CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:59

Công nhân cần an cư để lạc nghiệp

 

Mục đích cuối cùng là người lao động có công việc, thu nhập ổn định

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa tới thăm một số công ty có số lượng lao động lớn, làm tốt công tác chăm lo đời sống cho người lao động tại tỉnh Bình Dương. Tại các công ty, Phó Thủ tướng dành thời gian trò chuyện với nhiều nữ công nhân, không ít người trong số đó đã làm việc nhiều năm và mong muốn gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Nhiều người chia sẻ mong có được chỗ ở ổn định, lâu dài, có trường học cho con cái, được chăm sóc sức khoẻ đầy đủ và có những công trình văn hoá, vui chơi giải trí để yên tâm làm việc.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với công nhân tại Bình Dương.


Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết, toàn tỉnh hiện có 26 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với trên 23.000 doanh nghiệp, dự án. Tổng số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp là trên 960.000 người, trong đó 80% là lao động trẻ ngoại tỉnh. Hiện tại, ngoài các hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao công lập do ngân sách nhà nước đầu tư, thì nhiều doanh nghiệp, khu công nghiệp cũng xây dựng các thiết chế văn hóa để hỗ trợ cho người lao động vui chơi, giải trí sau giờ làm việc, nhưng chưa đạt như mong muốn. Nguyên do là đa số các khu công nghiệp đều được xây dựng, hình thành trước khi có chủ trương, chính sách về xây dựng các thiết chế văn hóa trong khu công nghiệp, việc triển khai theo Đề án “Xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” còn gặp nhiều khó khăn và chậm tiến độ. Bên cạnh đó, tốc độ phát triển dân số cơ học quá nhanh, khoảng 200.000 người/năm đã khiến cho việc các thiết chế văn hóa có sẵn không đáp ứng được nhu cầu, còn việc xây dựng mới chưa theo kịp với tốc độ phát triển dân số. Tình trạng gia tăng nhanh chóng về dân số cũng dẫn tới hệ quả thiếu hụt giáo viên, bác sĩ, nhà ở cho người lao động.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thời gian qua, dù lượng công nhân ngoại tỉnh đổ về Bình Dương tăng nhanh, nhưng tỉnh đã làm tốt những chính sách cho công nhân với nhiều hình mẫu tốt. Tuy nhiên, về lâu dài, sức ép về an sinh, phúc lợi xã hội tại các khu công nghiệp là rất lớn, chỉ địa phương hay doanh nghiệp không thể giải quyết được, mà phải có sự phối hợp trên cơ sở quy hoạch bài bản, tầm nhìn hàng chục năm, phân định trách nhiệm rõ ràng Trung ương làm gì, vai trò địa phương ở đâu, doanh nghiệp tham gia như thế nào? Có rất nhiều mô hình khác nhau để xây nhà, trường học, bệnh viện… mà doanh nghiệp có thể chủ động tham gia thực hiện với sự hỗ trợ tối đa của chính quyền, cộng đồng. Mục đích cuối cùng là người lao động có được công việc, thu nhập ổn định, được chăm lo đầy đủ mọi mặt đời sống.

Đầu tư tương xứng cho nguồn nhân lực

Đại diện các bộ cũng đã cùng phân tích nguyên nhân dẫn đến hệ quả nêu trên và đề ra một số giải pháp để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho CNLĐ. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp chỉ ra, khó khăn lớn nhất của Bình Dương là phụ thuộc vào nguồn lao động ngoại tỉnh quá nhiều.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến thăm nhà trẻ Vĩnh Hỷ thuộc Công ty Shyang Hung Cheng (Bình Dương).

 

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Văn Ngàng, do số lao động người ngoài tỉnh Bình Dương nhiều, lại đa phần là trẻ, nên có nhiều vấn đề cần phải quan tâm, chăm lo. Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Ngàng lưu ý, sắp tới đây khi Quốc hội phê chuẩn việc Việt Nam gia nhập TPP, dự báo sẽ có các tổ chức công đoàn do người lao động thành lập, do đó, nếu không chăm lo tốt cho người lao động thì sẽ có thể có hiện tượng rời bỏ tổ chức công đoàn hiện tại để gia nhập các tổ chức công đoàn khác. Do đó, việc quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động phải được ưu tiên quan tâm. Cùng với đó, phải thực hiện tốt Đề án người lao động học tập suốt đời để góp phần nâng cao trình độ văn hóa, nghề nghiệp cho người lao động. Đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, việc xây dựng các thiết chế văn hóa phải đồng bộ với các công trình phúc lợi khác và cần thiết thì phải có các quy định trong luật hay nghị định...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đối với tỉnh Bình Dương thì bài toán căn bản không chỉ là những thiết chế văn hóa, mà tỉnh còn phải tính đến bài toán phát triển lâu dài, phải đặt vấn đề căn cơ này để giải quyết dựa trên đặc thù của địa phương. Trong đó cần có cơ chế chính sách, hỗ trợ cụ thể để thu hút nhà đầu tư doanh nghiệp xây dựng các khu nhà ở xã hội cùng với đó là hệ thống công trình phúc lợi xã hội, các thiết chế văn hóa - thể thao ngay bên trong các công ty như: Trạm y tế, trường học, nhà trẻ, các công trình văn hóa giải trí. Địa phương và các bộ, ngành tiếp tục đề xuất các giải pháp, đồng thời lãnh đạo tỉnh cần rà soát kỹ lưỡng có định hướng cơ chế chính sách chăm lo cho công nhân và đầu tư nguồn lực cho tương xứng.

Vân Khánh/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh