Năm 2018: Tạo sự chuyển biến căn bản trong công tác bình đẳng giới
- Dược liệu
- 14:06 - 19/01/2018
Tổng kết công tác năm 2017 của Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam.
Nhiều dấu ấn quan trọng năm 2017
Năm 2017, tại phiên họp toàn thể, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung - Chủ tịch UBQG vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về việc thực hiện Mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới được các đại biểu và cử tri cả nước đánh giá cao về những nỗ lực nhằm đưa Luật Bình đẳng giới vào cuộc sống, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Trong năm qua, Bộ LĐ-TB&XH, các Bộ, ngành thành viên của UBQG và các địa phương đã xây dựng báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật bình đẳng giới, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đặc biệt là chuỗi hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới từ ngày 15/11-15/12 với chủ đề “Chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” đã góp phần tạo nên nhiều biến chuyển tích cực trong cách đối diện với các hành vi bạo hành, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Qua đó, nhiều vụ việc bạo hành, xâm hại phụ nữ và trẻ em đã được bản thân người bị bạo hành, gia đình tố cáo, dư luận kịp thời phản ánh, lên án và các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, xử lý nghiêm minh, công bằng theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu đánh giá việc thực hiện các chỉ tiêu trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.
Điểm nổi bật về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bình đẳng giới là đã tổ chức thành công Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC 2017 do Chủ tịch UBQG vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ LĐ –TB&XH là Chủ tịch Diễn đàn. Diễn đàn với 3 sự kiện chính thức và các hội nghị, hội thảo, sự kiện bên lề, 17 cuộc gặp song phương trong thời gian từ ngày 26-29/9/2017 tại Thành phố Huế với sự tham gia của 753 đại biểu trong nước và quốc tế và hơn 1.600 cán bộ tổ chức, đội ngũ phục vụ, tình nguyện viên cho Diễn đàn. Kết quả là tất cả mục tiêu của Việt Nam đề ra đều đã đạt được, Tuyên bố của Diễn đàn và Văn kiện Hướng dẫn Bao trùm Giới trong APEC - sáng kiến của Việt Nam, đã được các nền kinh tế nhất trí thông qua để trình Hội nghị các nhà Lãnh đạo APEC được tổ chức vào tháng 11 năm 2017 xem xét, công nhận….
Về kế hoạch công tác năm 2018, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan – Phó Chủ tịch UBQG vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam cho biết, UBQG vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt nam sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục phối hợp triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; đặc biệt là chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác phụ nữ trong tình hình mới. Phối hợp triển khai các chương trình, đề án liên quan đến bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Chú trọng xây dựng, tổ chức thực hiện các Kế hoạch, Chương trình, Đề án tập trung giải quyết một số vấn đề lớn, có tác động, ảnh hưởng lớn tới sự tham gia và thụ hưởng của phụ nữ trong một số lĩnh vực như: cơ hội việc làm đối với lao động nữ nông thôn, lao động nữ di cư và nhóm nữ công nhân sau tuổi 35 tại các doanh nghiệp; chính sách hưởng lương hưu của lao động nữ; việc phát triển cán bộ nữ dân tộc thiểu số; vấn đề bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em gái; các hệ lụy của hôn nhân có yếu tố nước ngoài, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, ...
Chủ tịch TW Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà đề xuất đánh giá tác động của cách mạng 4.0 đối với lao động nữ.
Những vấn đề thiết thực tác động đến đời sống phụ nữ
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung – Chủ tịch Ủy ban quốc gia (UBQG) vì sự tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam cho biết, tại diễn đàn kinh tế thế giới, Việt Nam được đánh giá là quốc gia đứng thứ 64/144 quốc gia về chỉ số khoảng cách giới; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ/nam là 0,92 - gần tiệm cận mức bình đẳng.
Tuy nhiên để tạo sự chuyển biến căn bản thực chất trong công tác này trong năm 2018, Bộ trưởng lưu ý, các thành viên Ủy ban cần tập trung vào một số nhiệm cụ thể: Đánh giá tổng kết 10 năm thi hành luật BĐG; Rà soát, điều chỉnh, bổ sung toàn bộ các chỉ tiêu trong Chương trình mục tiêu quốc gia trên quan điểm không hạ chỉ tiêu phấn đấu; Nghiên cứu dự báo nguồn nhân lực cung cầu lao động nhất là lao động nữ trước cuộc cách mạng 4.0. Tập trung phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em. Các thành viên của UBQG vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam Phối hợp chặt chẽ cơ quan tư pháp, ủy ban giám sát pháp luật của Quốc hội giải quyết vấn đề bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Đồng thời nghiên cứu một số vấn đề xã hội còn “né tránh” như chuyển đổi giới tính….
“Đặc biệt là tập trung thảo luận về vấn đề tuổi nghỉ hưu đối với lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý. Đây cũng là vấn đề đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến trong phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành Lao động - Thương binh và Xã hội ngày 17/1/2018 và theo Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội của Chính phủ sẽ báo cáo Bộ Chính trị trong thời gian tới” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Đào Hồng Lan đánh giá về những dấu ấn của công tác bình đẳng giới trong năm 2017.
Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam – Phó Chủ tịch UBQG vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, các thành viên Ủy ban cần tập trung xem xét, đánh giá lại các chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Tập trung thực hiện một số chỉ tiêu đang yếu chưa đạt được. Đồng thời đánh giá tác động của cuộc 4.0 đối với lao động nữ nhất là lao động trong ngành dệt may, da giầy. Tập huấn bình đẳng giới cho các cán bộ nhất là những người làm Luật của các bộ, ngành… Công tác kiểm tra cần thực hiện có trọng điểm, theo khu vực sẽ hiệu quả hơn.
Còn Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Nguyễn Trọng Thừa cho rằng, đề xuất sửa đổi Nghị định số 53/2015/NĐ-CP, theo hướng kéo dài tuổi nghỉ hưu đến 60 đối với nhóm đối tượng là nữ có chức danh Tổng Cục trưởng và tương đương, Phó Tổng Cục trưởng và tương đương, Vụ trưởng và tương đương ở cấp Trung ương; ở cấp tỉnh, thành tới Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND và tương đương cần có thống kê, báo cáo cụ thể và tổ chức họp chuyên đề giữa các thành viên mới có được kết luận để kiến nghị đề xuất...