4,2 triệu công nhân có nguy cơ thiếu nhà ở
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 01:25 - 04/07/2016
80% công nhân lao động không có nhà ở cố định
Trong báo cáo Nghiên cứu cải thiện điều kiện sống cho công nhân các khu công nghiệp (KCN) tại Việt Nam, được Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa công bố, ông Kenichi Hashimoto, trưởng đoàn nghiên cứu JICA cho biết, từ 2010, việc đầu tư vào các nhà máy quy mô lớn suy giảm dẫn tới nhu cầu xây dựng và nâng cấp môi trường sống cho công nhân cũng suy giảm theo. Phần lớn quy hoạch không gian và thiết kế công trình, lựa chọn vị trí xây dựng nhà ở cho công nhân không phù hợp và có rất ít nhà đầu tư bất động sản quan tâm. Trong khi đó, khả năng hỗ trợ của địa phương không đồng đều hay quy mô nhà ở vượt quá khả năng chi trả của công nhân. Đáng chú ý, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp hiện phải sống tại các nhà ở với điều kiện sinh hoạt nghèo nàn. Đà đây chính là trở ngại đối với các doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp trong việc giữ chân người lao động có tay nghề cao.
Đời sống công nhân còn nhiều khó khăn.
Ông Trịnh Trường Sơn, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho hay, tại các KCN mới chỉ có khoảng 20% tổng số công nhân lao động có nhà ở ổn định. Hầu hết các khu nhà trọ cho công nhân thuê đều rất chật hẹp (bình quân 2-3m2/người), tạm bợ, điều kiện vệ sinh, môi trường cũng như hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo điều kiện sống tối thiểu, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đời sống của công nhân và tình hình trật tự an toàn xã hội tại nhiều khu công nghiệp.
Hà Nội là một trong những địa phương có một lương lớn công nhân đang có nhu cầu về nhà ở. Theo ông Ngô Chí Hùng, Phó ban quản lý KCN, Khu chế xuất Hà Nội, hiện trên địa bàn Hà Nội có 140 ngàn công nhân, trong đó có 70% công nhân ngoại tỉnh và cần nhà ở. Hà Nội có ba mô hình xây nhà ở cho công nhân: Nhà nước đầu tư xây dựng, nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN đầu tư và doanh nghiệp FDI đầu tư xây dựng. Nhưng đến nay, tại KCN Thăng Long nhà ở cho công nhân có thể đáp ứng cho 23 ngàn lao động nhưng mới chỉ 5-6 ngàn lao động vào ở do không thể trả đủ tiền thuê. Trong khi mức hỗ trợ của doanh nghiệp cho công nhân thuê nhà hiện cao nhất là 150 ngàn đồng.
Tìm mô hình xây dựng nhà ở cho công nhân
Ông Trịnh Trường Sơn cho biết thêm, theo quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 đã được phê duyệt, đến năm 2020, tổng số công nhân lao động tại các KCN đạt khoảng 7,2 triệu người. Số công nhân lao động tại các KCN cả nước có nhu cầu về chỗ ở đến năm 2020 là khoảng 4,2 triệu người, tương đương khoảng 33,6 triệu m2 nhà ở. Không chỉ vậy, phần lớn nhà ở cho người lao động KCN chưa đạt tiêu chuẩn xây dựng, thiếu dịch vụ công cộng như y tế, giáo dục, chưa đảm bảo an ninh xã hội và môi trường, ảnh hưởng đến năng suất lao động và chất lượng sống của công nhân. Việc huy động các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn từ khu vực tư nhân để xây dựng nhà ở cho người lao động còn khó khăn do đây là các dự án gắn liền với phúc lợi xã hội, có khả năng sinh lợi thấp và thu hồi chậm.
Công nhân ở trọ trong những căn nhà tạm.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Trung cho biết, sau 25 năm, các khu công nghiệp đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, giải quyết việc làm cho hơn 2,6 triệu lao động. Trong khuôn khổ triển khai Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản, Bộ KH&ĐT cùng JICA đã ký biên bản thỏa thuận về dự án nghiên cứu cải thiện điều kiện sống cho công nhân các khu công nghiệp tại Việt Nam. JICA hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu, khảo sát hiện trạng về điều kiện sống cho người lao động các khu công nghiệp nhằm tìm giải pháp cho vấn đề nhà ở cho người lao động. Đồng thời, phối hợp với Bộ KH&ĐT thực hiện dự án ở xã Phùng Chí Kiên, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.
Nhóm JICA đề xuất 19 kiến nghị nhằm cải thiện môi trường sống cho công nhân KCN, trong đó có kiến nghị nhà nước hỗ trợ cho vay lãi suất ưu đãi thấp hơn 5% với thời gian vay hơn 20 năm. Đồng thời, bỏ quy định tỷ lệ lợi nhuận định mức 10% đối với nhà để bán và 15% đối với nhà cho thuê trên tổng mức đầu tư để khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư. Nhà nước hỗ trợ tiền sử dụng đất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật; đứng ra thực hiện dự án và nới lỏng quy định về tỷ lệ diện tích dành cho thương mại 20% như hiện nay. Trong khi đó, doanh nghiệp sản xuất hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân hay thuê lại toàn bộ khu nhà cho công nhân thuê… Việt Nam cần có chính sách mới áp dụng trên toàn quốc về quy hoạch không gian, thiết kế công trình thấp tầng để phù hợp với chi phí xây dựng và khả năng chi trả của công nhân; thực thi hệ thống pháp lý mới và tăng cường hỗ trợ nhà đầu tư. Tuy nhiên, để tạo lập được khu nhà ở quy mô, đồng bộ với khu vực xung quanh, ông Kenichi Hashimoto cho rằng, vị trí xây dựng nhà ở cho công nhân nên nằm trong bán kính từ 300m đến 500m để công nhân có thể đi bộ tới khu công nghiệp đi làm. Đồng thời, sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội gắn kết với khu dân cư và các dịch vụ lân cận.
Theo tính toán của các chuyên gia, tại dự án thí điểm ở huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, các tổ chức tín dụng có thể cho vay thuê-mua nhà ở xã hội với lãi suất 5%/năm, thời hạn 20 năm. Doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp hỗ trợ 500.000 đồng/công nhân/tháng cùng với khả năng chi trả 446.500 đồng/tháng đối với công nhân độc thân và 1.066.500 đồng/tháng/công nhân đã có gia đình sẽ tạo điều kiện cho công nhân gắn kết bền chặt với doanh nghiệp hơn.