Tăng tuổi nghỉ hưu: Tránh tình trạng thiếu hụt lao động trong tương lai
- Dược liệu
- 20:03 - 19/07/2019
Tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV, một số ĐBQH vẫn băn khoăn cho rằng, quy định nâng tuổi nghỉ hưu trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ làm tăng tỉ lệ thất nghiệp, mất cơ hội của lao động trẻ, không bảo đảm sức khỏe và công bằng cho lao động ngành đặc thù… Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, Dự thảo lần này đề cập việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu với 4 lý do chính: Thứ nhất, thế giới bước vào quá trình già hóa dân số và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó. Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nhằm chủ động ứng phó sự thiếu hụt lao động trong tương lai. Những năm 2004-2009, mỗi năm lực lượng lao động Việt Nam tăng 1,2 triệu người, nhưng 5 năm gần đây (2014-2019), mỗi năm chỉ tăng 400.000 người. Vì thế, nếu không tăng tuổi nghỉ hưu, trong tương lai chắc chắn chúng ta sẽ thiếu hụt lao động. Hơn nữa, theo kinh nghiệm các nước, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phải tiến hành trước khi bước sang giai đoạn già hóa dân số.
Thứ hai, để bảo đảm bình đẳng giới, Công ước CEDAW đã khuyến nghị tuổi nghỉ hưu của nam và nữ thu hẹp lại tiến tới bằng nhau. Tuổi nghỉ hưu hiện nay quy định nữ 55 và nam 60, chênh lệch 5 tuổi. Lần đề nghị này sẽ thu hẹp khoảng cách còn 2 tuổi và tiến tới san bằng. Nếu tuổi nghỉ hưu của nam và nữ chênh lệch quá lớn sẽ hạn chế cơ hội làm việc và thăng tiến của phụ nữ. Nghỉ hưu sớm thì tiền lương tham gia BHXH thấp hơn và thời gian tham gia BHXH ngắn hơn. Vì vậy, cuộc sống khi về già của phụ nữ khó khăn hơn nam giới.
Thứ ba, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu còn cố gắng bảo đảm phù hợp sức khỏe và nhu cầu của NLĐ. Năm 2018, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp Việt Nam thứ 41/183 nước; số năm khỏe mạnh trung bình là 17 năm sau tuổi 60 (cao nhất là Singapore: 21 năm và Nhật: 20,8 năm). Đặc biệt, chúng ta phải tự hào về thành tựu chăm sóc sức khỏe nhân dân, khi có tới 96,4% xã, phường có trạm y tế, nhiều mặt đời sống được cải thiện và loại trừ nhiều dịch bệnh. Ở châu Á, Việt Nam chỉ đứng thứ 5 sau Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel.
Thứ tư, bảo đảm sự cân bằng, cân đối của quỹ BHXH. Với việc nâng dần tuổi nghỉ hưu, số năm tham gia BHXH nhiều lên, quyền lợi về BHXH cũng sẽ nhiều hơn.
Bên cạnh đó, đối với những ngành nghề đặc thù như giáo viên mầm non, tiểu học, công nhân trực tiếp sản xuất hoặc những ngành nghề cần kéo dài tuổi hưu… Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng, đây là một thách thức, đòi hỏi sự đồng bộ từ thiết kế chính sách, giải pháp đến sự vào cuộc của các ngành, các cấp. Nói cách khác, giải quyết vấn đề này cần có một quyết tâm chính trị rất lớn của toàn xã hội.
Ảnh minh họa
“Cá nhân tôi cho rằng nước nào cũng có nghề đặc thù. Đối với nghề giáo viên mầm non, tiểu học, nhiều nước quan niệm ngoài chuyện dạy chữ trong trường học, còn nhiều vấn đề cần giải quyết như: Có trẻ tăng động, tự kỷ; trẻ khiếm khuyết về ngôn ngữ, trẻ hạn chế về năng lực tư duy; trẻ được bố mẹ đón sớm, đón muộn hoặc cần gửi con theo giờ giấc phù hợp với điều kiện làm việc của mình… Các giáo viên lớn tuổi sẽ giúp xử lý các vấn đề, bởi họ đủ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm hoặc nếu cần thì họ sẽ được đào tạo, bồi dưỡng thêm để đảm nhận được công việc. Như vậy, ngành Giáo dục phải vào cuộc, sắp xếp, bố trí lại lao động, tổ chức lại công việc đáp ứng nhu cầu đa dạng của trẻ và gia đình trẻ, cũng là thúc đẩy chất lượng giáo dục tốt lên.
Đối với công nhân trực tiếp sản xuất- lực lượng luôn chiếm số đông trong cơ cấu lao động các nước- thường các nước ban hành luật chống phân biệt đối xử và thúc đẩy việc làm của lao động trung niên. Ngược lại, đối với DN, điều quan tâm của họ là chi phí. Chính sách BH thất nghiệp không chỉ hỗ trợ NLĐ khi bị thất nghiệp mà phải hỗ trợ DN duy trì việc làm, tránh sa thải lao động. Vậy liệu quỹ BH thất nghiệp có hỗ trợ tài chính để sắp xếp, bố trí lại lao động, tiếp tục SDLĐ trung niên và cao tuổi như hỗ trợ một phần tiền lương hoặc đóng BHXH cho những lao động này để giảm chi phí cho DN như nhiều nước vẫn làm? Câu trả lời là có, nhưng không hỗ trợ tràn lan mà phải có điều kiện. NLĐ lớn tuổi có thể chậm chạp hơn, năng suất thấp hơn, nhưng trong bối cảnh lao động khan hiếm, DN giảm được chi phí thì chắc chắn vẫn sử dụng. Hiện nay, quỹ BH thất nghiệp kết dư khoảng 70.000 tỉ đồng, nếu mỗi lao động thuộc nhóm tuổi cao được hỗ trợ 6 triệu đồng/năm thì chỉ cần 3.000 tỉ đồng hỗ trợ từ quỹ đã có thể giúp cho nửa triệu lao động tiếp tục làm việc’- Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói.
Cũng theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, về bản chất, quỹ BH thất nghiệp là sự chia sẻ giữa DN lớn, thuận lợi với DN nhỏ, khó khăn; giữa NLĐ ở các ngành nghề ổn định, ít nguy cơ mất việc làm với NLĐ ở các nghề nhiều rủi ro mất việc làm. Hỗ trợ này thực chất là tạo sự gắn kết xã hội giữa cộng đồng NLĐ với nhau, giữa cộng đồng DN Việt Nam với nhau, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đối với công chức lãnh đạo ở các cơ quan quản lý nhà nước, việc lo ngại nâng tuổi nghỉ hưu dẫn đến thời gian giữ chức khá lâu, kém năng động, hiệu quả công việc không cao... không phải không có lý. Để giải quyết vấn đề này thì chính sách cán bộ cần được sửa đổi. Chẳng hạn, quy định NLĐ chỉ giữ chức Vụ trưởng, Cục trưởng, Thứ trưởng đến 60 tuổi; 2 năm còn lại không giữ chức mà có nghĩa vụ chuyển giao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cho cán bộ trẻ nhằm giữ cho sự liền mạch của các chính sách trong lĩnh vực phụ trách trước đây. Giải pháp này đã được Nhật Bản áp dụng thành công.
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tỉ lệ thất nghiệp của Việt Nam thấp (chỉ khoảng 2,2%). Việt Nam có tỉ lệ thu hút lao động trẻ khá tốt, tỉ lệ thất nghiệp trong thanh niên chỉ bằng 2/3 các nước trong khu vực. “Hằng quý, Bộ LĐ-TB&XH vẫn công bố con số thất nghiệp của SV tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ khoảng 200.000 người. Từ đó, dư luận đặt ra câu hỏi tại sao với 200.000 người thất nghiệp như vậy mà vẫn muốn nâng độ tuổi nghỉ hưu. Thế nhưng, nếu nhìn vào dòng chảy của thị trường lao động, chúng ta có thể thấy, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 400.000 SV tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ và đã được thị trường tiếp nhận. Như vậy, thị trường lao động vẫn tiếp tục tiếp nhận ngày càng nhiều lao động trẻ. Vì thế, việc nâng tuổi nghỉ hưu với lộ trình chậm sẽ không ảnh hưởng nhiều đến cơ hội việc làm của giới trẻ. Nếu những người lớn tuổi tiếp tục ở lại làm việc, tiếp tục tạo ra sản phẩm cho nền kinh tế thì số việc làm tạo ra có thể còn nhiều hơn. Điều này, cả Ngân hàng Thế giới (WB) và ILO đều đã khẳng định’- Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp chia sẻ.