhà nước thoái vốn tại công ty đó; hỗ trợ công đoàn triển khai đề án xây dựng các thiết chế phục vụ nhu cầu của công nhân lao động tại các KCN - KCX…

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, trước cuộc làm việc này, được sự chỉ đạo của Thủ tướng, ông đã đi khảo sát đời sống công nhân tại một số KCN - KCX ở các địa phương. “ Ở không ít doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nhiều công nhân phản ánh không thấy rõ sự hiện diện hằng ngày của công đoàn bên cạnh họ. Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016 trao quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH cho tổ chức công đoàn (trước đó là tổ chức bảo hiểm xã hội) thì vai trò của công đoàn đã khác trước….”. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu đặt vấn đề tổ chức công đoàn phải đổi mới bộ máy tổ chức, hiệu quả hoạt động để có thể “Gắn bó máu thịt với công nhân, giải quyết hài hòa bài toán giữa tiền lương tối thiểu và năng suất lao động, đây là căn nguyên cho sự phát triển”.

Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam đã thực hiện khá tốt Quy chế phối hợp trong năm qua. Qua đó, đã khuyến khích và đóng góp nhiều ý kiến, sáng kiến hiệu quả, giải quyết được nhiều vấn đề nóng bỏng, gây bức xúc cho công nhân, góp phần vào việc giữ vững ổn định, trật tự xã hội.

“Tôi lấy ví dụ như điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội, sau khi nghe tổ chức công đoàn phản ánh, Chính phủ đã thảo luận, có nghị quyết và báo cáo Quốc hội xem xét, điều chỉnh. Chính sách của chúng ta phải đi từ thực tiễn cuộc sống để phục vụ người dân, nên việc lắng nghe ý kiến công đoàn, công nhân rất quan trọng trong việc xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ…”.

Từ đó, Thủ tướng đề nghị tiếp tục triển khai tích cực các nội dung phối hợp giữa hai bên, nhất là việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.  Trên tinh thần đó, tại cuộc làm việc, Thủ tướng đồng ý ngay với kiến nghị của Tổng LĐLĐ về việc hỗ trợ triển khai đề án xây dựng các thiết chế phục vụ nhu cầu của công nhân lao động tại các KCN - KCX (nhà ở, siêu thị công đoàn, nhà trẻ, nhà văn hóa, trung tâm trợ giúp pháp lý…).

Thủ tướng, lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam và lãnh đạo các bộ, ngành

Thủ tướng đồng ý chủ trương xây dựng thiết chế văn hóa-thể thao ở 15 địa phương trọng điểm; giao Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi UBND các tỉnh đề nghị hỗ trợ về đất đai; hỗ trợ về thuế; huy động kinh phí từ các nguồn để tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn tham gia xây dựng nhà ở tập thể, nhà giá rẻ cho công nhân, trước hết, triển khai tại các KCN - KCX tập trung đông công nhân ở Hà Nội, Bắc Ninh, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh…giao Bộ LĐ-TB&XH trình dự thảo Luật Tiền lương tối thiểu để Chính phủ trình Quốc hội đề nghị sớm đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp gần nhất. Về một số kiến nghị khác, Thủ tướng đồng ý Tổng LĐLĐ Việt Nam và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất trình Chính phủ.

“ Tổng LĐLĐVN cần chủ động, tích cực hơn trong việc nghiên cứu, tổng hợp điều kiện làm việc, sinh hoạt cũng như mong muốn, nguyện vọng chính đáng của người lao động và thông báo, đề xuất kịp thời để Chính phủ có biện pháp xử lý, giải quyết….”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Ngọc Thanh/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh