CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:15

Tạo việc làm cho người lao động sau đào tạo nghề ở Lào Cai: Cần những giải pháp đồng bộ

 

Còn những khó khăn

Sau khi Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực, đầu năm 2016, toàn tỉnh Lào Cai có 9 trung tâm dạy nghề các huyện, thành phố đã được đổi tên thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Hiện trên địa bàn tỉnh có 43 cơ sở tham gia đào tạo nghề, trong đó có 2 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp, 14 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 1 trung tâm giới thiệu việc làm có chức năng dạy nghề và trên 24 cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã tham gia dạy nghề.

Trong năm 2016, các cơ sở đã tuyển sinh và đào tạo 13.985  người, trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp 2.747 người, sơ cấp và đào tạo thường xuyên 11.238 người. Việc đào tạo đã hướng đến nhiều ngành, nghề khác nhau, phục vụ nguồn nhân lực cho các dự án kinh tế trọng điểm của tỉnh, như ngành luyện kim, hoá chất, khai thác mỏ, tuyển khoáng, xây dựng và vận hành máy thuỷ điện, kỹ thuật chế biến nông sản vùng dự án, dịch vụ kỹ thuật cao… đáp ứng nhu cầu nguồn lao động kỹ thuật của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Đối với đào tạo nghề ngắn hạn, địa chỉ đào tạo lao động là hướng tới các vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá, chế biến nông - lâm - thuỷ sản, quy trình kỹ thuật - công nghệ sau thu hoạch nông sản, các nghề truyền thống… Nhờ đó, người lao động dễ tìm được việc làm hơn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động ở khu vực nông thôn.

Đào tạo nghề điện công nghiệp tại Trường Cao đẳng nghề Lào Cai.

Tuy nhiên, nhiều cơ sở đào tạo và giáo dục nghề nghiệp hiện chưa được đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, trang - thiết bị, đội ngũ giáo viên còn bất cập về trình độ, nên chất lượng đào tạo chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực tế, cơ sở đào tạo chưa trở thành địa chỉ tin cậy cao đối với người lao động. Một trong những khó khăn khác là đa số doanh nghiệp mới thành lập vẫn có quy mô nhỏ và vừa, sử dụng ít lao động, chưa có kế hoạch đào tạo hay tăng cường số lượng lao động trong những năm tới.

Đào tạo gắn với nhu cầu thực tế

Trong những năm qua, Trường Cao đẳng nghề Lào Cai luôn chú trọng gắn công tác đào tạo với yêu cầu thực tế của thị trường lao động. Ông Phạm Đức Bình, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng nghề Lào Cai cho biết: Nhà trường đã và đang tăng cường đào tạo nghề ở nhóm ngành công nghiệp, xây dựng, trong đó xác định 2 mã nghề đào tạo trình độ cao đẳng là Điện công nghiệp và Công nghệ ô tô. Đây là các ngành hiện đang phù hợp với nhu cầu xã hội, thu hút đông số lượng người học nghề, cơ hội việc làm rộng mở và mức thu nhập ổn định. Trong khi đó, hoạt động đào tạo tiếp tục hướng tới các nghề thuộc nhóm ngành nông - lâm nghiệp phục vụ Chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó lựa chọn đào tạo trình độ cao đẳng cho đội ngũ thú y viên các thôn, xã.

Theo dự báo, từ nay đến năm 2020, nhóm nghề cần tuyển dụng lao động số lượng nhiều vẫn là các ngành kỹ thuật, trong đó trọng tâm là thợ lắp ráp công nghệ cao và vận hành máy móc, thiết bị. Để tránh tình trạng “thừa thầy - thiếu thợ”, công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh đã được làm tốt trong những năm qua và cần được duy trì trong thời gian tới. Riêng năm 2016, có 12.000 lao động được tư vấn chính sách lao động, việc làm, trong đó có 3.000 lao động đã tìm được việc làm ổn định.

Các cơ sở đào tạo tích cực mua sắm thiết bị để mở rộng ngành nghề và nâng cao chất lượng đào tạo. Hiện, Trường Cao đẳng nghề Lào Cai đang phối hợp với Trường Cao đẳng nghề du lịch và dịch vụ Hải Phòng xây dựng 4 chương trình, giáo trình dạy nghề trình độ sơ cấp trong năm 2016; phối hợp với Trường Cao đẳng nghề cơ khí nông nghiệp tổ chức mở lớp nghiệp vụ sư phạm dạy nghề cho 40 giáo viên, người dạy nghề của các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh. Tích cực, chủ động chỉ đạo các cơ sở dạy nghề thực hiện công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề cho trên 2.000 người lao động, tập huấn bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền cho trên 80 cán bộ hội nông dân cấp cơ sở trên địa bàn. Với nhiều giải pháp đồng bộ, dự kiến giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh sẽ đào tạo nghề cho khoảng 60.500 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 55% (năm 2020), giải quyết việc làm cho 55.000 lao động, xuất khẩu lao động 2.000 người.

Theo các chuyên gia, để nâng cao hiệu quả đào tạo và sử dụng lao động, các cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh cần xây dựng chương trình hoạt động gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, khớp nối tốt nhu cầu sử dụng lao động từ các doanh nghiệp.


VĂN LÝ (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh