Tập huấn chuyên gia Kỳ thi tay nghề thế giới năm 2019
- Giáo dục nghề nghiệp
- 00:46 - 13/04/2019
Phó Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng phát biểu tại Hội nghị
Tại hội nghị, ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Đại biểu của Kỹ thuật của Việt Nam đã trình bày về thông tin chung và những quy định mới của Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 45. Theo đó, Kỳ thi tay nghề thế giới năm nay được tổ chức tại Kazan, Liên Bang Nga, thu hút 1521 thí sinh tham dự (tăng 21,5% so với Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 44 năm 2017) từ 67 quốc gia trên thế giới và tranh tài ở 56 nghề thi. Kỳ thi có một số điểm mới, trong đó 42/56 nghề thi sẽ được tổ chức thi theo cơ chế mới so với các Kỳ thi lần trước; 30/56 nghề thi được thiết kế độc lập từ bên ngoài trong đó bao gồm cả việc điều chỉnh 30% đề thi chính thức trước ngày thi; bên cạnh 56 nghề thi chính thức của Kỳ thi, có 15 nghề về kỹ năng tương lai (future skills) trong đó có 9 nghề thi trình diễn; kỳ thi năm nay còn có cả sân chơi tranh tài dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên; riêng đối với chuyên gia, tại Kỳ thi thế giới năm nay, phải hoàn thành hồ sơ chuyên gia để gửi cho Ban Tổ chức kỳ thi tay nghề thế giới, được tuyển chọn, tập huấn trong nước trước khi được Ban Tổ chức kỳ thi tay nghề thế giới phỏng vấn xem xét năng lực, định kỳ mỗi tháng một lần chuyên gia phải tham gia họp trực tuyến cho đến khi kỳ thi thế giới diễn ra,…
Ông Lê Văn Phòng, Phó Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Ủy viên thường trực Ban Tổ chức Kỳ thi tay nghề quốc gia trình bày, hướng dẫn các chuyên gia nghiên cứu Quy chế của Kỳ thi tay nghề thế giới, mô tả kỹ thuật của nghề thi và các tài liệu yêu cầu bắt buộc, hướng dẫn hoàn thành các bài kiểm tra trực tuyến và kiến thức chung. Các chuyên gia Bùi Đình Tiền (nghề Giải pháp phần mềm Công nghệ thông tin), chuyên gia Nguyễn Quang Huy (nghề Lắp đặt điện), chuyên gia Tô Huỳnh Thiên Trường (nghề Lắp cáp mạng thông tin) đã chia sẻ kinh nghiệm các quy tắc đạo đức, ứng xử tại Kỳ thi tay nghề thế giới và đưa ra khuyến nghị để hoàn thành tốt nhiệm vụ tại Kỳ thi tay nghề thế giới đội ngũ chuyên gia phải am hiểu về Kỳ thi, cơ cấu tổ chức và cơ chế quản lý trong Kỳ thi, chuyên gia cần làm tốt khâu chuẩn bị, chủ động và tích cực nắm bắt thông tin, kết nối và phối hợp tốt giữa các thành viên tại Kỳ thi tay nghề thế giới.
Bên cạnh các thông tin và các nội dung về quy chế, kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm tại Kỳ thi tay nghề thế giới, Hội nghị dành thời gian để tập huấn các chuyên gia hoàn thành modul bắt buộc AP:GEN, modul bắt buộc: AP:VA1.
Quang cảnh buổi tập huấn
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Phó Trưởng Ban Tổ chức kỳ thi tay nghề quốc gia cho biết, thành tích của đoàn Việt Nam tại Kỳ thi tay nghề thế giới năm nay là một trong những kỳ vọng của lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, lãnh đạo Chính phủ, hy vọng với trình độ chuyên môn và nhiệt huyết nghề nghiệp các chuyên gia sẽ huấn luyện các thí sinh đoàn Việt Nam đạt thành tích tốt nhất tại Kỳ thi tay nghề thế giới sắp tới mang lại vinh quang cho đất nước. Phó Tổng Cục trưởng mong muốn làm sao tạo ra được các cơ chế, phương thức để chuyên gia, thí sinh, phiên dịch kết nối được với các thành viên của các quốc gia khác tại Kỳ thi tay nghề thế giới, bộ phận tham mưu của Ban Tổ chức Kỳ thi tay nghề thế giới. Các chuyên gia, phiên dịch không chỉ tạo được sự gắn kết với nhau mà trong quá trình huấn luyện cần quan tâm, hỗ trợ các thí sinh, nắm bắt kịp thời các khó khăn vướng mắc và phản ánh với Ban Tổ chức Kỳ thi tay nghề quốc gia để có biện pháp tháo gỡ kịp thời. Do Kỳ thi lần này có nhiều điểm mới, thời gian tập huấn chỉ có hai ngày, Phó Tổng Cục trưởng yêu cầu các báo cáo viên và các chuyên gia cần tập trung trao đổi học hỏi lẫn nhau để nắm bắt đầy đủ các quy định của Kỳ thi. Đó cũng chính là cơ sở để các chuyên gia hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, đóng góp vào thành tích của Đoàn Việt Nam tại Kỳ thi.
Trong ngày làm việc thứ 2 của Hội nghị tập huấn, các chuyên gia sẽ tập trung, tiếp tục hoàn thiện hai modul bắt buộc AP:GEN và AP:VA.