THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 08:05

“Tập đoàn Than - Khoáng sản cần duy trì quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ”

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung làm việc với Tập đoàn Than Khoáng sản - Ảnh 1.

Với tư cách là Trưởng Ban soạn thảo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ mối quan tâm về tầm quan trọng của việc cần thiết điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu trong thời điểm này.

Nhiều góp ý thiết thực vào dự thảo Bộ luật Lao động

Tham gia ý kiến vào Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), báo cáo với Bộ trưởng và đoàn công tác, Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV, ông Lê Minh Chuẩn cho hay, về cơ bản TKV nhất trí điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo phương án 1 của Dự thảo: "Kể từ 1/1/2021, mỗi năm tăng 3 tháng với nam, 4 tháng với nữ để tuổi nghỉ hưu của nữ đạt 60 tuổi vào năm 2035, tuổi nghỉ hưu của nam là 62 vào năm 2028).

Tuy nhiên, theo ông Lê Minh Chuẩn, Ban soạn thảo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) xem xét có cơ chế phù hợp cho từng nhóm lao động. Cụ thể, TKV đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu của người lao động làm công việc khai thác than trong hầm lò theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 115/NĐ - CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ (từ đủ 50 tuổi trở lên), được giảm 12 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện bình thường.

"Phần lớn người lao động làm công việc khai thác than trong hầm lò phải làm việc trong điều kiện lao động chật hẹp, thiếu dưỡng khí; công việc thủ công, rất nặng nhọc, nguy hiểm, chịu tác động của bụi, ồn, CO2; thường xuyên phải đối mặt với nhiều nguy cơ tai nạn lao động do lở đất đá, sập hầm, bục nước, nhiễm độc khí mêtan và mắc các bệnh nghề nghiệp phổ biến trong ngành khai thác mỏ như bệnh bụi phổi-silic, bệnh bụi phổi-amiăng, bệnh điếc nghề nghiệp. Hiện, số lượng lao động làm công việc khai thác than trong hầm lò chiếm 22,1% - một tỷ lệ không nhỏ trong tổng số lao động toàn TKV với khoảng 21.556 người"- Chủ tịch TKV nêu lý do.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:  Tập đoàn Than - Khoáng sản cần duy trì quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ - Ảnh 2.

Ông Lê Minh Chuẩn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam.

"Theo thống kê sơ bộ, trong 3 năm (từ 2016 - 2018), Tập đoàn TKV có 312 thợ lò nghỉ hưu trước tuổi/694 thợ lò nghỉ hưu; chiếm 45% tổng số lao động là thợ lò nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Độ tuổi của thợ lò nghỉ hưu sớm dao động trong khoảng từ 38 đến 45 tuổi, thời gian tham gia BHXH trong khoảng từ đủ 20 năm đến 25 năm" - Chủ tịch Lê Minh Chuẩn cho biết.

Góp ý vào quy định thời giờ làm việc, Chủ tịch Lê Minh Chuẩn đề xuất không giảm thời giờ làm việc tiêu chuẩn (không quá 44 giờ trong một tuần), giữ nguyên số giờ làm việc tiêu chuẩn như hiện nay (không quá 48 giờ trong một tuần). Theo đại diện của TKV, sở dĩ không nên giảm thời giờ làm việc là do đặc thù của ngành than phải sản xuất 3 ca (24/7) nên để đảm bảo sản xuất thông suốt, đảm bảo công tác an toàn vệ sinh lao động, không thể áp dụng giảm giờ làm cho toàn bộ doanh nghiệp mà chỉ có thể áp dụng cho một số đối tượng thuộc bộ phận gián tiếp. Tuy nhiên, để đảm bảo đồng bộ, các bộ phận làm việc không quá 44 giờ trong một tuần vẫn phải bố trí người trực làm phát sinh chi phí làm thêm không cần thiết.

Bên cạnh đó, việc tuyển dụng lao động làm việc trong lĩnh vực này vô cùng khó khăn. Những năm qua, TKV đã triển khai tuyển dụng lao động tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa, vừng đồng bào dân tộc thiểu số song vẫn không đủ bù đắp cho số thợ lò nghỉ việc, bỏ việc. Bên cạnh đó, chi phí đào tạo cho một công nhân khai thác hầm lò là rất lớn. Hiện, TKV đang hỗ trợ 100% chi phí ăn, ở, chi phí đào tạo công nhân khai thác mỏ hầm lò (chi phí đào tạo đối với sơ cấp nghề khai thác là 28,7 triệu đồng/người/khóa học, từ 01/9/2019 tăng lên 35,6 triệu đồng/người/khóa học, trung cấp nghề khai thác hầm lò là 45,97 triệu đồng/người/khóa học). "Nếu giảm giờ làm việc, TKV sẽ cần tuyển dụng bù đắp số lượng người lớn trong khi tình hình tuyển dụng đã rất khó khăn; các chi phí kéo theo quá lớn, ảnh hưởng đến doanh nghiệp" - Chủ tịch Lê Minh Chuẩn cho biết.

TKV cũng nhất trí với việc mở rộng khung thỏa thuận về thời gian làm thêm 100 giờ/năm như đề xuất trong Dự thảo, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động và tăng sự linh hoạt trong bố trí sản xuất của doanh nghiệp; đồng thời đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người lao động.

Nắm bắt, hiểu rõ chính sách pháp luật lao động

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của TKV trong việc duy trì việc làm, tăng thu nhập và chăm lo đời sống của người lao động trong những năm qua. "Lịch sử ngành mỏ là cái nôi của cách mạng, của giai cấp công nhân.Trong những năm qua, TKV đã đảm bảo việc làm, thu nhập và an sinh xã hội, có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội đối với tỉnh Quảng Ninh, là ngành thu hút và giải quyết nhiều việc làm với hơn 9,7 vạn lao động, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 11 triệu đồng người/tháng, riêng thợ hầm lò đạt hơn 18 triệu đồng/tháng"- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:  Tập đoàn Than - Khoáng sản cần duy trì quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ - Ảnh 3.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của TKV trong việc duy trì việc làm, tăng thu nhập và chăm lo đời sống của người lao động trong những năm qua.

Đươc biết, ngoài việc thực hiện các chế độ đối với người lao động theo quy định chung của nhà nước, TKV còn phát động nhiều phong trào thi đua "Lao động giỏi, thu nhập cao", năm 2018 có 792 thợ lò có thu nhập cao từ 300 triệu đồng người trở lên. Qua kiểm tra định kỳ của các đơn vị quản lý Nhà nước, chế độ tiền lương, áp dung cơ chế chính sách của TKV công khai, minh bạch trên 4 lĩnh vực hoạt động của ngành với nhiều kết quả đáng mừng...

 Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, TKV cần luôn chú trọng chăm lo, sắp xếp tinh gọn bộ máy và nâng cao chất lượng hiệu quả công việc, thực sự chăm lo đời sống công nhân và người lao động. Khuyến khích con em đồng bào dân tộc thiểu số vào làm công nhân và khẩn trương phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ LĐ-TB&XH để chuẩn bị cơ chế, chính sách tiền lương theo Đề án cải cách tiền lương của Nghị quyết 27-NQ/TW. " Đó là cuộc cách mạng lớn hướng đến quan hệ lao động hài hòa ổn định, đảm bảo đất nước phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn… Với lộ trình tăng tuổi hưu từ năm 2021 của dự thảo sửa đổi Luật Lao động, giai đoạn 2021-2028, trung bình mỗi năm chỉ có thêm khoảng 9.000 lao động chịu tác động về tuổi hưu mới. "- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:  Tập đoàn Than - Khoáng sản cần duy trì quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ - Ảnh 4.

Việc điều chỉnh tuổi hưu ngay khi dân số vừa qua ngưỡng đỉnh điểm dân số vàng là điều cần thiết, tránh trường hợp khi nguồn dân số đã vào giai đoạn già hoá mới tăng tuổi hưu.

Định hướng các hoạt động của TKV trong giai đoạn tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị, lãnh đạo TKV cần lưu ý đến 5 nội dung lớn trong chính sách đổi mới cơ chế tiền lương; nhằm bảo đảm sự ổn định, phát triển cho người lao động và của Tập đoàn. "TKV phải chủ động, thường xuyên chăm lo sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu quả, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, đặc biệt với lao động nữ, không chủ quan trước các vấn đề việc làm, đảm bảo an toàn lao động… Người lao động nói chung và ngành Than - Khoáng sản nói riêng hiểu đầy đủ hơn về việc sửa đổi Bộ luật Lao động (sửa đổi).Trong đó, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là chủ trương lớn của Đảng, là yếu tố quyết định đến vận mệnh phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn tới".

Theo Bộ trưởng, triển khai thành công các chủ trương chính sách pháp luật lao động với tư tưởng thông suốt thì mọi khó khăn đều có thể giải quyết được. Với những đóng góp, đề xuất cụ thể từ TKV, Bộ trưởng yêu cầu Ban soạn thảo tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp để có phương án điều chỉnh hợp lý trong dự thảo Bộ luật Lao động(sửa đổi).


Thanh Mạnh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh