CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:11

Tập đoàn GFS với khát vọng phát triển nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao đặc sắc

PV: Thưa ông, giới đầu tư tỏ ra khá bất ngờ khi một Tập đoàn có phần lớn doanh thu từ bất động sản như GFS lại đang tập trung đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao. Phải chăng lĩnh vực này đem lại tỷ suất lợi nhuận cao?


PGS.TS Bùi Xuân Hồi – Phó TGĐ Tập đoàn GFS.


Ông Bùi Xuân Hồi: Nếu vì mục tiêu lợi nhuận chúng tôi đã không lựa chọn lĩnh vực này để đầu tư vì phát triển nông nghiệp và đặc biệt nông nghiệp hữu cơ chưa bao giờ là lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận cao. Thực tế đây là sự điều chỉnh mang tính chiến lược của GFS khi chúng tôi xác định tài nguyên thiên nhiên dù có lớn đến đâu cũng sẽ có ngày cạn kiệt nhưng giá trị sáng tạo của con người là không giới hạn, chỉ có khoa học mới có thể tạo nên sự đột phá và phát triển bền vững. Chúng tôi đặt ra mục tiêu chiến lược của GFS trong 5 năm tới là sản phẩm từ khoa học công nghệ sẽ đóng góp 70% doanh thu của Tập đoàn và 30% còn lại đến từ các dự án bất động sản và các lĩnh vực đầu tư khác.

Hơn nữa, với sứ mệnh mà GFS lựa chọn và theo đuổi là tối ưu lợi ích, gia tăng giá trị cho khách hàng, cổ đông, đối tác, cán bộ nhân viên, xã hội và cộng đồng nên trong khoa học công nghệ chúng tôi đặt trọng tâm ứng dụng trong phát triển nông nghiệp hữu cơ để có thể mang đến cho xã hội các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đặc sắc. Với hàm lượng công nghệ cao trong toàn chuỗi, chúng tôi kỳ vọng đó sẽ là nhân tố gia tăng giá trị và đảm bảo cho nông nghiệp hữu cơ phát triển hiệu quả, bền vững và có ý nghĩa lan tỏa. s

 

PV: GFS thậm chí đã có cả Viện Công nghệ chuyên nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp. Tại sao một đơn vị mạnh về tài chính như các ông không đặt hàng các Viện nghiên cứu có tên tuổi trên thế giới để ra được sản phẩm nhanh hơn?

 

Ông Bùi Xuân Hồi: Sự kết nối khi phát triển nông nghiệp đã được Chính phủ định hướng với liên kết 4 nhà: Nhà nước – nhà nông – nhà khoa học – doanh nghiệp. Đó là định hướng rất đúng nhưng sự kết nối này không dễ và đặc biệt là làm thế nào để các kết nối này hiệu quả là điều chúng tôi suy nghĩ. Đúng là trong lĩnh vực nông nghiệp đã có nhiều viện nghiên cứu có tên tuổi trong và ngoài nước nhưng chúng tôi phát triển nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi từ gien giống đến chăm bón, thu hoạch, chế biến, sản phẩm cuối cùng nên rất cần thiết một sự kết nối hiệu quả của các nhà khoa học trong các lĩnh vực khác nhau, đa ngành đa lĩnh vực.

Vì vậy Viện Công nghệ GFS ra đời với nhiệm vụ chính như chúng tôi đã đề cập là kết nối và tích hợp khoa học công nghệ để thực hiện các dự án nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao. Và như các bạn thấy, Viện đang làm tốt vai trò này khi kết nối hiệu quả các nhà khoa học trong và ngoài nước, hợp tác khoa học công nghệ với các Viện nghiên cứu ứng dụng trong nước và quốc tế để thực hiện các nhiệm vụ về khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ.

 

PV: Với định hướng đầu tư nghiên cứu như vậy, GFS có đặt mục tiêu sẽ sở hữu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao đặc sắc và khác biệt hay không, ví dụ như Gien hay giống chẳng hạn?


Cái đặc sắc của sản phẩm mà GFS muốn phát triển đúng như bạn nói chính là những gì tinh túy nhất của nông nghiệp, dược liệu Việt Nam, những nét đặc sắc được thiên nhiên ban tặng cho Việt Nam với khí hậu nhiệt đới gió mùa.


Ông Bùi Xuân Hồi: Như tôi đã đề cập, chúng tôi phát triển nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi nên chúng tôi sẽ kiểm soát tốt nhất các nền tảng công nghệ trong chuỗi. Vì vậy việc hướng đến mục tiêu tạo ra các sản phẩm thành phần hay sản phẩm cuối cùng khác biệt là một mục tiêu quan trọng của GFS. Đặc biệt là các sản phẩm cuối cùng, hướng đến các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đặc sắc là điều mà GFS hướng tới.

 

PV: Tôi được biết, GFS hướng đến sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chủ yếu là dược liệu. Tại sao không phải sản phẩm phục vụ “cái bụng” người tiêu dùng, thưa ông?

 

Ông Bùi Xuân Hồi: Ngay từ đầu về cơ cấu nông nghiệp hữu cơ chúng tôi cũng đã xác định cơ cấu 70/30 tức là 70% doanh thu từ dược liệu và 30% từ các sản phẩm rau, củ, quả…mà như anh nói là sản phẩm phục vụ “cái bụng”. Có rất nhiều lý do cho sự lựa chọn này mà chúng tôi đề cập ở đây.

Tuy nhiên, tôi chỉ xin chia sẻ ngắn gọn đó là lựa chọn vừa mang tính nhân văn, đồng thời đảm bảo giá trị gia tăng tốt nhất đối với các dự án nông nghiệp. Nhân văn ở chỗ, phát triển các sản phẩm thực phẩm hữu cơ và nguyên liệu dược liệu hữu cơ hay sản phẩm dược liệu tiêu dùng cuối cùng ở Việt Nam chưa mang lại hiệu quả so với tiềm năng, chưa được triển khai một cách bài bản dẫn tới việc chúng ta hầu như phải nhập khẩu các nguyên liệu dược liệu và dược liệu thành phẩm.

Chúng tôi lựa chọn cơ cấu này nhằm phát huy tiềm năng khác biệt của Việt Nam, khai thác yếu tố đặc sắc về cây trồng và đặc biệt là cây dược liệu. Còn việc đảm bảo giá trị gia tăng tốt nhất khi thực hiện các tính toán kinh tế kỹ thuật thì phát triển dược liệu hữu cơ theo chuỗi là cơ cấu mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

PV: Thị trường mục tiêu được GFS nhắm tới là ở đâu, thưa ông?

 

Ông Bùi Xuân Hồi: Không chỉ ở Việt Nam mà ngay ở thị trường các nước có chất lượng cuộc sống cao thì sản phẩm hữu cơ nói chung luôn có thị trường mục tiêu là phân khúc người tiêu dùng có thu nhập cao, hướng tiêu dùng của họ tới các sản phẩm chất lượng, đặc sắc, đồng thời có những tương đồng nhất định về văn hóa để có thể cảm nhận được sự đặc sắc của sản phẩm.

Do đó thị trường mục tiêu của GFS chắc chắn là cho người có thu nhập cao trong nước, thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường châu Âu, Mỹ, Trung Quốc rộng lớn. Với phép tính đơn giản là 1% dân số là người có thu nhập cao tại Trung Quốc là thị trường mục tiêu thì các sản phẩm hữu cơ đặc sắc của GFS chắc chắn có cơ hội phát triển ở quy mô công nghiệp rồi.

 

PV: Ông có nhắc đến khái niệm “dược liệu đặc sắc” hay “nông nghiệp hữu cơ đặc sắc”. Vậy yếu tố đặc sắc ở đây chỉ riêng có ở GFS hay là những gì tinh túy nhất của nông nghiệp Việt được GFS ứng dụng thành công?

 

Ông Bùi Xuân Hồi: Đó không đơn thuần là các khái niệm được nhắc tới mà đó là các dòng sản phẩm mà GFS muốn định vị trong chiến lược phát triển nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao. Cái đặc sắc của sản phẩm mà GFS muốn phát triển đúng như bạn nói chính là những gì tinh túy nhất của nông nghiệp, dược liệu Việt Nam, những nét đặc sắc được thiên nhiên ban tặng cho Việt Nam với khí hậu nhiệt đới gió mùa.

Cái đặc sắc mà bấy lâu chúng ta còn chưa định hình, khai thác một cách hiệu quả. Ý tưởng về sản phẩm đặc sắc cũng khá phù hợp với chương trình OCOP (Mỗi xã phường một sản phẩm được) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động và các địa phương đang triển khai.

Đồng thời GFS xem đó như một giải pháp xây dựng phát triển nông thôn một cách bền vững. Với chiến lược của mình, GFS sẽ phối hợp, nâng cấp và đảm bảo sản xuất – tiêu dùng sản phẩm một cách hiệu quả cho các sản phẩm trong chương trình này.

Chúng ta vẫn thường tạo ra một thói quen ngưỡng mộ các sản phẩm tiêu chuẩn Âu Mỹ, nên việc khai thác được những nét đặc sắc, tinh túy của nông nghiệp Việt Nam cũng đồng nghĩa với việc làm cho người Châu Âu và người Mỹ thán phục, yêu mến các sản phẩm của Việt Nam. Và như thế chúng ta có cơ hội bảo tồn những tài nguyên dược liệu quý giá của chúng ta, mục tiêu “Đưa Việt Nam thành vườn dược liệu của Thế giới” không phải là mục tiêu quá xa vời.

 PV: Trân trọng cảm ơn ông! 

T.NGỌC

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh