THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 03:59

Tập trung 6 hoạt động chính hỗ trợ nạn nhân bom mìn

Khám bệnh miễn phí cho nạn nhân bom mìn.

Khám bệnh miễn phí cho nạn nhân bom mìn.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, Việt Nam hiện có trên 7 triệu người khuyết tật, trong đó có hàng triệu người là nạn nhân bom mìn và bị chất độc hóa học, phơi nhiễm dioxin; số bom mìn tồn sót đã làm hơn 40.000 người bị chết, 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn là người lao động chính trong gia đình và trẻ em. Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều chính sách trợ giúp xã hội cho nạn nhân bom mìn. Nhưng Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức về nguồn lực, khả năng tiếp cận trang thiết bị cho người khuyết tật, nạn nhân bom mìn và cải thiện điều kiện sống cho họ.

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về tăng cường công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn năm 2023". Đây là hoạt động trong khuôn khổ Chương trình công tác giai đoạn 2010 - 2025 của Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam, nhằm tuyên truyền, vận động các đối tác quốc tế chung tay khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.

Tại hội thảo, bà Hà Thị Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh, hậu quả ô nhiễm bom mìn, vật nổ làm ảnh hưởng nặng nề đến con người, đời sống, xã hội; sản xuất nông nghiệp và nguồn tài chính, kinh tế và an ninh trận tự, an toàn xã hội. Việt Nam hiện có trên 7 triệu người khuyết tật, trong đó có hàng triệu người là nạn nhân bom mìn và bị chất độc hóa học, phơi nhiễm dioxin; số bom mìn tồn sót đã làm hơn 40.000 người bị chết, 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn là người lao động chính trong gia đình và trẻ em.

Cùng với việc ưu tiên rà phá bom mìn tồn sót lại sau chiến tranh, Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều chính sách trợ giúp xã hội cho nạn nhân bom mìn; các tổ chức của người khuyết tật, nhiều tổ chức Quốc tế cũng đã tổ chức nhiều chương trình chung tay hỗ trợ và lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, góp phần nâng cao nhận thức xã hội về người khuyết tật và hoạt động trợ giúp người khuyết tật. Công tác khắc phục hậu quả bom mìn cũng đạt được những kết quả trên các lĩnh vực, đặc biệt là công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng, tham gia vào các hoạt động học tập, lao động, kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội không ngừng được nâng cao.

Tuy nhiên, theo bà Hà Thị Minh Đức dù rất nỗ lực nhưng Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức về nguồn lực, khả năng tiếp cận trang thiết bị cho người khuyết tật, nạn nhân bom mìn và cải thiện điều kiện sống cho họ. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để có thể sử dụng tốt nhất nguồn lực sẵn có để trợ giúp hiệu quả đúng đối tượng, tránh bỏ sót các trường hợp cần trợ giúp nhưng cũng cần tránh chồng chéo với những trợ giúp cho các đối tượng xã hội nói chung, đảm bảo công bằng xã hội.

Để tiếp tục cải thiện chất lượng cuộc sống của nạn nhân bom mìn, từng bước tạo điều kiện cho họ tái hoà nhập cộng đồng, ổn định và tự vươn lên trong cuộc sống, Bộ LĐ-TB&XH đề ra kế hoạch cho giai đoạn 2021-2025, tập trung 5 mục tiêu cụ thể với 6 hoạt động chính, trong đó có hỗ trợ sản xuất kinh doanh; hỗ trợ học nghề, tìm việc làm cho các nạn nhân bom mìn, người khuyết tật.

Theo đó, các tỉnh, thành phố trọng điểm về ô nhiễm bom mìn sẽ tiến hành hỗ trợ mô hình sinh kế. Mô hình tập trung vào hỗ trợ cây giống, con giống, công cụ, phương tiện, cơ sở vật chất. Sự trợ giúp từ Nhà nước đã phần nào đáp ứng nhu cầu của nạn nhân, giúp họ hòa nhập cộng đồng, tham gia vào các hoạt động học tập, lao động, kinh tế. Tuy nhiên, dù rất nỗ lực nhưng Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức về nguồn lực, khả năng tiếp cận trang thiết bị cho người khuyết tật, nạn nhân bom mìn và cải thiện điều kiện sống cho họ.

Từ thực tiễn dự án “Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” hỗ trợ sinh kế trên địa bàn tỉnh, đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định đánh giá rất cao tính thiết thực, hiệu quả, giải pháp hỗ trợ thích hợp cho từng trường hợp nạn nhân; đồng thời đề xuất tiếp tục duy trì và mở rộng trên khắp địa bàn tỉnh. Đặc biệt, việc hỗ trợ theo mô hình thực hành công tác xã hội đã tạo sự phấn khởi, tích cực cho các nạn nhân bom mìn tham gia học tập nâng cao kiến thức, am hiểu kỹ thuật nuôi trồng gắn với điều kiện tự nhiên, chủ động xây dựng kế hoạch, giải quyết các vấn đề phát sinh, chuẩn bị chuồng trại, môi trường chăn nuôi, chăm sóc vật nuôi chu đáo, hiệu quả. Qua đó giúp các nạn nhân bom mìn tự tin hòa nhập cộng đồng, tham gia lao động, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất của gia đình...

Theo Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC), kết quả khảo sát của Bộ Quốc phòng cho thấy, Việt Nam có 9.116 xã trong tổng số 11.134 xã (tương đương 81,87%) thuộc 63 tỉnh, thành phố trên cả nước còn bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ ở các mức độ khác nhau. Diện tích ô nhiễm còn khoảng 5,6 triệu ha với khoảng 600.000 – 800.000 tấn bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh.

Từ sau 1975 đến nay, ở Việt Nam đã có hơn 110.000 người tử vong và bị thương do bom mìn, vật nổ gây ra tại 49/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Giai đoạn 2010 - 2015, Việt Nam đã rà phá bom mìn trên 300 nghìn ha đất; từ năm 2015 đến nay, mỗi năm rà phá thêm 50.000 ha...

Từ năm 2010, Việt Nam đã triển khai Chương trình hành động Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn đến năm 2025 và đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong giai đoạn 2010-2015, Việt Nam đã rà phá bom mìn trên 300.000ha đất đai. Từ năm 2015 đến nay, mỗi năm rà phá thêm 50.000ha.

 

MINH CHÂU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh