THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:22

Tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển

Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội thảo

 

Kinh tế tư nhân ngày càng có đóng góp lớn hơn cho tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, tạo việc làm, tỷ trọng đóng góp vào GDP cao... Ông Nguyễn Văn Bình- Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban kinh tế Trung ương đánh giá tại diễn đàn "Kinh tế tư nhân trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước" lần thứ nhất, được tổ chức tại Hà Nội.

Số liệu của Tổng cục Thống kê giai đoạn 2006- 2015 cho thấy, khu vực kinh tế tư nhân đang đóng góp khoảng 40% GDP, 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, gần 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ và khoảng 64% tổng lượng hàng hóa.

Theo ông Bình, phát triển kinh tế tư nhân là yêu cầu tất yếu và cấp thiết trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. "Chúng ta cần coi phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh theo cơ chế thị trường là một phương sách quan trọng để huy động và phân bổ các nguồn lực và giải phóng sức sản xuất. Đặc biệt, cần tạo điều kiện thuận lợi tối đa để kinh tế tư nhân phát triển ở tất cả các lĩnh vực mà pháp luật không cấm; cần tạo sự bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn lực cho kinh tế tư nhân, nhất là về vốn, đất đai, tài nguyên..."- ông Bình nhấn mạnh.

Ông Bình cho rằng, đây là diễn đàn quan trọng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực của cả nền kinh tế. Trong thời gian qua, kinh tế tư nhân ngày càng có nhiều đóng góp cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tỷ trọng đóng góp vào GDP luôn lớn nhất so với các thành phần kinh tế khác và duy trì ổn định ở mức 39 – 40%. 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Bình thẳng thắn nhìn nhận và đánh giá, đến nay, nền kinh tế tư nhân vẫn chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Do đó, để phát triển kinh tế tư nhân, ông Nguyễn Văn Bình đề nghị cần giải quyết 4 nhóm vấn đề. Thứ nhất, về quan điểm, định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035 cần được xác định, làm rõ để phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển của đất nước và xu thế của thời đại. Thứ hai, về giải pháp để tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân (Về đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, về hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư tư nhân và đảm bảo hoạt động của kinh tế tư nhân theo cơ chế thị trường, về mở rộng khả năng tham gi thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng, về khả năng tiếp cận các nguồn lực nhất là về đất đai, vốn, thị trường, về phát triển cơ sở hạ tầng,…). 
Thứ ba, về giải pháp để hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, tích cực hội nhập quốc tế. Thứ tư, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với phát triển kinh tế tư nhân.

Theo đó, đại diện Ban Kinh tế Trung ương đề nghị diễn đàn giải quyết một số vấn đề cơ bản như cần xác định, làm rõ về quan điểm, định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035 để phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Bên cạnh đó, diễn đàn cần có giải pháp để tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân và hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, tích cực hội nhập quốc tế và cần có đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với phát triển kinh tế tư nhân.

Theo thống kê, đến nay khu vực tư nhân đã tạo ra 90% việc làm mới cho người lao động và đóng góp trên 50% GDP cả nước, đảm bảo vai trò an sinh xã hội và nâng cao thu nhập cho người lao động.

"Việc thừa nhận và khẳng định được vai trò của khu vực kinh tế tư nhân là một bước tiến quan trọng nhằm tạo một không gian mở cho quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất hoạt động một cách có hiệu quả trong nền kinh tế", ông Hà Quang Tuấn, Chủ tịch Hanoimilk nhấn mạnh.

Theo ông Tuấn, muốn phát triển kinh tế tư nhân thì nhà nước cần tin tưởng và trao cho khu vực này nhiệm vụ “đầu tàu” của nền kinh tế và đã đến lúc nhà nước mạnh dạn ưu tiên, hỗ trợ cho những doanh nghiệp tư nhân lớn vươn lên tỏa sáng, dẫn dắt thị trường và dần dần khẳng định vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.

 

THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh