Quảng Ngãi: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về Bình đẳng giới
- Dược liệu
- 22:21 - 05/01/2018
Hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong những năm qua đã được đẩy mạnh và lồng ghép vào hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật hàng năm tại các cấp, các ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh với nhiều hình thức và nội dung phong phú, phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng nhóm đối tượng.
Các mô hình truyền thông về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ được duy trì hoạt động và tiếp tục mở rộng, một số mô hình được cải tiến để phù hợp với đặc điểm và thế mạnh của mỗi ngành, đoàn thể. Hệ thống phát thanh của huyện, thành phố và cơ sở đã phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền.
Hàng năm, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Ngãi, Báo Lao động- Xã hội tổ chức từ 3 đến 5 chuyên mục về bình đẳng giới, nhiều bài viết, phóng sự, tin về đề tài phụ nữ, bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới. Biên tập, in và cấp phát hành hơn 50.500 tờ rơi, tờ gấp, Pa nô, áp phích tuyên truyền về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Ông Lương Kim Sơn- Phó trưởng Ban thường trực Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh phát biểu khai mạc hội nghị. ảnh: Đông Hải.
Theo báo cáo, từ năm 2011 đến thời điểm báo cáo, ước toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho khoảng 256.360 lao động (bình quân mỗi năm giải quyết cho 36.480 lao động/năm). Riêng năm 2017, giải quyết việc làm mới và thêm việc làm cho khoảng 39.500 lao động. Tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp chiếm tỷ lệ 30%
Quy mô, chất lượng lao động qua đào tạo nghề cũng dần được nâng lên, mạng lưới cơ sở dạy nghề của tỉnh ngày càng phát triển. Năm 2017, tiếp tục tăng lên 40 cơ sở (đầu năm 2011 có: 30 cơ sở). Năm 2017, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề so với tổng số lao động ước đạt 49% (trong đó, lao động nữ là 38%, đạt 100% kế hoạch năm).
Việc cho vay vốn giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, hàng năm ngân sách tỉnh bổ sung 08 tỷ đồng để cho vay giải quyết việc làm (từ 2017 đến 2020 Ngân sách tỉnh bố trí 20 tỷ/năm), nguồn quỹ cho vay đạt hiệu quả cao, không có vốn tồn đọng, vốn vay được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tỉnh có 85% tỷ lệ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được vay vốn từ chương trình xóa đói giảm nghèo, từng bước đáp ứng nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh của phụ nữ nghèo và cận nghèo, hạn chế tình trạng “tín dụng đen”. Góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị, tăng tỷ lệ thời gian lao động ở nông thôn.
Đại tá Võ Văn Dương-PGĐ CA tỉnh Quảng Ngãi báo cáo tham luận tại Hội nghị.
Qua 7 năm thực hiện Kế hoạch hành động, nhiều chỉ tiêu cơ bản về chăm sóc sức khỏe sinh sản đều đạt được. Bên cạnh đó, nhờ sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự cố gắng, nỗ lực của Ngành Y tế, tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản đã có sự cải thiện đáng kể trong những năm gần đây. Kết quả, tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản trong năm 2017: 0/10.309 trẻ đẻ sống (năm 2011: 01/18.254 trẻ đẻ sống).
Nhìn chung, chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng, công tác dân số- kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ và chăm sóc trẻ em được chú trọng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về y tế từng bước được nâng lên; chất lượng khám, chữa bệnh, tinh thần phục vụ đối với bệnh nhân bước đầu có chuyển biến tích cực; quản lý hành nghề y dược tư nhân; thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đạt một số kết quả quan trọng.
Hội nghị cũng đề ra kế hoạch hành động phấn đấu rút ngắn khoảng cách về thời gian tham gia công việc gia đình của nữ so với nam xuống 2 lần vào năm 2015 và xuống 1,5 lần vào năm 2020: Đây là chỉ tiêu mang tính định tính, việc thu thập số liệu này khó có thể thực hiện được (Vì thời gian tham gia công việc gia đình của nữ không thể xác định chính xác được).
Đến năm 2017, đã có khoảng 50% số nạn nhân bạo lực gia đình được tư vấn về pháp lý, sức khỏe, được các cơ quan, đoàn thể, địa phương giúp đỡ tại chỗ hoặc đưa đi khám bệnh, chăm sóc sức khỏe (đạt chỉ tiêu đề ra, kế hoạch 2020 là 50%); 70% số người gây bạo lực gia đình được tư vấn về pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình (không đạt chỉ tiêu đề ra, kế hoạch 2020 là 85%).
Đến nay, các huyện, thành phố đã kiện toàn Ban Chỉ đạo Phòng, chống bạo lực gia đình và có kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ công tác gia đình. Các cấp Hội Phụ nữ đã chú trọng đến việc củng cố mô hình Câu lạc bộ gắn với xây dựng gia đình hạnh phúc, với hơn 1.666 câu lạc bộ, mô hình (thu hút 24.600 phụ nữ tham gia); đã lồng ghép, tư vấn, hỗ trợ kiến thức xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển kinh tế, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, chăm sóc sức khỏe; đề xuất hơn 30.000 phụ nữ, trẻ em được hưởng các quyền lợi như cứu tế đỏ lửa, cứu trợ thường xuyên, xây dựng nhà ở.