THỨ HAI, NGÀY 09 THÁNG 12 NĂM 2024 01:43

Đa dạng mô hình trợ giúp:

Tạo việc làm, sinh kế, hỗ trợ người bán dâm hoàn lương

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, năm 2020 các lực lượng chức năng tiếp tục thực hiện các hoạt động phòng ngừa mại dâm thông qua lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ xã hội cho người bán dâm ở 21 tỉnh, thành phố.

Đối với người từng tham gia hoạt động mại dâm, nhiều địa phương hỗ trợ họ hòa nhập cộng đồng bằng cách dạy nghề, tạo việc làm, để họ không trở lại con đường cũ. Dẫn chứng là, hiện có 21/63 tỉnh, thành phố đã triển khai và duy trì 114 điểm mô hình can thiệp, hỗ trợ người từng tham gia hoạt động mại dâm.

Ngoài ra, 17/63 tỉnh, thành phố triển khai mô hình nhằm bảo đảm quyền cho người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội, để mỗi người hiểu rõ về quyền của họ.

Giúp các đối tượng mại dâm tái hòa nhập cộng đồng.

Giúp các đối tượng mại dâm tái hòa nhập cộng đồng.

Hỗ trợ vốn, từng bước chuyển đổi sinh kế

Theo đó, nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả, trở thành cầu nối giúp người bán dâm hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng.

Đơn cử, tại tỉnh Quảng Ninh, mô hình phòng ngừa, can thiệp, giảm hại trong phòng chống mại dâm hoạt động hiệu quả thời gian qua phải kể đến là Nhóm Hạ Long Xanh. Được thành lập vào năm 2011, với 7 thành viên, đến nay, họ trở thành những người bạn tin cậy đối với chị em hành nghề mại dâm trên địa bàn thành phố Hạ Long.

Từ khi thành lập đến nay nhóm đã tham gia các buổi tập huấn kỹ năng tiếp cận, tư vấn tại cộng đồng và tham gia vào các hoạt động dự phòng HIV trên địa bàn tỉnh cũng như các hoạt động của mạng lưới hỗ trợ các nhóm tự lực người bán dâm để có thêm nhiều kỹ năng và kiến thức để tiếp cận, tư vấn cho đối tượng được hiệu quả.

Công việc thường ngày của nhóm là tiếp cận, thâm nhập "điểm nóng", tụ điểm vui chơi, kinh doanh giải trí... tuyên truyền cho đối tượng có nguy cơ về cách sử dụng bao cao su (BCS) đúng cách, bệnh lây truyền qua đường tình dục, cấp bao cao su, kiến thức về HIV, khám sức khỏe định kỳ...

Hàng năm, nhóm đã tiếp cận được từ 1.000 - 2.500 lượt chị em để tư vấn và cung cấp các dịch vụ.

Đặc biệt, hơn 3 năm qua, nhóm đã đề xuất hỗ trợ sinh kế, giúp hơn 20 chị em được hỗ trợ vốn để mở quán cắt tóc, gội đầu, tạp hóa, quán nước… từng bước chuyển đổi sinh kế. Hiện các chị em vẫn  duy trì công việc được hỗ trợ và dần ổn định thu nhập, nên đã giảm tần suất hoạt động đi nhiều.

Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh cũng triển khai các mô hình thí điểm về phòng, chống mại dâm như: Mô hình phòng ngừa tệ nạn mại dâm và hỗ trợ người bán dâm ổn định cuộc sống tái hoà nhập cộng đồng tại 8 xã/phường/thị trấn trọng điểm.

Mô hình Hỗ trợ tăng cường năng lực của nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, Câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận truyền thông và hỗ trợ, giảm hại phòng, chống bạo lực giới tại các thành phố Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả; Mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội dành cho nhóm phụ nữ bán dâm và Mô hình đảm bảo quyền người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ.

Theo đó, trên 2.000 lượt người bán dâm, người có nguy cơ cao bán dâm được tiếp cận, tư vấn, hỗ trợ về tâm lý, y tế, pháp lý và đặc biệt, họ có cơ hội đào tạo, và có nghề nghiệp.

Hay như TP. HCM, đa dạng mô hình tái hòa nhập cộng đồng. Để gái mại dâm tái hoà nhập cộng đồng một cách bền vững nhất là một trong những mục tiêu quan trọng trong công tác phòng chống mại dâm. Vì thế, thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh công tác hỗ trợ, giúp đỡ gái mại dâm hoàn lương bằng nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả. 

Ngoài ra, Thành phố còn có những chính sách thiết thực để giúp người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng như hỗ trợ học nghề, vay vốn.

Cụ thể, nhiều năm qua, Sở LĐ-TB&XH TP. Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện thí điểm mô hình hỗ trợ người bán dâm hoàn lương với các mô hình như: Mô hình "Tăng cường khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội của nhóm người bán dâm"; mô hình "Hỗ trợ, can thiệp giảm hại đối với nữ lao động đang làm việc tại cơ sở kinh doanh dịch vụ" và mô hình "Hỗ trợ đảm bảo quyền của người lao động đang làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm".

Triển khai các mô hình, các cơ quan chức năng ngoài kiểm tra, xử lý cơ sở có nghi vấn hoạt động mại dâm còn duy trì, kết nối các mô hình trợ giúp tại cộng đồng đối với người bán dâm.

Cụ thể như cung cấp các dịch vụ về tư vấn pháp lý, chăm sóc sức khỏe, can thiệp giảm hại, phòng tránh lây truyền HIV/AIDS và các bệnh lây qua đường tình dục khác.

Đặc biệt, còn hỗ trợ học nghề, vay vốn và giới thiệu việc làm thông qua chương trình an sinh xã hội để giúp đỡ người bán dâm hoàn lương, thay đổi công việc, ổn định cuộc sống.

Giúp người bán dâm định hướng lại cuộc sống, nghề nghiệp

Tại Hà Nội, nhiều nô hình hỗ trợ những người từng bước chân vào con đường không đúng trở về được duy trì. Đội trưởng Đội công tác xã hội tình nguyện phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội) Lê Văn Họa đánh giá, việc triển khai một số mô hình trợ giúp người từng bán dâm trở về trên địa bàn phường đã góp phần cung cấp kiến thức về chăm sóc sức khỏe, tư vấn, học nghề để thay đổi nghề cho hàng chục lượt người.

Là đối tượng được hỗ trợ, chị N.V.A, tạm trú tại phường Thịnh Liệt chia sẻ: “Nhờ kiến thức được trang bị, chúng tôi nhận ra, không có cách nào lập thân, lập nghiệp tốt hơn là phải có việc làm chính đáng. Vì thế, cá nhân tôi đã tránh xa con đường cũ, đi học nghề may mặc. Khi tay nghề vững, tôi sẽ mở một cửa hàng may nhỏ”.

Theo Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Khánh Hòa, trên tinh thần Quyết định số 679/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc chú trọng đến trợ giúp người bán dâm, nghiện ma túy có cơ hội thay đổi cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. 

Theo đó, Chi Cục Phòng chống tện nạn xã hội Khánh Hòa đã chủ trì xây dựng nhiều CLB Niềm tin. Các CLB này quy tụ những người lầm lỡ để giúp họ định hướng lại cuộc sống, nghề nghiệp. 

Mỗi CLB sẽ được chính quyền cử đại diện Hội phụ nữ, đại diện ngành y tế tham gia tư vấn hướng làm ăn, hướng hòa nhập cộng đồng, làm thủ tục vay vốn và các biện pháp chữa trị bệnh tật.

Chị Nguyễn Thị Ph. bộc bạch: Khoảng chục năm trước, từ vùng sâu của huyện Ma Đ'răk (Đăk Lăk) chuyển xuống TP. Nha Trang sinh sống. Ban đầu làm công nhân sau đó theo đám bạn xấu ngày đêm chèo kéo khách và điên đảo với thuốc lắc rồi tham gia hoạt động mại dâm. Nhan sắc tàn tạ, sức khỏe sa sút, người thân khóc cạn nước mắt, tưởng không rút chân ra được, nhưng khi biết thông tin Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Khánh Hòa sẽ là đầu mối tiếp nhận và có cách mở ra tương lai mới, chị Ph. cùng hàng chục phụ nữ nông thôn lầm lỡ khác kéo nhau đến.

Khát vọng làm lại cuộc đời với các cô gái hiện hữu hơn bao giờ hết khi hàng loạt thành viên của các CLB Niềm tin trong tỉnh Khánh Hòa đón tiếp, đỡ đần, lo ăn ở và đưa đi chữa bệnh, lo thuê mặt bằng, Chi cục Phòng chống tệ nạn thì lo làm hồ sơ vay vốn để Ph. cùng nhiều người khác mở quán phở, sạp bán trái cây...

Sau hơn 2 năm làm ăn, đến nay, cửa hàng của chị Ph. tạo thêm việc làm cho nhiều người khác cùng cảnh ngộ với mình.

Vạch ra hướng đi bền vững cho người lầm lỡ, Các CLB Niềm tin sẽ làm đầu mối tạo vốn, vay vốn, chữa bệnh, tạo cách làm ăn để các đối tượng làm lại cuộc đời.

Theo Chi Cục phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh, hiện Khánh Hòa đã triển khai nhiều mô hình hiệu quả như: Mô hình hỗ trợ sinh kế cho người lầm lỡ, Mô hình tái hòa nhập cộng đồng; Mô hình chuyển đổi giáo dục, chữa trị và hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng, 4 CLB Niềm tin... Ngoài ra còn trang bị các kỹ năng phòng tránh những rủi ro bệnh tật, cưỡng bức, xâm hại tình dục.

Để nâng cao kỹ năng nhằm xóa nhòa kỳ thị đối với người lầm lỡ, các CLB Niềm tin trong tỉnh Khánh Hòa còn thường xuyên tổ chức các sinh hoạt định kỳ và các buổi giao lưu với các hội, đoàn thể và người dân tại địa phương, nội dung sinh hoạt đa dạng và sinh động; ngoài hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, tư vấn can thiệp giảm hại còn dạy nghề, mở rộng giao lưu với các mô hình CLB hiệu quả từ các tỉnh khác.

Chỉ trong một thời gian ngắn, có trên 60 đối tượng lầm lỡ được vay vốn ưu đãi với số tiền trên 1,4 tỉ đồng, bình quân mỗi đối tượng được vay hơn 20 triệu. Sau khi trang bị vốn, các cán bộ còn xuống tận địa phương hướng dẫn cách làm ăn nên 95% số đối tượng đã sử dụng hiệu quả vốn vay đúng mục đích để kinh doanh buôn bán nhỏ (cà phê, quán ăn), chăn nuôi, nghề thủ công.

Nguyễn Thanh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh